Ngành công thương: Đẩy mạnh kết nối và tiêu thụ sản phẩm OCOP

Sản phẩm OCOP trưng bày tại khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản hợp tác xã tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 290 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 5 sao. Với sự kết nối của Sở Công thương trong thời gian qua, các tỉnh, thành trong cả nước, các doanh nghiệp đã phối hợp, đồng hành với địa phương tổ chức các sự kiện kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm nông sản đặc trưng với các tỉnh: An Giang, Tiền Giang, Hải Dương, Hà Giang, Bến Tre, Bắc Kạn, Bắc Giang và tham gia các kỳ hội chợ, hội nghị kết nối tại các tỉnh, thành phố: Cà Mau, Bến Tre, Hậu Giang, Cần Thơ, Phú Thọ, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh,... Tham gia Hội chợ triển lãm sản phẩm kinh tế - quốc phòng Việt Nam - 2023 (VIDEX 2023) đã tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã được dịp trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường nước ngoài tìm kiếm đối tác, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, các đại lý, nhà phân phối, các doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu và các khách hàng đến tìm hiểu, mua sản phẩm của tỉnh Trà Vinh và có nhu cầu làm đại lý phân phối bánh tét và chả các loại; các sản phẩm được khách quan tâm, mua sắm: sản phẩm chế biến từ dừa; nước mắm rươi Long Vinh; mứt chuối tá quạ; bánh tét; đậu phộng Phú Vinh; hủ tiếu Nô Công; cốm sữa Tài Ký; bánh tráng sữa Tám Hiền; chà bông Năm Thụy; cốm dẹp Hai Lý; mắm tép Cô Huệ; bánh tráng nem; dừa sáp và nhiều sản phẩm khác… Nhờ kết nối này, các cơ sở, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã thúc đẩy hoạt động sản xuất, hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ bền vững; đồng thời, góp phần thúc đẩy các địa phương tích cực đẩy mạnh cơ cấu sản xuất các sản phẩm thế mạnh, tiềm năng cũng như phát triển kinh tế.

Cơ sở bánh tét Hai Lý, ấp Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang là một trong những cơ sở không ngừng cải tiến trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng người tiêu dùng.

Bà Mai Hoàng Lý, chủ cơ sở sản xuất bánh tét Hai Lý cho biết: là cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất bánh tét lâu đời tại làng nghề bánh tét Trà Cuôn. Để có đòn bánh chắc, dẻo, ngọt và thời gian sử dụng nhiều ngày, đòi hỏi khâu làm bánh trải qua nhiều công đoạn. Trong khi đó, hoạt động nấu bánh tét của cơ sở chủ yếu bằng lò đốt tự xây theo kinh nghiệm để phục vụ sản xuất, từ đó có những nhược điểm như: lửa cháy không đều, lượng lớn nhiệt của quá trình cháy bị tổn thất và phân tán ra môi trường nên hiệu suất thấp.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường ngày càng lớn như hiện nay, trong 02 năm 2023 - 2024, cơ sở mạnh dạn đầu tư 05 nồi nấu bánh tét công nghiệp sử dụng điện, máy vo nếp, sục khí và máy xào nhân với kinh phí trên 600 triệu đồng, trong đó khuyến công địa phương hỗ trợ 290 triệu đồng. Với thiết bị tiên tiến giúp hộ kinh doanh nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm, góp phần khẳng định thương hiệu và uy tín của hộ kinh doanh và giải quyết việc làm tại địa phương. Trung bình cơ sở sản xuất từ 100 - 200 đòn bánh/ngày, vào ngày lễ, Tết tăng lên từ 300 - 500 đòn bánh/ngày, lợi nhuận khoảng 20%/ngày, giải quyết từ 04 - 10 lao động, thu nhập bình quân 200.000 đồng/lao động tùy theo công đoạn sản phẩm.

Theo đồng chí Phạm Phước Trãi, Phó Giám đốc Sở Công thương: mặc dù đạt kết quả nhất định, nhưng việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP vẫn còn khó khăn, sản phẩm chế biến ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn, nhất là việc kinh doanh trên sàn giao dịch điện tử. Tuy nhận thức của các ngành, các cấp, địa phương và công ty, doanh nghiệp trên địa bàn về hoạt động xúc tiến quảng bá trên sàn giao dịch thương mại điện tử có nhiều chuyển biến, một số doanh nghiệp, cơ sở có quan tâm hơn trong xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, tham gia chào mua chào bán, quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử, trên website của doanh nghiệp.

Tuy nhiên việc triển khai ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động thương mại điện tử chưa đáp ứng được nhu cầu, kinh nghiệm, kỹ năng của cán bộ làm công tác thương mại điện tử còn nhiều hạn chế. Một số doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm, chưa thấy hết được lợi ích, hiệu quả mà ứng dụng thương mại điện tử mang lại đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh do đó doanh nghiệp chưa chủ động trong việc tiếp cận thông tin về thương mại điện tử để có những định hướng phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập…

Thời gian tới, với vai trò cầu nối trong thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giao thương giữa các tổ chức, doanh nghiệp trên sàn giao dịch trong phạm vi địa bàn tỉnh và trên cả nước; giúp tăng uy tín và thương hiệu của sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh; hình thành nên môi trường kinh doanh trên internet hiệu quả; giúp tối ưu chi phí marketing và chi phí bán hàng cho doanh nghiệp khi tham gia trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế, quốc tế và định hướng phát triển xuất khẩu; hình thành gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên sàn thương mại điện tử quốc tế.

Bài, ảnh: MẪN QUÂN