Phòng ngừa cháy nổ từ nhà ở kết hợp kinh doanh

Diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tại phường Thanh Bình.

Thường trực nguy cơ cháy

Thống kê của lực lượng chức năng, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 13 vụ cháy, nổ khu vực dân cư, với tổng thiệt hại ước tính khoảng 4 tỷ đồng. Ðáng chú ý trong đó ghi nhận 8 vụ cháy xảy ra tại nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (chiếm 61,5%). Qua công tác rà soát, điều tra nguyên nhân các vụ cháy, bước đầu xác định đa phần do sự cố hệ thống thiết bị điện và sơ suất trong quá trình sử dụng nguồn nhiệt. Một “lỗ hổng” cũng được làm rõ xuất phát từ chính sự thiếu quan tâm của các gia đình đối với công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ đối với chính cơ sở nhà ở, kinh doanh của mình.

Ðiển hình là vụ cháy xảy ra vào rạng sáng 15/9 vừa qua tại cửa hàng kinh doanh Quà Tây Bắc (tổ dân phố 5, phường Thanh Trường, TP. Ðiện Biên Phủ). Ngay khi tiếp nhận thông tin vụ việc, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH), Công an tỉnh đã huy động 4 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến ứng cứu. Sau hơn 3 giờ nỗ lực, đám cháy đã cơ bản được dập tắt, không để ảnh hưởng sang các nhà dân liền kề. Tuy nhiên, do phát hiện muộn nên ngọn lửa đã thiêu rụi toàn bộ hàng hóa, thiết bị trong cửa hàng.

Liên quan đến nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn tại nhà ở kết hợp kinh doanh, Ðại úy Phạm Tuấn Nhã, Phó Ðội trưởng Ðội Công tác tham mưu, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH cho biết: Năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành quy định về tiêu chuẩn xây dựng nhà ở kết hợp kinh doanh. Trong đó quy định phải thiết kế phần ngăn giữa khu vực sinh sống và kinh doanh. Tuy nhiên trên thực tế, khi xây dựng, đa phần người dân chỉ xin cấp phép nhà ở riêng lẻ. Sau đó, trong quá trình sinh sống mới chuyển đổi sang kết hợp kinh doanh. Dẫn đến công tác PCCC theo quy định sẽ không được thẩm định ngay từ ban đầu. Thông thường, thời điểm cháy ban đầu thì lửa chưa phát sinh lên tầng trên hoặc khu vực lân cận. Tuy nhiên, theo trục cầu thang hở thì khói sẽ xộc lên, lan rộng và xảy ra bức xạ nhiệt. Nếu có cửa ngăn cháy ở ngay cầu thang hoặc khu vực tiếp giáp thì sẽ hạn chế được thời gian lửa lan. Nhưng thực tế khi vận động các gia đình lắp đặt hệ thống vách ngăn này gặp rất nhiều khó khăn bởi người dân cho rằng sẽ bất tiện trong sinh hoạt.

Trong quy định UBND tỉnh ban hành cũng quy định khi lắp đặt hệ thống điện đối với các hộ nhà ở kết hợp kinh doanh sẽ phải thiết kế dư khoảng 30% công suất; khu vực bày hàng hóa phải cách xa điểm có ổ điện tối thiểu từ 50 - 70cm. Tuy nhiên, đa phần các hộ kinh doanh không đảm bảo. Khi nhu cầu sử dụng điện gia tăng sẽ dẫn đến quá tải, ngay cơ xảy ra cháy, chập rất cao. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có trên 5.100 hộ sản xuất kinh doanh kết hợp nhà ở. Chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hàng ăn, tạp hóa, sửa chữa xe, nhà nghỉ, karaoke... Qua công tác rà soát, kiểm tra, nhiều hộ vẫn để hệ thống dây dẫn điện trong khu vực kinh doanh, sản xuất kết hợp nơi ở không đủ điều kiện phụ tải, lắp đặt đấu nối không đúng kỹ thuật phục vụ việc kinh doanh và sinh hoạt. Công tác bảo trì, cải tạo chưa được thường xuyên, khiến hệ thống điện xuống cấp. Ngoài ra, có tình trạng treo mắc hàng hóa, vật dụng lên đường dây điện, để các chất dễ cháy như bình chứa khí gas, xăng, dầu, giấy, vải... gần đường dây điện và các thiết bị sinh nhiệt, như: Ðèn, bếp điện, ổ cắm điện. Nhiều hộ còn bố trí nơi thờ cúng chưa hợp lý, bàn thờ làm bằng vật liệu dễ cháy. Một số cơ sở có dự trữ nhiều vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ...

Chữa cháy từ gốc

Nhận định của lực lượng chức năng, tình trạng cháy nổ trong khu dân cư còn nguy cơ diễn biến phức tạp. Ðể bảo đảm an toàn PCCC cho các cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở, bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, kiểm tra xử lý những vi phạm quy định an toàn phòng cháy thì nhận thức, ý thức của cộng đồng dân cư đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi vậy, hiện nay công tác truyền thông, xây dựng và phát huy hiệu quả của các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Ðiểm chữa cháy công cộng” đang được các địa phương đẩy mạnh. Với mục tiêu chữa cháy phải thực hiện từ gốc, tức là mỗi người dân sẽ được xây dựng thành một chiến sĩ PCCC, từ đó giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do hỏa hoạn gây ra.

Ðến nay, toàn tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động gần 160 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”; gần 100 “điểm chữa cháy công cộng” và hơn 880 tổ dân phố, thôn, bản xây dựng mô hình “Tiếng kẻng an toàn PCCC”. Ðể nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình hoạt động, từ đầu tháng 9 đến nay, lực lượng PCCC Công an tỉnh đã phối hợp với Công an, chính quyền các địa phương liên tiếp tổ chức thực tập phương án chữa cháy, CNCH tại các “Tổ liên gia an toàn PCCC” ở cơ sở. Thông qua diễn tập nhằm hướng dẫn cho các thành viên “Tổ liên gia an toàn PCCC” về kỹ năng phát hiện cháy, báo cháy, gọi điện thoại báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH; cắt điện khu vực xảy ra cháy; sử dụng dụng cụ, phương tiện chữa cháy, CNCH được trang bị tại chỗ để tổ chức chữa cháy, cứu người bị nạn, hướng dẫn thoát nạn.

Hà Linh