Nữ sinh ĐH Tôn Đức Thắng 'một chân' lên giảng đường

Tôi là Nguyễn Thị Cẩm Nhung (19 tuổi, Bến Tre). Hồi 5 tuổi, tôi không may bị té gãy chân trong lúc nô đùa. Vết thương biến chứng khiến tôi phải cắt bỏ chân phải sau vài tháng điều trị. Hơn 14 năm qua, cuộc sống của tôi gắn liền với đôi nạng gỗ.

Năm ngoái, tôi thi đậu vào khoa Mỹ thuật Công nghiệp ở ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM). Dù ba mẹ khuyên can, tôi quyết một mình lên thành phố học tập, sống trong ký túc xá cùng 7 bạn nữ khác.

Do phòng đông con gái, tôi luôn cố gắng dậy từ 6h để chuẩn bị trang phục, sách vở cho kịp giờ lên lớp, tránh ảnh hưởng tới các bạn. Tôi đã quen với việc di chuyển bằng một chân nên không gặp khó khăn gì trong sinh hoạt hàng ngày.

Từ nhỏ tới lớn, tôi chỉ mặc váy dài quá bắp chân nhằm che giấu phần khiếm khuyết trên cơ thể. Tôi không nề hà chuyện trang phục, luôn có cách khiến mình xinh xắn hơn bằng những chiếc váy có kiểu dáng, màu sắc đa dạng. Sau này, nếu có điều kiện lắp chân giả, tôi muốn thử mặc quần bò giống các bạn nữ cùng tuổi.

Sáng nay, tôi có tiết thực hành môn Hình họa ở ngoài trời. Địa điểm tập trung là đài sen trước thư viện, cách ký túc xá khoảng 7 phút đi bộ. Tiết trời nóng nực, phải mang theo nhiều họa cụ nên việc đi lại vất vả hơn thường ngày một chút.

Để kịp giờ lên lớp, tôi chọn đi con đường tắt nhỏ hẹp. Đi nạng qua khu vực này khá khó do nhiều người qua lại, đường không bằng phẳng.

Tôi tình cờ gặp một người bạn cùng lớp trên đường tới thư viện. Vừa thấy tôi, cô bạn hào hứng chào hỏi, chủ động cầm túi giúp tôi. Từ ngày lên TP.HCM học, tôi luôn được thầy cô, bạn bè quan tâm, giúp đỡ để hòa nhập nhanh, cởi mở hơn với môi trường mới.

Buổi thực hành Hình họa hôm nay yêu cầu cả lớp tự chọn bối cảnh ở khu vực thư viện để vẽ màu. Bí ý tưởng, tôi và một số bạn học phải nhờ giảng viên hướng dẫn lựa chọn góc đẹp để làm bài.

Thích vẽ từ nhỏ, song tôi chưa từng nghĩ sẽ theo đuổi lĩnh vực liên quan tới nghệ thuật cho tới khi đăng ký nguyện vọng đại học. Tôi muốn làm nghề thiết kế đồ họa để thỏa sức sáng tạo, ít phải đi lại.

Tôi có chút bỡ ngỡ trong vài tuần học đầu tiên vì thiếu kỹ thuật căn bản, ít cơ hội tiếp xúc với họa cụ. Nhờ thầy cô chỉ dẫn, bạn bè hỗ trợ, tôi đã có thêm động lực để tự rèn luyện khả năng của mình.

Buổi học kết thúc lúc 12h. Tôi và các bạn thu xếp họa cụ rồi tới quán cơm đối diện để ăn trưa. Trường không cho phép nấu ăn trong ký túc xá nên tôi phải ăn ngoài 3 bữa mỗi ngày. Tôi cố gắng chi tiêu hợp lý để vừa tiết kiệm tiền, vừa đảm bảo sức khỏe.

Tầm 13h, tôi trở về ký túc xá nghỉ ngơi, chuẩn bị cho tiết học tiếng Anh buổi chiều. Thời gian dư dả nên tôi tranh thủ tập vẽ một lúc. Nhận thấy kỹ năng của mình chưa tốt, tôi tự nhủ mình phải luyện tập nhiều hơn. Ngoài giờ nghỉ, tôi cũng dành ra 3-4 tiếng buổi tối mỗi ngày để tập vẽ.

Đang mải mê vẽ tranh, tôi nhận được điện thoại từ mẹ. Vài tháng nay, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, tôi chưa thể về thăm gia đình nên cả nhà hết sức lo lắng. Tôi cập nhật tình hình học tập, sinh hoạt, trấn an mẹ rằng con gái có thể tự chăm sóc tốt cho mình.

Kết thúc cuộc gọi với mẹ, tôi vẫn còn khoảng 45 phút trước khi vào học nên quyết định chợp mắt một lúc. Tôi thường trải nệm nằm dưới đất vì không thể leo lên giường tầng như các bạn cùng phòng.

Tiết học tiếng Anh buổi chiều diễn ra tại phòng học. Khả năng ngoại ngữ của tôi chưa tốt, đặc biệt về phần phát âm và vốn từ vựng. Tuy nhiên, với mong muốn mở rộng tiềm năng công việc trong tương lai, tôi đang cố gắng hết sức để trau dồi khả năng tiếng Anh.

Sau giờ học, tôi thường đi chơi cùng bạn bè. Do chân tôi đi lại không tiện, các bạn thường rủ tôi ra quán trà sữa gần trường hoặc lấy xe máy chở đi tham quan các địa điểm nổi tiếng ở TP.HCM như Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Thảo Cầm Viên...

Mỗi lần xuống phố, tôi thường nhận về nhiều ánh nhìn dò xét, thương cảm từ người lạ. Nhiều bạn bè cũng nghĩ tôi sẽ trầm lắng, khép kín vì khiếm khuyết cơ thể. Thế nhưng, tôi vẫn sống tích cực, lạc quan, mong muốn trải nghiệm những thứ mới mẻ trong cuộc sống. Dù đi chậm hơn mọi người, tôi vẫn sẽ không lùi bước trước khó khăn để có tương lai tốt hơn.

Quỳnh Danh - Trang Minh