Nữ chủ doanh nghiệp thời trang chật vật thích ứng khi sức mua giảm

Chị Trần Thị Cẩm Tú (trái), chủ thương hiệu thời trang áo dài TUMUN (TP Thủ Đức, TPHCM), tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm do Hội LHPN kết nối

Duy trì doanh nghiệp khó như xỏ chỉ lỗ kim

Chị Ngô Thị Kim Lan, chủ xưởng may thời trang tại phường 4 (quận 10, ), cho biết, xưởng của chị chuyên may đo theo yêu cầu của khách hàng. Hiện nay xưởng đang có 10 thợ may. So với các năm trước khi có dịch Covid-19, năm nay, số lượng khách hàng đến may quần áo giảm sút.

"Hiện nay tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập giảm nên người dân tiết kiệm chi tiêu, ít mua sắm. Tiền ăn thì người ta còn lo chứ mặc thì không cần thiết phải sắm mới. Tôi đang sản xuất tại nhà của mình, chứ phải đi thuê mặt bằng chắc không trụ nổi. Tôi mong rằng năm tới, thị trường sẽ khởi sắc hơn", chị Lan bộc bạch.

Với các doanh nghiệp lớn, tình hình càng căng thẳng hơn. Chị Nguyễn Thụy Giang Châu, nhà sáng lập Sensorial Fashion, cho biết, qua 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu lỗ kéo dài buộc chị phải thu nhỏ quy mô doanh nghiệp.

"Sau đại dịch, ngành dệt may, thời trang xuống dốc. Doanh số bây giờ không bằng 50% lúc trước dịch. Để vượt qua giai đoạn này không phải đơn giản. Trước đây, tôi có 14 showroom đặt tại nhiều trung tâm thương mại cao cấp. Tiền thuê mặt bằng từ 200 triệu đến 300 triệu đồng/tháng, chưa kể chi trả lương cho nhân viên.

Chị Nguyễn Thụy Giang Châu (giữa), nhà sáng lập Sensorial Fashion, chia sẻ tại chương trình “Cà phê khởi nghiệp kỳ 2/2023” do Hội LHPN TPHCM tổ chức

Bây giờ, tình hình khó khăn, tôi phải tái cấu trúc doanh nghiệp, thắt chặt mọi chi phí. Tôi đóng cửa nhiều cửa hàng để cắt lỗ. Trước đây, khách hàng đến có khi mua 10 sản phẩm thì bây giờ họ chỉ mua 1 sản phẩm, thậm chí họ đặt cọc rồi nhưng đến khi trả tiền lại đắn đo. Doanh nghiệp phải thu gọn lại giống như sợi chỉ luồn qua lỗ kim".

Thích ứng để vươn mình

Để thích ứng với bối cảnh khó khăn hiện nay, chị Trần Thị Cẩm Tú (Thương hiệu thời trang áo dài TUMUN, tại TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, chị chấp nhận lấy công làm lãi, đầu tư về thiết kế để thu hút khách hàng. Ngoài ra, chị còn tìm kiếm sự hỗ trợ từ Hội LHPN địa phương để giới thiệu sản phẩm đến khách hàng.

Còn với nữ doanh nhân Nguyễn Thụy Giang Châu, chị linh hoạt chuyển đổi mô hình kinh doanh, mô hình quản lý để giải quyết "bài toán" tiền lương nhân viên, chi phí thuê mặt bằng… Chị giảm số lượng cửa hàng và đầu tư tập trung cho cửa hàng trung tâm, tận dụng mặt bằng tầng dưới là cửa hàng, các tầng trên là phòng may, thiết kế.

"Trong khó khăn thì bắt buộc mình phải thích ứng. Để đào tạo một người thợ giỏi không phải dễ. Khi buộc phải cắt giảm nhân sự, tôi cũng rất đau lòng. Vậy nên, tôi mới nghĩ ra ý tưởng thuê họ làm bán thời gian nhưng phải đảm bảo về chất lượng. Nghĩa là, công ty sẽ cắt và may mẫu, các thợ trước đây của công ty sẽ nhận về may - ráp.

Mỗi ngày, các bạn lên văn phòng nhận mẫu về may - ráp và nhập lại cho công ty kiểm tra chất lượng, công ty sẽ đính kết làm các khâu tiếp theo rồi mới đưa sản phẩm ra thị trường", chị Châu chia sẻ.

Chia sẻ tại chương trình "Cà phê khởi nghiệp kỳ 2/2023" do Hội LHPN TPHCM tổ chức mới đây, bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, cho biết, ngành dệt may đang trong giai đoạn rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải co cụm, thu nhỏ hoặc tái hoạt động sản xuất kinh doanh. Để vượt qua giai đoạn hiện tại quan trọng nhất vẫn là giữ vững thương hiệu, lòng tin của khách hàng, sản phẩm phải mang tính đặc trưng và kết nối để cộng hưởng với nhau trong việc kinh doanh.

Bài, ảnh: Phạm Thương