Nguyên nhân thường gặp gây tắc nước xịt kính ô tô và cách khắc phục

Khi lái xe dưới trời mưa, hầu hết tài xế gần như sẽ không dùng đến nước xịt kính mà chỉ cần dùng lưỡi gạt để loại bỏ nước đọng trên kính và đảm bảo tầm nhìn an toàn cũng như thông thoáng nhất. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, mọi chuyện lại không đơn giản như vậy.

Nếu bỗng dưng kính lái bị bám bẩn, ví dụ như chất thải động vật (phân chim hay xác côn trùng), các dị vật như lá cây hoặc nhựa cây, chất bẩn... bám lên bề mặt, lúc này tài xế sẽ phải sử dụng cả nước xịt kính để bôi trơn và hỗ trợ lưỡi gặt loại bỏ các vết bẩn, làm sạch kính lái.

Luôn kiểm tra và bổ sung dung dịch vệ sinh kính lái đúng lúc.

Hãy tưởng tượng bạn đang cầm lái ở tốc độ cao hoặc trong một tình huống giao thông phức tạp cần xử lý gấp, mà kính lái bỗng bám bẩn. Bạn nhấn nút, gạt mưa có hoạt động nhưng không hiệu quả vì dung dịch xịt kính bị tắc. Thiếu tầm quan sát đúng khoảnh khắc cần thiết, rất có thể sẽ dẫn đến một hậu quả khó lường. Do đó, bên cạnh các chi tiết như: đèn, còi, phanh, gạt mưa... hãy luôn chú ý đến cả dung dịch xịt kính trước khi vào số, nhấn ga khởi hành.

Một trong những lý do đầu tiên và thường gặp nhất khiến hệ thống xịt kính không hoạt động, đó là do đã hết sạch, nhưng chủ xe quên bổ sung dung dịch. Thông thường xe sẽ cảnh báo đèn trên táp-lô, giống như đèn báo dầu động cơ, dầu phanh hay nhiên liệu. Việc thay thế cũng rất dễ dàng và có thể tự hoàn thành trong một vài phút: mở nắp ca-pô lên và đổ dung dịch vào đúng chỗ.

Nếu không thể bổ sung dung dịch đúng lúc, có thể dùng nước xà phòng loãng để thay thế.

Trong trường hợp khẩn cấp, có thể sử dụng xà phòng rửa chén bát loãng với lượng nhỏ để thay thế tạm thời. Nhưng sau đó hãy bổ sung đúng loại dung dịch xịt kính dành riêng cho ô tô. Bởi hóa chất trong xà phòng có thể không phù hợp và gây ăn mòn lưỡi gạt hoặc làm bay các lớp phủ trên bề mặt kính lái, lâu ngày có thể gây hư hại, góp phần làm xước và làm mờ kính lái.

Kiểm tra đầu vòi phun và vệ sinh bộ phận này để thông tắc.

Nếu đã kiểm tra và chắc chắn trong bình chứa vẫn còn đủ dung dịch nhưng hệ thống xịt kính lại không hoạt động, rất có thể vòi phun đã bị tắc. Hãy kiểm tra bề mặt vòi phun và vệ sinh lại bằng bàn chải mềm hoặc thông tắc bằng những sợi dây cáp kim loại mảnh nếu thấy cần thiết. Vòi phun này có kích thước nhỏ nên dễ bị tắc bởi bụi bẩn. Nó thường được đặt ở mép nắp ca-pô, gần chân kính lái hoặc ngay trên cần gạt nước của một số mẫu xe.

Nên cân nhắc thay thế bộ vòi phun xịt kính để đảm bảo an toàn cho xe khi vận hành.

Tiếp theo, nếu đã làm sạch mà hệ thống xịt kính vẫn không hoạt động thì đã đến lúc bạn cần đem xe tới xưởng dịch vụ hoặc gara sửa chữa để tiến hành thay thế vòi phun hoặc kiểm tra, khắc phục hệ thống bơm nước xịt kính.

Cuối cùng, hãy luôn ghi nhớ kiểm tra kĩ càng các hệ thống an toàn của xe bao gồm: đèn (pha, cốt, định vị, xi-nhan, phanh), còi, phanh, lốp, gạt mưa và cả nước xịt kính trước khi di chuyển. Bởi phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh và rất có thể điều đó sẽ cứu mạng bạn cũng như người thân trong những tình huống hiểm nghèo.

Tuệ Minh/VOV.VN