Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc vì bất động sản

Các tòa nhà chưa hoàn thiện ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Theo Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tháng 10/2023 của WB, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của khu vực này ước đạt 5% năm 2023 và 4,5% năm 2024, thấp hơn so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 4, tương ứng là 5,1% và 4,8%.

Tăng trưởng của khu vực này trong năm nay cao hơn tăng trưởng trung bình dự kiến của tất cả các thị trường mới nổi và đang phát triển khác nhưng thấp hơn dự kiến trước đó.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay được WB dự đoán là 5,1%, còn của khu vực không bao gồm Trung Quốc là 4,6%.

Ước tính tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm tới bị hạ xuống 4,4%, thấp hơn mức 4,8% dự kiến trước đó.

“Năm 2024, các điều kiện bên ngoài được cải thiện sẽ hỗ trợ tăng trưởng ở khu vực, nhưng những khó khăn trong nước dai dẳng ở Trung Quốc, bao gồm sự phục hồi yếu dần sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nợ tăng cao và yếu kém trong lĩnh vực bất động sản, các yếu tố cấu trúc như tình trạng già hóa dân số, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng ở Trung Quốc, khiến tốc độ tăng trưởng giảm xuống còn 4,4% vào năm 2024", WB đánh giá.

Theo báo cáo, tăng trưởng ở phần còn lại của khu vực dự kiến sẽ tăng 4,7% trong năm 2024, nhờ phục hồi của tăng trưởng toàn cầu và các điều kiện tài chính được nới lỏng sẽ bù đắp cho tác động từ tình trạng tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và các biện pháp cản trở thương mại ở một số quốc gia khác.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Manuela V. Ferro đánh giá: “Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vẫn là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất và năng động nhất trên thế giới, dù tốc độ tăng trưởng đang ở mức vừa phải”.

Báo cáo cho rằng trong trung hạn, việc duy trì tăng trưởng cao ở khu vực này sẽ đòi hỏi cải cách để duy trì khả năng cạnh tranh công nghiệp, đa dạng hóa các đối tác thương mại và giải phóng tiềm năng nâng cao năng suất và tạo việc làm của ngành dịch vụ.

Trong khi đó, căng thẳng địa - chính trị và thiên tai là những rủi ro làm giảm triển vọng tăng trưởng, báo cáo nhận định.

Tú Linh

Theo Nikkei Asia