Người giúp việc 'lộ mặt thật' sau 2 tháng chung sống khiến mẹ trẻ tức nghẹn

Hơn 3 năm nay, chị Bùi Lệ Chi (Đống Đa, Hà Nội) đã trải qua 5 “đời” giúp việc. Chị tự tin khẳng định mình có kinh nghiệm với đủ các “tuýp” người giúp việc khác nhau.

“Mình cũng xác định rất khó tìm được người hoàn hảo như mong muốn, vì thế sống chung với giúp việc, mình vừa góp ý để các bà điều chỉnh cho phù hợp với gia đình nhưng chính mình cũng ‘mắt nhắm mắt mở’ để thích nghi với các bà”. Với tinh thần ấy, chị Chi chấp nhận người giúp việc có thể có một vài nhược điểm, chỉ cần không “quá đáng” là được.

Nhưng oái oăm là ngay “đời” giúp việc đầu tiên, chị đã phát hiện bà giúp việc mắc một tật xấu mà chị không thể chấp nhận được, đó là nghiện điện thoại.

“Bé nhà mình mới được 1 tuổi mà bà cứ sểnh ra là dán mắt vào điện thoại, làm cho con bé cũng sinh ra tật cứ nhìn thấy điện thoại là mắt sáng lên, nhòm ngó đòi xem. Những lúc 2 bà cháu ngồi chơi, bà rất hay bật YouTube xem video, toàn là những video không lành mạnh, thiếu kiểm chứng mà mình không muốn con tiếp xúc một tí nào. Tốt nhất ở tuổi ấy, con không nên tiếp xúc với màn hình điện thoại, bất kể là xem nội dung gì”.

Nhưng sau nhiều lần chị Chi nói khéo, nói thẳng, bà giúp việc vẫn chứng nào tật ấy, không thay đổi. Chị đành phải cho bà nghỉ. “Mình không chê bà cái gì, chỉ chê mỗi thói xấu ấy thôi. Nhưng nó lại ảnh hưởng quá nhiều đến bé nên mình không thể nhắm mắt cho qua nhược điểm này được. Có lẽ bà phù hợp với những gia đình có các bé lớn hơn nhà mình”.

Nhiều gia đình có con nhỏ cần thuê người giúp việc. Ảnh minh họa

Đến đời giúp việc thứ hai thì chị lại gặp một vấn đề khác. Bà giúp việc lần này chỉ biết dùng điện thoại “cục gạch” nên dĩ nhiên không biết lướt Facebook, Zalo hay xem YouTube như bà đầu tiên. Nhưng bà có một nhược điểm là “ít khi vui vẻ”.

“Bà không dám mắng hay nặng lời với con mình. Nhưng mình có cảm giác bà không vui vẻ khi làm công việc này. Lúc nào cũng thấy mặt bà buồn rười rượi hoặc tỏ ra thiếu kiên nhẫn, sốt ruột khi bé nhà mình nghịch ngợm, quấy khóc. Mình nhận thấy ở bà toát ra một nguồn năng lượng tiêu cực, nặng nề khi chăm sóc em bé”.

Chị Chi nói, “ca” này khiến chị rất khó mở lời hay cho bà nghỉ, vì rõ ràng bà vẫn hoàn thành các nhiệm vụ được giao. “Mình cũng nghĩ mãi, không biết góp ý điều đó thì có bị đánh giá là khó tính quá không. Nhưng may là sau vài tháng bà tự xin nghỉ về quê có việc gia đình”.

Đồng nghiệp của chị Chi thì gặp một tình huống khác khi thuê giúp việc gia đình. Chị Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) kể, bà giúp việc nhà chị đã làm được 2 năm, chị khá hài lòng và quý bà. Nhưng dạo gần đây khi hàng xóm nhà chị cũng thuê một bà giúp việc chăm em bé thì nhiều chuyện bắt đầu xảy ra.

“Ban đầu thấy 2 bà thân thiết với nhau, tôi cũng mừng, nghĩ là bà sẽ có bạn bè cùng hoàn cảnh để chia sẻ, chuyện trò hàng ngày cho đỡ buồn. Nhưng chỉ sau 1-2 tháng, bà bắt đầu kể những câu chuyện… là lạ”.

“Bà hay kể nhà bên kia tháng này thưởng bao nhiêu, tháng kia có quà gì cho giúp việc. Rồi cả chuyện bà nhà kia không phải rửa bát, phơi quần áo, quét nhà… vì đã có máy móc hết”.

Đỉnh điểm là tháng nào chị Thanh không thưởng thêm cho bà vài trăm thì bà bắt đầu tỏ thái độ “hơi khó chịu”, “đá thúng đụng nia”. Chị nói, thực ra chị định dồn hết vào thưởng Tết cho bà một khoản, nhưng bà lại “phản ứng” hơi nhanh.

“Tôi không nhất thiết phải thưởng thêm hàng tháng vì ban đầu tôi đã nói rõ mức lương, không có phần thưởng thêm này. Phần đó chỉ là tùy khả năng và tấm lòng của tôi, không bắt buộc. Nhưng cuối cùng tôi vẫn chấp nhận điều chỉnh cách trả lương thưởng cho bà, một phần vì tiếc công phải đi tìm giúp việc mới, một phần nếu bà thích thưởng thêm hàng tháng thì tôi lại bớt thưởng Tết đi, cũng đâu vào đấy cả thôi” - chị Thanh tâm sự.

Chỉ khi sống chung, cả chủ nhà và người giúp việc mới nảy sinh những mâu thuẫn. Ảnh minh họa

Chia sẻ về muôn vẻ người giúp việc, chị Hoài (Long Biên, Hà Nội) cho biết, chị mới thuê giúp việc được vài tháng sau khi hết kỳ nghỉ sinh. Chị cần người chăm bé 6 tháng tuổi. Qua trung tâm môi giới, chị tìm được một cô giúp việc khá ổn. Với kinh nghiệm nhiều năm chăm em bé, cô khá thạo việc, lại nhanh nhẹn, chị Hoài cảm thấy yên tâm. Chị cũng đề phòng các tình huống đã được mọi người cảnh báo, nhưng theo quan sát của chị thì cô giúp việc không có biểu hiện gì khác thường.

“Có lẽ cũng chính vì tin tưởng quá và chưa có kinh nghiệm sống chung cùng giúp việc nên tôi hơi dễ dãi quá chăng?” - chị Hoài tự đặt câu hỏi.

Bà mẹ một con chia sẻ, sau khoảng 2 tháng sống chung, cô giúp việc bắt đầu có biểu hiện của sự bảo thủ, cứ nhất nhất làm theo ý mình dù chị vừa nhắc xong. “Nhiều khi tôi nhắc cô không cho bé ăn cái này cái kia, vừa nhắc xong thì cô đã đút vào miệng con, coi như không nghe thấy mình nói gì”.

“Được nước lấn tới, tôi cứ nói một câu là cô cãi ngay một câu, trong đủ thứ chuyện, cả chuyện trong nhà lẫn những chuyện vô thưởng vô phạt ngoài đường. Thậm chí là cô chỉ đạo mình làm cái này, mua cái kia. Tôi không câu nệ gì chuyện ai là chủ nhà, ai là giúp việc. Cô có quyền góp ý những việc trong nhà, nhưng cũng có cái cô nói đúng, cũng có cái rất sai mà vẫn khăng khăng mình đúng.

Dần dần, tôi có cảm giác không phải mình đang sống với giúp việc, mà giống như sống với một bà… mẹ chồng. Thậm chí, mẹ chồng tôi còn khéo léo và ý tứ với con dâu hơn cả giúp việc” - chị Hoài kể.

“Thực ra, trong cuộc sống hiện đại, người giúp việc có vai trò rất quan trọng trong gia đình. Đã qua rồi cái thời người giúp việc bị coi là tôi tớ trong nhà. Bây giờ, chủ nhà còn phải chiều chuộng và lựa ý giúp việc để không mất người giúp đỡ mình. Nhưng ngược lại, cả hai bên đều nên điều chỉnh cái tôi cá nhân để cùng chung sống, đừng bên nào để đối phương phải chịu đựng và quá khó chịu khi sống với người kia. Như thế thì sự hợp tác mới được bền lâu”, chị Hoài kết luận.

Nguyễn Thảo