Để hàng Việt khẳng định vị thế

Thương hiệu Việt tăng trưởng nhanh nhất

Đánh giá Thương hiệu quốc gia 2020 của hãng định giá thương hiệu (Anh) Brand Finance cho thấy: Việt Nam là thương hiệu quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong bảng xếp hạng khi tăng 29% so với năm 2019, trị giá lên 319 tỷ USD. Nhờ đó, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng 9 bậc, lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. Không chỉ có vậy, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu. Cụ thể, vị trí của Việt Nam cũng được cải thiện, tăng 2,5 điểm, nâng thêm 3 bậc, từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng.

Nhà máy ô tô Vinfast. Ảnh: Phạm Hùng

Theo các chuyên gia kinh tế, uy tín của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ; đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của DN Việt Nam. Tất cả những nỗ lực đó đã được đo đếm qua con số 124 DN với 283 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2020. Cùng với đó, nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Theo công bố danh sách thương hiệu dẫn đầu ở các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam năm 2020 của Forbes Việt Nam, trong Top 10 có các tên tuổi quen thuộc như: Viettel, Vinamilk, VNPT, Sabeco, Vinhomes, MobiFone, Masan Consumer, Vietcombank, FPT và Vincom Retail. Top 10 này chiếm 30% tổng giá trị thương hiệu của danh sách. Đứng đầu là Viettel với giá trị thương hiệu hơn 2,9 tỷ USD, vị trí thứ hai là Vinamilk giá trị thương hiệu hơn 2,4 tỷ USD...
Chỉ 20% doanh nghiệp đầu tư, xây dựng thương hiệu
Tuy nhiên, một kết quả khảo sát hơn 500 DN của Bộ Công Thương cho thấy: Ấn tượng về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam còn mờ nhạt. Nguyên nhân chính là do chỉ có 20% DN đầu tư xây dựng thương hiệu và chỉ chú trọng đăng ký tại Việt Nam, chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài và chưa quan tâm khai thác và quản lý thương hiệu. Điều này khiến nhiều thương hiệu Việt Nam đã được người tiêu dùng thế giới biết đến như: Cà phê Trung Nguyên, giày dép Biti’s... nhưng đã bị chiếm đoạt thương hiệu tại thị trường nước ngoài, gây tổn thất lớn trong việc mở rộng thị trường và cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và hỗ trợ, tư vấn – Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) Lê Tất Chiến: Trong 2 năm qua gạo ST25 đạt giải Nhất cuộc thi Gạo ngon Thế giới năm 2019, rồi giải Nhì năm 2020 nhưng hiện thương hiệu gạo này bị DN khác đăng ký bảo hộ ở Mỹ. Như vậy, sau khi bị DN nước ngoài đăng ký nhãn hiệu, đơn vị trong nước muốn xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải thông qua DN chủ sở hữu thương hiệu gạo ST25 ở Mỹ. “Điều này cho thấy DN Việt Nam chưa chú trọng đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ để bảo vệ thương hiệu sản phẩm” - ông Chiến phân tích.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Võ Trí Thành nhìn nhận, Chương trình Thương hiệu quốc gia đã kéo dài 17 năm nhưng thực chất con số ấy chỉ bằng một nửa tiến trình đổi mới cải cách của Việt Nam. Điều đó cho thấy, chúng ta có phần chậm trễ trong nhìn nhận vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia nên trên các phương tiện thông tin đại chúng rất hiếm khi xuất hiện logo giá trị Việt. Ngoài ra DN đang thiếu quyết liệt trong việc xây dựng và quản trị thương hiệu.

Thậm chí một bộ phận DN vẫn chưa thực sự coi thương hiệu là công cụ để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. “Công tác quảng bá xúc tiến hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa được DN thực hiện đồng bộ nên rất hiếm khi xuất hiện logo giá trị Việt” - ông Thành dẫn chứng.
Cần giải pháp cụ thể
Lý giải nguyên nhân khiến một bộ phận DN chưa chú trọng xây dựng sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh nêu rõ: Hiện trong cơ cấu DN Việt Nam, có đến 90% là DN vừa và nhỏ, thậm chí nhiều DN siêu nhỏ nên mặc dù rất muốn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, nhưng “lực bất tòng tâm” vì tiềm lực tài chính còn hạn chế.

Để khắc phục bất cập này, DN mong muốn các cơ quan quản lý hỗ trợ trong quá trình xây dựng thương hiệu theo hướng đưa ra thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ, bảo vệ hiệu quả hàng hóa trong nước. Hệ thống văn bản pháp luật cần hoàn thiện hơn, nhằm giúp DN có môi trường kinh doanh bình đẳng với hàng nhập khẩu. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu.
Nhìn lại thời gian qua, Chính phủ đã có chương trình Thương hiệu quốc gia qua đó giúp đỡ các địa phương, DN xây dựng thương hiệu. Cụ thể, thực hiện giai đoạn 3 của chương trình Thương hiệu quốc gia, Bộ Công Thương đã xây dựng, trình Chính phủ Đề án Thương hiệu quốc gia từ nay đến năm 2025 tầm nhìn 2030. Trong đó, xây dựng hệ thống tiêu chí liên quan đến thương hiệu và quảng bá truyền thông hàng Việt thông qua các phương tiện truyền thông quốc tế. Từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Nhiều năm nay, TP Hà Nội đã triển khai chương trình Hỗ trợ các DN trên địa bàn xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu. Cụ thể, đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng, đặt tên và quảng bá thương hiệu; Thiết kế biểu tượng hoặc hệ thống các dấu hiệu nhận biết thương hiệu tương ứng cho các thương hiệu, sản phẩm DN.
Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh sự hỗ trợ xây dựng thương hiệu từ cơ quan quản lý bản thân DN phải nỗ lực, quyết tâm xây dựng và phát triển mạnh mẽ thương hiệu quốc gia. DN nếu vận dụng hiệu quả thương hiệu quốc gia sẽ có thêm cơ hội để vươn lên mạnh mẽ, đưa hàng Việt mở rộng thị trường tiêu thụ.

Minh Ngọc