Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể hát Soọng cô

Đồng bào dân tộc Sán Dìu ở xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) chia sẻ kỹ năng hát Soọng cô

Xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), miền quê nổi tiếng bởi câu hát giao duyên của đồng bào người dân tộc Sán Dìu. Câu hát ấy cùng năm tháng thêm đậm đà, son sắt, gắn bó như máu thịt, hơi thở của đồng bào Sán Dìu. Cứ lớp sau theo lớp trước, câu hát nga nga, mộc mạc, chân thành, thổ lộ cả nghĩ suy, tâm sự từ đáy lòng người.

Soọng cô, theo tiếng Sán Dìu nghĩa là hát giao duyên được trao truyền trong đời sống cộng đồng dân tộc Sán Dìu. Đó là một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam - nữ. Lời bài hát được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, và được lưu truyền từ đời này sang đời khác bằng miệng hoặc bằng chữ Hán cổ. Vậy nhưng mất một thời gian dài, câu hát đằm lòng bao “quân tử giai nhân” bị chìm lặng vào quá vãng, để rồi lại bật lên, ngân nga giữa cuộc sống đời thường.

Hát Soọng cô còn là biểu hiện tinh thần và trí tuệ của người dân tộc Sán Dìu trong sinh hoạt văn hóa tinh thần. Cách hát tuân thủ theo lề lối, khuôn phép nhất định. Lối hát tự nhiên, không sử dụng nhạc cụ hỗ trợ, nhưng mượt mà làm say đắm lòng người.

Trong cộng đồng người dân tộc Sán Dìu Đồng Hỷ, dù người biết hát hoặc không biết hát cũng đều biết đến ông Diệp Minh Tài, tổ dân phố Tam Thái (thị trấn Hóa Thượng); bà Miêu Thị Nguyệt, xóm Na Quán (Nam Hòa) đã không quản khó nhọc, rày công sưu tầm, chép lại hàng nghìn bài hát soọng cô. Hay như ông Trịnh Ngọc Thông cùng ở xóm Na Quán đã dịch hàng nghìn bài hát từ chữ Hán cổ ra tiếng dân tộc Sán Dìu và tiếng Việt. Sau khi sưu tầm và dịch thuật, các nghệ nhân đã truyền dạy lại cho bà con cùng ca hát.

Ông Trịnh Ngọc Thông (xóm Na Quán, xã Nam Hòa, Đồng Hỷ) đã dịch hàng nghìn bài hát từ chữ Hán cổ ra tiếng dân tộc Sán Dìu và tiếng Việt.

Cảm hứng lan tỏa, bà con Sán Dìu rủ nhau cùng hát, nghe hát Soọng cô. Nhiều người đi tập hát Soọng cô để nhân đó tập nói lại tiếng của dân tộc mình. Bằng cách này, tiếng nói của người Sán Dìu được “thức dậy”, trong nhiều gia đình, ông bà, cha mẹ bắt đầu có ý thức truyền dạy ngôn ngữ dân tộc mình cho con, cháu. Rồi những câu lạc bộ hát Soọng cô được thành lập, nhân khi ngô trên núi thu xong, thóc phơi khô quạt sạch cất bồ, thành viên câu lạc bội lại gặp gỡ, người biết hát dạy cho người chưa biết.

Hát nhiều, nghe nhiều thành “nghiện”, vào dịp lễ, tết, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, các xóm có nhiều đồng bào người dân tộc Sán Dìu sinh sống không thể thiếu tiết mục hát Soọng cô.

Đồng bào dân tộc Sán Dìu tự hào: Soọng cô là câu hát giãi bày tình cảm của lòng mình. Soọng cô còn được sử dụng trong các cuộc vui như mừng nhà mới, mừng năm mới... Dựa trên các quy định về âm luật, ca từ, người hát vận dụng, có thể vừa hát những bài ca cổ, lại đồng thời sáng tác thêm (hát theo cảm hứng). Đặc biệt là từ nhiều năm gần đây, ngoài ca từ cổ nguyên gốc, đồng bào còn hát Soọng cô lời mới. Đó là các bài hát ca ngợi Đảng, ca ngợi công ơn to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bài hát mừng đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc.

Để bảo tôn, gìn giữ, phát huy giá trị hát Soọng cô, những năm gần đây, các cấp, ngành liên quan có sự quan tâm thiết thực hơn, như việc vận động đồng bào dân tộc Sán Dìu thành lập, duy trì hoạt động các câu lạc bộ hát Soọng cô; tổ chức lớp truyền dạy thực hành di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia hát Soọng cô cho con em đồng bào người dân tộc Sán Dìu... Nhờ đó, hát Soọng cô ngày nay được nâng lên một tầm cao mới về kỹ thuật trình diễn, cách nhấn nhá âm tiết, kỹ năng hát đối đáp giao duyên.

Giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát Soọng cô đang được quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị. Cho dù xã hội hiện đại có nhiều dòng văn hóa thâm nhập vào đời sống của đồng bào, nhưng câu hát Soọng cô vẫn được cất lên mỗi ngày, khẳng định sự phát triển không ngừng của đồng bào dân tộc Sán Dìu trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.