Nga buộc phải đóng cửa cây cầu Crimea

Lần đầu tiên kể từ khi hoàn thành vào năm 2018, cây cầu nối Nga với bán đảo Crimea đã phải đóng cửa do tuyết rơi dày. Khu vực Biển Đen hiện đang trải qua một đợt lạnh bất thường.

Cây cầu Crimea được ví là niềm tự hào của nước Nga.

Đêm 18/2, Crimea đã chứng kiến một trận bão tuyết bao phủ bán đảo, khiến chính quyền địa phương cảnh báo hạn chế đi lại. Chỉ qua 1 đêm, vùng eo biển Kerch đã ghi nhận lượng tuyết rơi dày tới 27mm.

Clip tuyết rơi dày khiến giao thông tê liệt ở Crimea:

Bản thân cây cầu đã bị đóng cửa do “thiếu tầm nhìn, tuyết rơi dày và gió mạnh”.

Cây cầu dài 19km được mệnh danh là dài nhất châu Âu đã chứng kiến các vụ sự cố giao thông.

Theo giới chức địa phương, hơn 280 phương tiện đã bị mắc kẹt trên cầu, một vài trong số chúng gặp sự cố. Giao thông hai bên eo biển Kerch cũng bị tắc nghẽn do lưu lượng xe cộ qua cầu thường khá cao.

Cầu Crimea bị tắc nghẽn giao thông, buộc phải đóng cửa.

Cơ quan quản lý cầu nói rằng, giao thông sẽ được khôi phục sau khi những chiếc xe bị hư hỏng được đưa ra khỏi cây cầu.

Trong những tuần gần đây, khu vực miền Nam nước Nga và Crimea hứng chịu thời tiết giá rét bất thường. Trong khi vùng Siberia đã quen với mùa đông lạnh giá, các khu vực như Crimea hiếm khi chứng kiến nền nhiệt hạ xuống dưới 0 độ C trong tháng Hai.

Vào chiều 19/2, các nhà chức trách của bán đảo Crimea đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp ở 4 khu vực.

Clip cầu Crimea tắc nghẽn trong mưa tuyết dày:

Cầu Kerch được mô tả là công trình phức tạp nhất trong lịch sử Nga với kinh phí xây dựng khoảng 3,7 tỷ USD, cho thấy mong muốn gắn kết của Moscow với bán đảo nằm trên Biển Đen.

Tính cả đường dẫn, cây bắc qua eo biển giữa Biển Đen và Biển Azov dài 19km, tức là dài nhất châu Âu. Nó cũng được kỳ vọng giúp đảm bảo an ninh lương thực cho Crimea cũng như giảm chi phí tàu thuyền tại các cảng ở khu vực này.

Bán đảo Crimea trước đó thuộc lãnh thổ của Ukraine và đã tự tuyên bố độc lập, muốn được sáp nhập vào Liên bang Nga.

Trước khi sáp nhập vào Liên bang Nga, Crimea nhận nước ngọt từ Kênh Bắc Crimea từ lãnh thổ Ukraine. Kênh này cung cấp tới 85% lượng nước cần thiết cho bán đảo. Sau năm 2014, phía Ukraine đã từng bước chặn kênh đào.

Trong những năm đặc biệt khô cằn 2018 - 2019, đã có những tiếng nói riêng lẻ kêu gọi nối lại nguồn cung cấp nước. Nhưng đại diện chính quyền Tổng thống Zelensky lại thảo luận về khả năng sử dụng nước như một vũ khí trong các cuộc đàm phán với Điện Kremlin.

Moscow đã đề nghị trả số tiền còn thiếu mà chính quyền Ukraine chỉ ra là khoản nợ của Crimea. Tuy nhiên Kiev từ chối điều này khiến tình hình thêm căng thẳng.

Ông Anton Korinevich - đại diện thường trực của Tổng thống Ukraine ở Crimea tin rằng thậm chí không có dấu hiệu thảm họa nhân đạo nào trên bán đảo do thiếu nước (bất chấp thực tế diễn ra khác hoàn toàn). Ông này cho rằng, bán đảo bị sáp nhập bởi Nga, và do vậy bây giờ vấn đề của Moscow là phải đảm bảo cung cấp nước cho cư dân địa phương.

Giới quan sát cho rằng, chính quyền Ukraine thực sự muốn biến nguồn nước trở thành công cụ mặc cả nằm trong tay họ nên việc đàm phán để tái cấp nước cho Crimea là điều không thể.

Clip Nga buộc đóng cửa cầu Crimea:

Huy Vũ