'Ngành xuất bản cần lên tiếng mạnh mẽ trước thách thức của AI'

Bước vào năm thứ hai trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hiệp hội Nhà xuất bản Quốc tế (IPA), Karine Pansa có tầm nhìn bao quát về tương lại của ngành xuất bản. Trong cuộc phỏng vấn với Publishing Perspectives, chia sẻ của bà không chỉ gói gọn trong trọng tâm quen thuộc công việc của IPA, chủ yếu là bảo vệ bản quyền và quyền tự do xuất bản. Ngay cả tranh cãi xung quanh vấn đề trí tuệ nhân tạo cũng nhường chỗ cho một bức tranh rộng lớn hơn.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà xuất bản Quốc tế Karine Pansa. Ảnh: Publishing Perspectives.

Hiệu đính chuyên sâu, biên tập kỹ lưỡng là đặc thù của xuất bản sách

Karine Pansa hiện cũng là Tổng biên tập của Nhà xuất bản (NXB) Girassol Brasil Ediçoẽs trụ sở tại São Paulo, Brazil. Bà nhận định hiện nay giới xuất bản phải nghĩ xa hơn những gì thường được coi là nhiệm vụ ưu tiên của ngành.

Pansa nói: “Các NXB luôn cố tạo ra được cuốn sách hay nhất về một chủ đề nhất định. Họ thường nói nhiều về tác giả nhưng lại không nói về bản thân họ, về nhà xuất bản và chính công tác xuất bản. Hoặc nếu có, họ cũng chỉ nói về tên đơn vị xuất bản” (imprint - được hiểu là các nhánh nhỏ của NXB, tên in trên sách ở vai trò đơn vị xuất bản), tên ấy đối với công chúng lại “chẳng có mấy ý nghĩa, hoặc không gây ấn tượng gì... Đặc biệt, họ không hay nói về tầm quan trọng của xuất bản hay cụ thể hơn là biên tập”.

Nhìn bề ngoài, tất nhiên là hợp lý khi tập trung vào sức hấp dẫn và thành tựu của một cuốn sách cũng như tác giả - những điều thu hút tiếng tăm. Nhưng vai trò của bản thân ngành xuất bản sách thực sự chính là điểm nắm giữ và triển khai những giá trị đang được thử thách hiện nay.

Ví dụ, bà chỉ ra cuộc tranh cãi đang diễn ra xung quanh các mô hình học máy lớn (LLM) của trí tuệ nhân tạo (AI) sử dụng nội dung sách có bản quyền mà chưa được cấp phép để đào tạo. Vấn đề này đang kéo theo các động thái pháp lý, tranh cãi và quan ngại nghiêm trọng trong giới xuất bản.

Bà đưa ra so sánh: Khi xuất bản sách có nội dung không chính xác hoặc sai lệch, NXB có thể bị truy tố vì họ phải chịu trách nhiệm về nội dung xuất bản. Vậy nhưng trên mạng hay các trang web... người xuất bản (tác giả đăng tải) là người chịu trách nhiệm còn các nền tảng không bao giờ chịu trách nhiệm.

Điều Pansa nhắc đến đã được xem xét tại thủ đô Washington của Mỹ vào 31/1, khi Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg và các nhà lãnh đạo của , Snap, TikTok và X (trước đây là Twitter) bị Ủy ban Tư pháp Thượng viện truy hỏi một cách hùng hổ đến bất thường. Các thành viên chủ chốt của Ủy ban này nói rõ rằng họ đang tiến gần hơn đến việc lật lại Mục 230 của Đạo luật Khuôn phép trong Truyền thông - các biện pháp bảo vệ bên cung cấp dịch vụ nội dung do người dùng nền tảng đăng tải.

Như Will Oremus đã viết trong bài phân tích về phiên điều trần trên Washington Post, một số người ở Capitol Hill đang thúc đẩy các thay đổi bao gồm “bộ 5 dự luật liên quan đến nội dung lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến (CSAM) do Ủy ban Tư pháp đưa ra vào tháng 5”.

Dù Mục 230 bảo vệ các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến, nhưng Pansa cho rằng do đó mà nội dung được hiệu đính chuyên sâu, kiểm chứng thực tế và biên tập kỹ lưỡng của ngành sách trở nên hấp dẫn hơn với ngành AI đang tìm cách đào tạo các mô hình theo những nội dung đáng tin cậy nhất.

Các nhà xuất bản cần lên tiếng nhiều hơn

Trách nhiệm cao của giới làm xuất bản tạo ra tình huống trớ trêu: việc xâm nhập vào nội dung có bản quyền cần đến năng lực sản xuất trình độ cao của ngành công nghiệp sách. Điển hình như trường hợp đào tạo AI tạo sinh đang chịu thách thức tại tòa án và gây ra tranh luận - thường thấy hơn trong các trường hợp vi phạm bản quyền các văn bản thiếu tính sáng tạo. Theo bà, các NXB đã quá chậm trong việc quảng bá các giá trị cốt lõi của xuất bản, vốn được săn đón nhiều.

Pansa nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách phải nhận thức được không chỉ giá trị pháp lý của việc bảo vệ bản quyền mà cả giá trị thiết yếu NXB phải bảo vệ quyền tự do xuất bản để sản xuất và duy trì hoạt động. Về bản quyền, những thách thức ngành xuất bản sách hiện nay phải đối mặt trải rộng từ AI và nội dung được bảo vệ cho đến sự kiểm duyệt gắt gao.

Trong bối cảnh dấy lên các quan ngại trước các mô hình ngôn ngữ lớn, hai kim chỉ nam quan trọng của IPA - bảo vệ bản quyền và quyền tự do xuất bản - trở nên cơ yếu hơn bao giờ hết. Nhưng ngành xuất bản thế giới phải học cách nói về điều này, lên tiếng và khẳng định những giá trị đáng khao khát nhất của mình, dẫu những giá trị này đang mời gọi sự xâm phạm, thậm chí là chiếm đoạt trong một số trường hợp.

IPA hiện có 92 hiệp hội thành viên có mặt ở 76 quốc gia, đại diện cho các cơ quan xuất bản tiếp cận khoảng 5,6 tỷ người. Đã đến lúc xuất bản sách phải làm tốt hơn nữa trong việc kể câu chuyện của chính mình: xuất bản là gì, hoạt động như thế nào, những nguyên tắc tạo nên giá trị cho ngành xuất bản, những điều xuất bản đang đóng góp và lý do vì sao xuất bản lại quan trọng.

“Trước đây, chúng ta chưa bao giờ có cơ hội giao tiếp trực tiếp với công chúng của mình,” Pansa nói, đề cập đến truyền thống các NXB làm việc với đơn vị phân phối và phát hành nhưng hiếm khi với khách hàng. “Chúng tôi sản xuất nội dung của mình rồi cung cấp cho bên khác có trách nhiệm nói chuyện với công chúng. Giờ đây, kể từ khi có thương mại điện tử, chúng tôi được trò chuyện với khách hàng và lắng nghe họ chia sẻ.”

Tâm Anh