Người nước ngoài trải nghiệm Tết Việt

Ông Donovan Jacobs (Cộng hòa Phi): Tết là dịp đoàn tụ

Đã bốn năm sống, làm việc tại Việt Nam, ông Donovan Jacobs dần quen với quang cảnh rực rỡ, không khí rộn ràng, náo nức khi ết đến xuân về. Vốn là giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ, tình cảm mến yêu đất nước, con người Việt Nam tăng lên khi ông nên duyên với cô gái Bắc Giang và hiện có một cậu con trai kháu khỉnh. Tổ ấm của họ ở phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang).

Gia đình nhỏ của ông Donovan Jacobs.

Có dịp trò chuyện, ông Donovan Jacobs chia sẻ: “Vào dịp Tết Nguyên đán, tôi lại hiểu thêm về nét văn hóa, phong tục của người Việt qua gia đình và học trò của mình. Năm nào tôi cũng cùng vợ con đi chợ hoa, sắm sửa chuẩn bị đón Tết. Dịp Tết, chợ bán rất nhiều loại hoa mà ngày thường ít thấy. Mọi người trang trí đường phố, nhà cửa đẹp hơn. Vợ tôi nói rằng người Việt Nam có câu: Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy. Vì thế, ngày đầu tiên của năm mới, gia đình tôi về quê vợ chúc Tết ông bà, bố mẹ và cô bác, anh chị em trong dòng họ”.

Ông Donovan Jacobs đặc biệt ấn tượng với tục “lì xì” người già, trẻ em kèm lời chúc mạnh khỏe, may mắn. Ông nhận thấy các gia đình đều chế biến nhiều món ăn cầu kỳ, bày biện đẹp mắt để cúng gia tiên và ăn uống vui vẻ. Do được nghỉ nhiều ngày nên mọi người đều sắp xếp trở về nhà, quê hương để đoàn tụ.

Chị Joselyn Girasol (Philippines): Món ăn truyền thống rất đặc biệt

Đã có hơn một năm sống và làm việc tại phường Hoàng Văn Thụ (TP ắc Giang), chị Joselyn Girasol từng đón Tết tại đây. Trong nhiều điều thú vị vào dịp Tết, chị đặc biệt yêu thích những món ăn của người Việt, nhất là bánh chưng, phở và nem nướng bởi sự kết hợp độc đáo giữa hương vị và nguyên liệu. Mỗi món ăn đều thể hiện nét văn hóa riêng cũng như sự sáng tạo của người dân.

Chị Joselyn Girasol tham quan vườn hoa Đa Mai (TP Bắc Giang).

Đặc biệt, chị Joselyn Girasol rất hào hứng, bỡ ngỡ khi lần đầu ngắm nhìn một người bạn Việt Nam gói bánh chưng. Chị bất ngờ khi chiếc bánh bình dị ấy lại ẩn chứa bao ý nghĩa lớn lao. Bánh chưng được hình thành từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong... do bàn tay, công sức của con người tạo ra và thể hiện sự biết ơn trời đất mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho mọi nhà.

Tết năm ngoái, Joselyn Girasol cùng bạn đi lễ chùa vào đêm Giao thừa, những ngày sau đi tham quan một số điểm du lịch ở vùng Tây Bắc. Năm nay, chị dự định đi thăm những làng quê, tham quan một số ngôi đền, chùa cổ kính để tìm hiểu nét văn hóa, phong tục, tập quán vùng, miền. Hơn nữa chị muốn trải nghiệm cách người dân đón Tết cổ truyền để cảm nhận không khí, bản sắc văn hóa địa phương.

Theo chị Joselyn Girasol, điều thú vị là người dân các nước thường chỉ chúc nhau năm mới bằng câu nói “Happy new year- Chúc mừng năm mới” còn người Việt Nam sẽ chúc: “An khang, thịnh vượng”, “Ăn nên làm ra”, “Vạn sự như ý”, “Cầu được ước thấy”, “Phát tài phát lộc”… Trong những ngày Tết, các gia đình luôn mở cửa để đón người đến chơi, chúc Tết cho thấy sự thân thiện và hiếu khách.

Anh Ranjeet Singh Bhatia (Ấn Độ): Ấn tượng sắc màu Tết Việt

Huấn luyện viên yoga Ranjeet Singh Bhatia, người Ấn Độ, đang làm việc tại Trung tâm Super Star Bắc Giang. Sự yêu mến và muốn tìm hiểu về đất nước Việt Nam tươi đẹp đã khiến anh chăm chỉ trau dồi tiếng Việt. Nói tiếng Việt thành thạo nên anh thường xuyên giao lưu, trò chuyện với người địa phương để tìm hiểu phong tục, tập quán và những nét độc đáo của vùng đất này.

Anh Ranjeet Singh Bhatia tham quan chùa Sẻ (Lục Ngạn).

Bốn năm sống ở Bắc Giang là từng ấy năm anh Ranjeet Singh Bhatia hòa mình vào không khí đón Tết cổ truyền. Theo anh, khí hậu nơi đây thật dễ chịu và đầy hoa thơm, trái ngọt. Có thời gian dài ở Lục Ngạn, anh đặc biệt ấn tượng với những đồi vải thiều chín đỏ, vườn cam, bưởi trĩu quả vàng ươm.

Đầu xuân, anh từng đi vãn cảnh nhiều đền, chùa ở Bắc Giang như: Đền Xương Giang (TP Bắc Giang), đền Dành (Tân Yên), chùa Sẻ (Lục Ngạn) và nhiều di tích lịch sử ở các tỉnh, thành phố. Có khi anh cùng bạn bè đi “phượt” bằng xe máy đến các vùng núi cao ở Tây Bắc, ngao du trên những cung đường uốn lượn để ngắm cảnh Tết độc đáo của đồng bào các dân tộc; tham dự lễ hội truyền thống.

Trong mỗi chuyến đi, anh đều ghi lại hình ảnh đẹp để giới thiệu tới bạn bè. Anh coi đây là dịp quan trọng để tìm hiểu thêm phong tục, tập quán và nét đẹp của đất nước này. Ranjeet Singh Bhatia thường tới nhà những người bạn thân để cảm nhận trọn vẹn nhất không khí Tết Việt.

Anh cho biết: “Hình ảnh mọi người tất bật chuẩn bị đón Tết hoặc quây quần bên mâm cơm Tất niên mang lại cảm giác thật ấm cúng. Tôi thích nhấm nháp mứt gừng, uống trà gừng nóng ấm giữa thời tiết se lạnh và thấy đêm giao thừa thật ý nghĩa. Sau khi đón giao thừa ở nhà, mọi người lại đi lễ chùa cầu cho cả năm may mắn, bình an”.

Lệ Thanh