Ninh Bình: Tìm hướng phát triển cho sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm tại mỗi khu, điểm du lịch

Ngày 15/1, UBND tỉnh Bình phối hợp với Tạp chí Cộng sản, Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo "Phát triển các sản phẩm cho thị trường quà lưu niệm, quà tặng du lịch mang tính chuyên nghiệp, độc đáo, bản sắc địa phương miền Cố đô".

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe thông tin chung về lịch sử, vị trí địa lý, danh lam thắng cảnh gắn với truyền thống văn hóa của tỉnh Ninh Bình. Cũng như những đóng góp to lớn của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Báo NB

Theo đó, ngành du lịch Ninh Bình đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, bước đầu tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng khối dịch vụ, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác phát triển; tiếp tục trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, thuộc 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước; nhiều chuyên trang du lịch uy tín quốc tế bình chọn, nhắc đến như là địa phương duy nhất của châu Á góp mặt và đứng thứ 7 trong danh sách 10 vùng đất thân thiện nhất thế giới.

Năm 2023, ngành du lịch cơ bản đã phục hồi và phát triển trở lại sau đại dịch Covid-19, toàn tỉnh đón trên 6,5 triệu lượt khách tham quan, tăng 77% so với năm 2022, trong đó có trên 450 nghìn lượt khách. Doanh thu đạt hơn 6.516 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2022.

Tỉnh Ninh Bình có tiềm năng rất lớn để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch, bởi có sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, văn hóa và có lượng khách du lịch đến tham quan hàng năm rất lớn. Tỉnh Ninh Bình cũng là nơi hình thành, lưu giữ nhiều làng nghề thủ công, truyền thống có bề dày lịch sử, văn hóa hàng trăm năm cùng cảnh quan đặc sắc, hội tụ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với đời sống cộng đồng dân cư địa phương.

Các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu các sản phẩm phục vụ du lịch của tỉnh. Ảnh: Báo NB

Toàn tỉnh Ninh Bình hiện có 77 làng nghề được công nhận; 183 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP… Khai thác lợi thế từ các sản phẩm được chứng nhận OCOP, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống thời gian gần đây được cải tiến bao bì mẫu mã, mở rộng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch đặc trưng, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói" của tỉnh phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Ninh Bình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một trong những tồn tại đã được chỉ ra là thiếu sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch mang tính chuyên nghiệp, độc đáo mang bản sắc riêng, do đó làm hạn chế chi tiêu, mua sắm của khách du lịch, dẫn đến tình trạng lượng khách đến tỉnh đông, nhưng tổng thu du lịch còn hạn chế.

Số lượng các đơn vị, doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh quà tặng, sản phẩm lưu niệm du lịch trên địa bàn tỉnh còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; còn thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, phân phối quà tặng, quà lưu niệm du lịch.

Ninh Bình đặt mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những tỉnh khá, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững của vùng đồng bằng sông Hồng; là một trong những trung tâm du lịch cấp quốc gia, đẳng cấp quốc tế; là miền đất đáng sống, an toàn và thân thiện.

Do vậy, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới được xác định là "Phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội; trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên cùng truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư làm nguồn lực và động lực phát triển".

Nên việc tổ chức Hội thảo "Phát triển các sản phẩm cho thị trường quà lưu niệm, quà tặng du lịch mang tính chuyên nghiệp, độc đáo, bản sắc địa phương miền Cố đô" có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch cũng như phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Ninh Bình.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá thực trạng thị trường sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch của Ninh Bình cũng như bàn giải pháp nghiên cứu, thiết kế mẫu sản xuất, phát triển sản phẩm quà tặng du lịch Ninh Bình và cơ chế,chính sách thúc đẩy.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tổng kết Hội thảo. Ảnh: Báo NB

Tỉnh Ninh Bình mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, các đơn vị thiết kế, sáng tác, sản xuất quà tặng, quà lưu niệm du lịch trong và ngoài tỉnh chia sẻ, trao đổi, đóng góp những ý tưởng, giải pháp cho tỉnh Ninh Bình phát triển sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm ấn tượng, độc đáo mang sắc thái riêng của vùng đất Cố đô. Trong đó, tập trung đánh giá làm rõ thực trạng sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch của tỉnh Ninh Bình, nhất là vấn đề mẫu mã, chất lượng, chủng loại, giá cả, yếu tố văn hóa đặc trưng riêng có của các sản phẩm tại mỗi khu, điểm du lịch.

Sau thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả, Hội thảo đã nhận được hơn 20 ý kiến tham luận tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn với nhiều ý tưởng, sáng kiến hay, có giá trị cả về mặt khoa học và thực tiễn.

Tổng kết Hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Ông Phạm Quang Ngọc khẳng định: Các tham luận đã làm sâu sắc hơn các vấn đề, nội dung đã đặt ra như: thực trạng thị trường sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch của Ninh Bình, đề xuất giải pháp để Ninh Bình phát triển thị trường này trong thời gian tới. Thông qua những ý kiến chia sẻ đã gợi mở cho Ninh Bình những định hướng, chương trình, kế hoạch trong thời gian tới.

Đồng thời làm sâu sắc hơn những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất, con người Ninh Bình, tiếp tục bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An.

Trên cơ sở kết quả Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các cấp, các ngành và đơn vị liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch phát triển thị trường các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch; nghiên cứu đề xuất tổ chức các cuộc thi sáng tác mẫu sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm; nghiên cứu bổ sung một số chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, nghệ nhân trong việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm mang giá trị và dấu ấn văn hóa, lịch sử, thủ công truyền thống để khuyến khích phát triển du lịch.

Trần Anh