Ngày xuân không còn bí tỷ

La đà chén rượu tết xưa

Trải qua quá trình lịch sử, tục uống rượu phát triển thành văn hóa, với đặc thù các vùng miền khác nhau, phản ánh thói quen, phong tục, bản sắc của địa phương.

Chẳng hạn, ở vùng Bắc Bộ, trước tết vài tháng, nhiều gia đình đã chọn gạo nếp, nếp cái hoa vàng, giống thuần chủng để nấu rượu. Rượu nấu theo cách cổ truyền thường thơm lừng của men, của lúa, của tinh hoa ngũ cốc từ đồng ruộng.

Rượu tết xưa được đóng chai, nút lá chuối khô theo phương cách cổ truyền, đợi ngày tụ họp gia đình, mở nút để anh em xa gần cùng tề tựu cùng thưởng thức và bàn luận. Rượu được dùng nhắm với các thực phẩm như cá đồng rán, cỗ lòng …

Rượu bia là thức uống không thể thiếu trong các bữa cơm gặp gỡ của gia đình, bạn bè ngày tết

Còn ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng, trước tết dăm ba tháng, bà con đồng bào dân tộc đã rục rịch chuẩn bị các ché rượu cần cho ngày tết. Rượu tết là phải đặc biệt, phải ngon. Ngày tết, các ché rượu cần được mang ra để người thân, dân làng cùng sum vầy uống và hát múa. Qua ché rượu cần, họ thể hiện sự sum vầy, hân hoan chào đón năm mới, cầu chúc cho một năm mưa thuận, gió hòa.

Đã một thời, thấy mùi rượu là thấy mùi tết - cái mùi mà có lẽ nhiều người xa quê lâu lâu mới được cảm nhận lại. Tất cả tạo ra một bầu không khí đầm ấm, vui vẻ vừa mang tính gia đình, dòng họ.

Cái dư vị của rượu tết như khắc sâu trong ký ức nhiều người. Ai ai cũng nhớ chén rượu ngày tết chẳng phải vì thèm rượu, mà quan trọng nó gợi lại ký ức, đôi khi là bóng hình tuổi thơ, là người thân, là anh em, gia đình, bè bạn...

Việc dùng chén rượu tết từng là một giá trị văn hóa khắc ghi trong lòng nhiều người. Rượu như là một chất men kết dính, kích hoạt không khí vui vẻ của đại gia đình. Tết xưa, chén rượu là say đắm. Có khi uống rượu là hết mình, quên cả đường về.

Tết này uống rượu - Ai đưa về nhà?

Xưa, tết đến là trong nhà có rượu, nay cũng thế. Nhưng uống rượu trong tết nay cần phải có những sự điều chỉnh, thay đổi. Đó là rượu bia làm sao cho bảo đảm an toàn, yên vui.

Người sử dụng rượu bia nhiều dễ gây buồn ngủ, ảnh hưởng tới sức khỏe

Tham gia một cuộc giao lưu tổng kết cuối năm với một đơn vị ở TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông), chị N.T.T chủ động chạy xe ô tô đến. Mục đích của chị T là để có cớ khỏi sử dụng rượu bia. Nhưng do quá cả nể, chị T đã nhận lời mời giao lưu và có uống vài ly.

Trên đường về, chị T bị lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường yêu cầu dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn. Chị T bị lập biên bản xử phạt hành chính và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 11 tháng. “Phạt tiền đã nặng rồi mà còn bị tước giấy phép lái xe cả năm trời. Sau lần này, tôi sợ tới già”, chị T tâm sự.

Bị xử phạt hành chính như chị T so với anh N.V.H, cũng ở TP. Gia Nghĩa vẫn còn may mắn. Cách đây 2 năm, anh H cùng nhóm bạn học thời phổ thông tham gia cuộc nhậu tất niên vào đêm 29 tháng Chạp. Lâu năm gặp nhau đông đủ, ai cũng nhiệt tình mời nhau đến đêm khuya.

Các hành vi vi phạm nồng độ đang được xử lý mạnh tay, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán

Tửu lượng kém hơn, nên anh H lấy xe máy để “chuồn” về trước. Trên đường về, do không làm chủ được tình huống, anh H lao vào chậu cây cảnh để ở vỉa hè. Đến lúc tỉnh dậy, anh mới biết mình đang nằm trong bệnh viện.

“Tôi đang phóng xe về thì chân tay bủn rủn, mắt buồn ngủ dính lại. Sau đó, tôi lao xe vào vật gì ở ven đường rồi ngất đi, không nhớ gì nữa. Tỉnh lại đã là đêm 30 tết. Năm đó, tôi và gia đình ăn tết trong bệnh viện”, anh H kể lại.

Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng quá nhiều rượu bia tác động xấu đến hệ thần kinh, hệ tiêu hóa. Rượu bia còn làm giảm sức đề kháng của cơ thể trước sự tấn công của vi khuẩn và phòng ngừa bệnh tật. Việc sử dụng nhiều loại rượu bia có thể dẫn đến bị ngộ độc.

Về mặt gia đình và cộng đồng, nếu uống quá nhiều rượu bia có thể dẫn đến việc không làm chủ được hành vi, dễ xảy ra bạo hành trong gia đình và gây rối trật tự công cộng. Việc uống rượu bia ảnh hưởng đến năng suất lao động và gây ra nhiều thiệt hại khác…

Điều 35, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia năm 2019 nghiêm cấm mọi hành vi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Người điều khiển phương tiện giao thông bị phát hiện có nồng độ cồn sẽ bị xử phạt hành chính, tước giấy phép lái xe. Nếu gây tai nạn, người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260, Bộ luật Hình sự.

Thời gian qua, các lực lượng chức năng tại Đắk Nông nói riêng, toàn quốc nói chung đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Chỉ trong hơn 1 tháng cuối năm 2023, Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý hơn 1.700 trường hợp điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn.

Lãnh đạo Phòng CSGT, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết: Việc chấp hành quy định về nồng độ cồn đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn phổ biến, nhất là trong dịp lễ, tết.

Trong cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, Cục CSGT sẽ cử lực lượng xuống phối hợp với CSGT các tỉnh, thành phố xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông, đặc biệt là nồng độ cồn. Người dân nên nâng cao ý thức để chấp hành đúng quy định pháp luật.

Ngày tết là dịp để quây quần bên gia đình, bạn bè, người thân. Những bữa cơm sum vầy với những món ăn cổ truyền, đồ uống là những yếu tố góp phần tạo văn hóa ẩm thực của người Việt.

Tuy nhiên, mỗi người cần nâng cao ý thức, sử dụng rượu bia phù hợp, văn minh. Chúng ta nên tránh tình trạng lạm dụng rượu bia dịp tết, làm phát sinh những vấn đề không hay.

Sử dụng rượu bia hợp lý, văn minh sẽ giúp cho ngày Tết thêm an toàn, yên vui

Ngày tết cũng là dịp nghỉ ngơi, nhiều gia đình có kế hoạch đi chúc tết, đi chơi xa. Mỗi người phải đặc biệt lưu ý chấp hành tốt quy định “đã uống rượu bia, không lái xe”.

Thanh Hà