Ngắm đàn thỏ trắng, mắt đỏ chuyên phục vụ y học tuyệt đẹp

Trại chăn nuôi Suối Dầu (thuộc Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế – IVAC) được nhà bác học người Pháp A.Yersin thành lập năm 1896 với diện tích ban đầu là 500 ha và hiện nay đang quản lý sử dụng 115 ha, nằm cách thành phố Nha Trang 20 km bên Quốc lộ 1, về phía Nam Nha Trang (thuộc huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa).

Qua hơn một thế kỷ với nhiều biến cố của thời cuộc, Trại Suối Dầu là cơ sở chăn nuôi súc vật thí nghiệm lâu đời và có quy mô lớn nhất hiện nay tại Việt Nam. Hiện Trại Suối Dầu là nơi cung cấp động vật thí nghiệm lớn nhất nước với đàn chuột nhắt trắng từ 40.000 - 45.000 con, chuột lang từ 3.000 - 3.500 con và thỏ khoảng 1.000 con.

Đàn thỏ trắng tuyệt đẹp có đôi mắt đỏ

Chị Lê Thị Thu Hà, Phó trưởng Trại Suối Dầu, cho biết đàn thỏ hiện nay ở đây có khoảng 1.000 con, được xây dựng thành khu vực riêng, phân thành những ô hình chữ nhật chừng dưới 1m2. Loài thỏ ở đây rất đẹp với bộ lông trắng như tuyết và đôi mắt đỏ.

Thức ăn dành cho chúng do một nhà máy sản xuất thức ăn của trại tự làm thành những viên nén thật cứng, bỏ vào một chiếc khay treo ngược lên. Cùng với viên nén là cỏ xanh được trồng theo đúng quy trình sạch tuyệt đối. Những chú thỏ ở đây được ăn và vui đùa một cách tự nhiên như thể không có gì đáng để chúng quan tâm.

Những chú thỏ con xinh xắn

Tác giả cùng 1 chú thỏ trắng như bông khi trưởng thành

Theo ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng trại chăn nuôi Suối Dầu, thỏ ở đây là thỏ thuần chủng nhập từ New Zealand. Mỗi con thỏ trưởng thành nặng khoảng 1- 1,5 kg được nhập về nuôi để thích nghi rồi chọn lọc dần. Khi nuôi được khoảng 5 tháng, thỏ đạt trọng lượng từ 1,8 – 2,2kg thì thỏ sẽ được đưa đi làm các thí nghiệm hoặc kiểm định các vắc-xin, sinh phẩm y tế.

Điều đặc biệt, ngoài thỏ nhập thì Trại còn cho thỏ sinh sản thành công. Thỏ được gắn các số hiệu và chia thành 4 dòng để quản lý giống nhằm tránh hiện tượng đồng huyết. Thỏ cái sau khi được 5 tháng sẽ được phối giống. Khi phối giống sẽ bắt các thỏ cái vào chuồng thỏ đực. Sau phối 1 tháng thì thỏ sẽ đẻ con. Mỗi năm sẽ đẻ 5-7 lứa, mỗi lứa khoảng 8 con. "Thỏ ở đây được nuôi dưỡng để nghiên cứu, kiểm định các loại vắc-xin và sinh phẩm y tế. Nhất là các sinh phẩm, thuốc y tế liên quan đến hiện tượng sốt, tác dụng phụ"- ông Minh cho biết.

Cận cảnh sinh sản và nuôi dưỡng thỏ:

Chuồng thỏ được chia thành từng ô, khi đến thời kỳ sinh sản thỏ cái sẽ được đưa vào chuồng thỏ đực

Khi sinh sản, thỏ mẹ được nuôi nhốt riêng. Điều đặc biệt thỏ mẹ sẽ tự rụng lông để làm tổ cho con. Thỏ con sinh ra nằm trong đám lông ấm áp mà thỏ mẹ tạo nên

Những chú thỏ con lớn dần lên. Mỗi đợt thỏ mẹ sinh từ 7-8 đứa con kháu khỉnh

Gia đình thỏ sau khi được nuôi dưỡng hết sức đáng yêu

Hiện nay, tại cơ sở Suối Dầu, hàng năm tập trung sản xuất các loại sản phẩm vừa đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, sản xuất của Viện và nhu cầu trong nước, quốc tế như huyết thanh thô kháng uốn ván từ 7.000 - 8.000 lít/năm, huyết thanh thô kháng dại từ 1.500 - 2.000 lít, huyết thanh thô kháng nọc rắn hổ mang đất từ 400 - 500 lít, huyết thanh thô kháng nọc rắn lục tre từ 400 - 500 lít.

Bài, ảnh: Kỳ Nam