Ngành dệt may: Lao động ngoại chiếm lĩnh vị trí khó

Theo Navigos Search, doanh nghiệp dệt may vẫn đang phải tuyển dụng ứng viên người nước ngoài cho các vị trí trưởng bộ phận về kỹ thuật, chuỗi sourcing. Đây là các vị trí yêu cầu phải giỏi các kỹ năng đàm phán và một số kỹ năng mềm quan trọng khác như kỹ năng lãnh đạo, quản lý thời gian… là những kỹ năng vẫn là điểm hạn chế của ứng viên người Việt. Các ứng viên có thể đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp thường đến từ Trung Quốc, Anh, HongKong, Thái Lan và Ấn Độ.

Báo cáo cũng chỉ ra, trong 6 tháng đầu năm 2021, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp dệt may tăng mạnh. Nguyên do, các nhà máy sản xuất tại Việt Nam được đầu tư lớn, đã có nhiều thay đổi và có thể đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, từ tiêu chuẩn dây chuyền sản xuất, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng đến các tiêu chuẩn về nhân sự như độ tuổi lao động, chế độ lao động, mức lương, thưởng…

Lao động ngoại vẫn chiếm lĩnh ở các vị trí "khó" trong ngành dệt may

Chính vì vậy, khối khách hàng ngành dệt may chuyển sang làm việc trực tiếp với các nhà máy sản xuất tại Việt Nam đang có nhu cầu tuyển dụng tăng cao, đặc biệt là các vị trí: Tìm nguồn cung ứng vật tư - tìm chuỗi cung ứng sản phẩm (bao gồm cả lập kế hoạch, chăm sóc và hỗ trợ khách hàng) - quản lý chất lượng - phát triển mẫu mã và kỹ thuật sản phẩm. Bên cạnh đó là các vị trí về kỹ thuật như kỹ sư, cải tiến sản xuất…

Về năng lực của các ứng viên trong nước, Navigos Search cho rằng đã được cải thiện, đặc biệt là các kỹ năng liên quan đến kỹ thuật, ngoại ngữ… nhờ vào sự cải thiện rõ rệt của công tác đào tạo. Trong vòng 10 năm trở lại đây, đã xuất hiện nhiều trường đại học, cao đẳng đã đào tạo chính quy về lĩnh vực dệt may. Bên cạnh đó, nhờ vào sự hợp tác giữa các doanh nghiệp với các trường đại học trong việc thiết kế và ứng dụng các chương trình đào tạo liên quan đến kỹ thuật nên khi các ứng viên mới ra trường đã có thể áp dụng từ 50% - 60% kiến thức đã học vào các công việc thực tế. Những kỹ năng còn thiếu có thể được bồi đắp thông qua quá trình thực tập tại các doanh nghiệp.

Ưu điểm lớn nhất của ứng viên người Việt Nam là ham học hỏi và có kỹ thuật chuyên sâu nhưng hạn chế lớn nhất là ngoại ngữ. Bên cạnh đó, độ lăn xả với công việc, đam mê làm việc của ứng viên người Việt cũng được nhận xét là chưa cao. Các ứng viên người Việt vẫn còn bị các yếu tố bên ngoài chi phối như các yếu tố về văn hóa, gia đình…

Để ngành dệt may Việt Nam có lực lượng lao động tốt, đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu mới, Navigos Search đề xuất: Các nhà tuyển dụng thực hiện các chương trình truyền thông về nghề nghiệp trong lĩnh vực dệt may nhằm giúp định hướng cho sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng để họ có thể nhìn rõ hướng phát triển, tiềm năng của ngành nghề này cũng như cơ hội phát triển cho người lao động. Kết hợp với trường đại học, cao đẳng miễn giảm học phí, hỗ trợ kinh phí đào tạo cho sinh viên khối kỹ thuật, xây dựng các quỹ học bổng… để thu hút sinh viên.

Đối với các chế độ dành cho người lao động, nhà tuyển dụng có thể điều chỉnh mức lương cao hơn so với hiện tại, qua đó doanh nghiệp có thể sẽ tuyển người dễ dàng hơn. Cải thiện môi trường làm việc, không gian làm việc, thời gian làm việc giúp nhân viên cân bằng được công việc – cuộc sống. Giảm bớt các tiêu chí về bằng cấp không cần thiết trong lĩnh vực này. Xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp cho người lao động. Xây dựng các chương trình đào tạo và đào tạo lại cho người lao động

Về phía các ứng viên, Navigos Search đề nghị, luôn cần phải học hỏi, cải thiện các năng lực và kỹ năng, cải thiện các kỹ năng mềm. Có tầm nhìn toàn cảnh của thị trường để có thể nhận biết và đón nhận các cơ hội để phát triển bản thân và nghề nghiệp. Chăm chỉ, đầu tư thời gian và tâm huyết cho công việc.

Việt Nga