Ngân hàng rượt đuổi gia tăng tỷ lệ CASA

Nâng cao tỷ lệ CASA là nội dung được cổ đông của nhiều ngân hàng quan tâm tại kỳ đại hội cổ đông thường niên năm 2024. Đây cũng là vấn đề được lãnh đạo các nhà băng luôn chú trọng bởi cạnh tranh đang rất quyết liệt.

"Đường đua" rộng mở

Tiền gửi không kỳ hạn là loại tiền gửi mà khách hàng chủ động để tại ngân hàng nhằm thực hiện thanh toán thường xuyên và hưởng lãi suất không kỳ hạn rất thấp.

Lãi suất huy động đang ở mức đáy, nhưng các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế đang được thúc đẩy, các doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tích cực. Người dân có xu hướng “cất” tiền vào tài khoản thanh toán "chờ" để tham gia vào các hoạt động đầu tư, khiến số dư CASA tại các ngân hàng tăng lên.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn ở nhiều ngân hàng tăng mạnh.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2024, tỷ lệ CASA của tăng lên 40,5%, vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong ngành.

Tại Đại hội cổ đông năm 2024 được tổ chức mới đây, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank bày tỏ tham vọng giành lại vị trí dẫn đầu về tỷ lệ CASA sau 2 năm rơi vào "tay" MB.

Lãnh đạo Techcombank nhấn mạnh, CASA chính là trụ cột quan trọng, trong chiến lược của nhà băng đặt ra với tỷ lệ 55%. “CASA đạt được 40% rồi nên mức 55% là hoàn toàn có thể đạt được và khả thi trong năm nay hoặc năm sau”, Tổng giám đốc Techcombank cho hay.

Không đưa ra mục tiêu cụ thể, song ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB cho biết việc sở hữu tỷ lệ CASA cao trở thành lợi thế cho ngân hàng. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ CASA tại MB đạt hơn 40%. Tỷ lệ này có được nhờ lượng khách hàng hiện có đạt 26 triệu.

“Đến cuối năm năm, lượng khách hàng sẽ tăng lên 30 triệu. Dựa trên tệp khách hàng lớn này, MB sẽ có giá vốn rẻ. Đây là cơ sở để MB đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay đạt 30.000 tỷ đồng”, ông Ánh khẳng định.

Nhiều ngân hàng khác cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ CASA trong năm nay.

Như tại MSB, ước tính kết thúc quý I/2024, tỷ lệ CASA đạt khoảng 29%, tăng 3 điểm % so với thời điểm cuối năm 2023, được kỳ vọng là dấu mốc cho sự tăng ổn định trở lại sau năm 2023 biến động.

Đại diện MSB cho biết trong xu hướng phục hồi của CASA toàn hệ thống, MSB đặt mục tiêu thúc đẩy tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi từ nay đến cuối năm, tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường thông qua những tiện ích hấp dẫn hơn cho sản phẩm – dịch vụ, hướng tới mục tiêu chung về tỷ lệ CASA/tổng tiền gửi giai đoạn 2023 – 2027 trong khoảng 35 – 40%.

Tại , Tổng giám đốc Từ Tiến Phát thông tin, quý I/2024, huy động tiền gửi không kỳ hạn cũng tốt hơn mức chung đạt 4,6%, tỷ lệ CASA cải thiện từ 22% lên 23% và năm nay ngân hàng đặt mục tiêu giữ vị trí top 5.

Với , CASA trở thành điểm sáng trong hoạt động huy động năm 2023 với quy mô đạt 78.200 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với cuối năm 2022, trong đó khách hàng cá nhân chiếm 61% tỷ trọng.

Trong năm nay, VPBank đặt mục tiêu tham vọng tiếp tục nhân đôi tiền gửi không kỳ hạn từ mảng bán lẻ, nhằm góp phần giảm thiểu chi phí vốn, thông qua chiến lược phủ phân khúc và các giải pháp thanh toán số vượt trội của ngân hàng.

"Hút" CASA bằng cách nào?

Giới chuyên gia dự báo, tỷ lệ CASA trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, thu nhập của người dân tốt hơn, tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán sẽ nhiều hơn.

Nhấn mạnh tỷ lệ CASA cao sẽ giúp cho giá vốn ngân hàng thấp, biên lợi nhuận cao hơn, TS. ê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, có thể lạc quan vào kết quả kinh doanh năm 2024 của ngành ngân hàng nói chung, các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nói riêng.

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cũng khẳng định, CASA có vai trò quan trọng mang lại lợi ích kép cho ngân hàng khi vừa mở rộng khách hàng, vừa tranh thủ được nguồn vốn rẻ. CASA sẽ là trợ lực để các nhà băng giảm bớt phần nào áp lực chi phí hoạt động.

Thực tế, trong những năm qua, đa số các ngân hàng xác định tăng tỷ lệ CASA là một trong những mục tiêu quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ CASA cao tạo tiền đề giúp ngân hàng cải thiện biên lãi thuần (NIM), có thêm điều kiện cạnh tranh về lãi suất cho vay trên thị trường. Cũng bởi vậy, cuộc đua tăng CASA ngày càng gay gắt, đặc biệt là khi hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã miễn phí dịch vụ ngân hàng số.

Đại diện LPBank cho biết ngân hàng chú trọng tăng nguồn CASA để giảm giá vốn đầu vào, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn đảm bảo biên lợi nhuận của ngân hàng.

Lãnh đạo Techcombank chia sẻ, động lực tăng trưởng CASA của ngân hàng đến từ cách tiếp cận chuỗi giá trị, giúp chiếm được thị phần ngày càng tăng trong hệ sinh thái của các đối tác doanh nghiệp lớn. Riêng với tệp khách hàng bán lẻ, năng lực số hóa hàng đầu cùng hệ sinh thái của các đối tác đã giúp Techcombank thu hút 2,6 triệu khách hàng mới trong năm 2023, đóng góp khoảng 6,7 nghìn tỷ đồng vào tăng trưởng CASA.

Lãnh đạo VPBank nhận định “hút” CASA là một bài toán không hề dễ dàng cho bất cứ một ngân hàng nào, và VPBank cũng không phải ngoại lệ đặt trong môi trường lãi suất thấp như hiện tại.

Tuy nhiên, VPBank tự tin với lợi thế từ hoạt động số hóa, tiên phong trong các giải pháp thanh toán và gia tăng số lượng người dùng trên các nền tảng số, cùng với chiến lược phủ phân khúc toàn diện, cá thể hóa cho từng nhóm chân dung khách hàng, đã giúp VPBank tạo ra được sự bứt phá trong thu hút lượng tiền gửi không kỳ hạn.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết với nền tảng công nghệ nổi bật và tệp khách hàng “khủng”, VPBank sẽ “được đà tiến tới” phát huy năng lực tăng trưởng CASA mạnh mẽ trong năm 2024.

Huyền Anh