Ninh Thuận muốn biến 'đặc sản' 2.800 giờ nắng mỗi năm thành giá trị khác biệt

Thông tin trước Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, quy hoạch được xác định với tầm nhìn chiến lược phát triển xuyên suốt: “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”.

Khác biệt của của địa phương này bắt đầu từ những bất lợi thiên nhiên. Ninh Thuận có số giờ nắng nhiều nhất nước, lên đến 2.800 giờ mỗi năm, lại có gió ngược. Lãnh đạo tỉnh khẳng định sự khắc nghiệt nắng gió này đang là lợi thế để tỉnh đẩy mạnh phát triển các loại cây của vùng thiếu nước như nho, táo, măng tây, nha đam và các cây dược liệu vốn rất có giá trị mà các nơi khác không có được.

Ninh Thuận đặt ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh có thu nhập bình quân thuộc nhóm cao cả nước từ biến các bất lợi thời tiết thành lợi thế. (Ảnh: DL Ninh Thuận)

Bất lợi này cũng đang là lợi thế để Ninh Thuận phát triển mạnh ngành công nghiệp muối khi có đến gần 4.000ha sản xuất, tạo ra sản lượng gần 500.000 tấn muối mỗi năm. Cùng với đó là những sản phẩm du lịch chất lượng cao độc đáo cũng là nơi tập trung các dự án năng lượng và năng lượng tái tạo lớn nhất nước.

Theo quy hoạch, Ninh Thuận đặt ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Kinh tế biển, kinh tế đô thị được xác định là động lực tăng trưởng và phát triển nhanh, bền vững.

Tỉnh đẩy mạnh trọng tâm phát triển tại khu vực ven biển, tạo tiền đề hình thành Khu kinh tế ven biển có khả năng chống chịu cao với thiên tai, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, đặc biệt là nguồn tài nguyên nước.

Đến 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của Ninh Thuận đạt khoảng 10 -11%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 200 triệu đồng và kinh tế số sẽ chiếm khoảng 30% GRDP.

Quy hoạch cũng định hướng phát triển ngành du lịch theo hướng chất lượng cao, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 15% GRDP toàn tỉnh. Về năng lượng, đến 2030, Ninh Thuận sẽ là trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của quốc gia.

Đến 2050, Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, bền vững, phát triển mạnh về kinh tế biển, với khu kinh tế ven biển hiện đại. Kinh tế biển ở giai đoạn này sẽ chiếm trên 55% tổng sản phẩm nội tỉnh.

Quy hoạch bố trí không gian phát triển và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường; đề ra các khâu đột phá để phát triển tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.

Song song với xác định lợi thế phát triển, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết sẽ mở hướng kêu gọi đầu tư trong giai đoạn mới với các lĩnh vực lợi thế, trọng điểm phù hợp với tiềm năng của địa phương.

Hiện, Ninh Thuận đang ưu tiên kêu gọi đầu tư 55 dự án với tổng vốn hơn 3.435 tỷ đồng. Trong đó thương mại - dịch vụ - du lịch 18 dự án; 14 dự án xây dựng và kinh doanh bất động sản, 9 dự án năng lượng và năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến chế tạo 9 dự án và 5 dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên được phép thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch từ năm 2011 với mô hình cạnh tranh hiện đại.

Ông Lê Kim Hoàng - Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết, nét mới của quy hoạch Ninh Thuận 2021 - 2030 so với trước 10 năm trước, là vẫn kế thừa, đa dạng các nguồn lực, nhưng quy hoạch mới đề đẩy mạnh hơn các hoạt động kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Khắc nghiệt nắng gió là lới thế để Ninh Thuận đẩy mạnh trồng nho, chế biến các sản phẩm từ nho mà không nơi nào có được. (Ảnh: DL Ninh Thuận)

Quy hoạch 2021 - 2030 xác định 5 trụ cột có khả năng cạnh tranh, trong đó ưu tiên đầu tiên vẫn là năng lượng và năng lượng tái tạo và du lịch chất lượng cao, với lợi thế khí hậu khô nóng. Một điểm mới trong quy hoạch lần này là xác định không gian tăng trưởng rõ ràng với 2 cực, trong đó đẩy mạnh cực kinh tế trọng điểm phía Nam với cảng biển, công nghiệp, điện và tổ hợp năng lượng… sẽ đóng góp 55% quy mô kinh tế của tỉnh.

Hà Linh