Phát triển lành mạnh thị trường tài chính, chứng khoán

Thị trường chứng khoán theo xu hướng phục hồi

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, năm 2023, cùng với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, Bộ đã chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước; bảo đảm nguồn lực hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn, an ninh, quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội.

Nhờ chủ động trong điều hành, kết quả thực hiện thu ngân sách nhà nước đến ngày 25.12.2023 đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán. Ước đến ngày 31.12.2023, chi ngân sách nhà nước đạt khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 144.000 tỷ đồng (33%) so cùng kỳ năm 2022.

Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương các cấp được bảo đảm. Lũy kế đến ngày 25.12.2023, đã phát hành được 296,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 74,2% kế hoạch đầu năm, kỳ hạn phát hành bình quân 12,54 năm, lãi suất bình quân 3,21%/năm, góp phần bù đắp bội chi và trả nợ các khoản nợ gốc ngân sách Trung ương đến hạn.

Riêng đối với thị trường chứng khoán, Bộ đã tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường; tăng cường công tác quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp và công ty đại chúng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm, nhằm bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Nguồn: ITN

Diễn biến thị trường chứng khoán năm 2023 có biến động tăng giảm đan xen, với xu hướng phục hồi. Tính đến ngày 25.12.2023, chỉ số VN-Index đạt 1.117,66 điểm, tăng 11% so với cuối năm 2022; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 12,1% so cuối năm 2022, tương đương 61,6% GDP năm 2022.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phát hành và thanh toán trái phiếu đến hạn, khôi phục niềm tin của thị trường, đồng thời bảo đảm quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu. Từ tháng 7.2023, đã chính thức vận hành Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, qua đó đã góp phần tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, tăng cường công khai, minh bạch, cảnh báo rủi ro trên thị trường.

Đến 25.12.2023, đã có 78 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng 245,9 nghìn tỷ đồng (giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022); khối lượng mua lại trước hạn là 230,2 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cả năm 2022. Cơ cấu nhà đầu tư chủ yếu là các nhà đầu tư tổ chức chiếm 93,2% (trong đó các ngân hàng thương mại chiếm 54,5%), các nhà đầu tư cá nhân mua 6,8%.

Đối với thị trường bảo hiểm, năm 2023 tăng trưởng khả quan, với tổng tài sản tăng 11,1%, đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 12,8%, chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng 31,3%. Riêng doanh thu phí bảo hiểm giảm 8% so với năm 2022, chủ yếu do kinh tế khó khăn và những bất cập trong tư vấn bán hàng...

Đánh giá kỹ khả năng chi trả của tổ chức phát hành trái phiếu

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của ngành tài chính diễn ra chiều 27.12, Phó Thủ tướng Chính phủ ê Minh Khái ghi nhận những kết quả mà ngành tài chính đã đạt được trong năm 2023. Phó Thủ tướng chỉ rõ, kết quả đó đã góp phần tạo niềm tin của nhân dân, của doanh nghiệp vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự điều hành của Chính phủ.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% trong năm 2024, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan ở Trung ương điều hành chính sách tài khóa chủ động, phù hợp; tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành và dự kiến ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch năm 2024 đã đề ra.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cần tiếp tụctập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - ngân sách nhà nước, đẩy nhanh xây dựng Chính phủ số; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các luật thuế để mở rộng cơ sở thu; tập trung làm tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả…

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, trong năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục củng cố, phát triển đồng bộ, an toàn, lành mạnh, hiệu quả các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm; tăng cường quản lý, giám sát thị trường.

Song song với đó, Bộ cần nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, hiệu quả hoạt động của các thành viên thị trường, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, hướng tới các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư có tổ chức; rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu đến hạn trong năm 2024.

Ngoài ra, Bộ cần chủ động xây dựng kịch bản, đánh giá tác động, có phương án cụ thể, hiệu quả để xử lý, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Trên cơ sở đó, củng cố, khôi phục, tăng cường niềm tin của nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, minh bạch, lành mạnh, bền vững.

Thiên An