Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công cuộc chấn hưng văn hóa

Mỗi người dân cần có ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới phù hợp với yêu cầu của thời đại. Chúng ta cần thực hiện đồng bộ, gắn bó chặt chẽ việc xây dựng các giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu và đời sống văn hóa trên bình diện rộng, để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng cao vị thế của văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Xây dựng “đỉnh cao” và đắp “nền” văn hóa đều có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng

Nhìn nhận xung quanh vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của ốc hội cho rằng: “Trong những năm vừa qua, chúng ta nhận thấy sự quan tâm ngày càng nhiều hơn và sâu sắc hơn của toàn xã hội đối với văn hóa. Điều đó chứng minh, quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng và Nhà nước đã thu được những kết quả tích cực, thay đổi nhận thức của toàn xã hội về vai trò nền tảng của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước”.

Ở bối cảnh đó, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, để thúc đẩy sự phát triển văn hóa lên một giai đoạn mới thì việc xây dựng “đỉnh cao” và đắp “nền” có vai trò và ý nghĩa quan trọng ngang nhau. Theo đó, “đỉnh cao” của văn hóa chính là những tác phẩm nghệ thuật, giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, có thể thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Xây dựng “đỉnh cao” văn hóa có vai trò quan trọng thông qua việc thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu là những biểu hiện sinh động của bản sắc văn hóa dân tộc.

Đại biểu Quốc hội - PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

Xây dựng “đỉnh cao” văn hóa góp phần khẳng định và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ngoài ra, xây dựng “đỉnh cao” để chứng minh văn hóa có vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu có thể trở thành những sản phẩm văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Trong khi đó, “nền” của văn hóa là đời sống văn hóa trên bình diện rộng, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa của Nhân dân, là nền tảng để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc bồi đắp “nền” văn hóa giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết của Nhân dân về văn hóa, tạo điều kiện cho Nhân dân được sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa. Đồng thời, môi trường văn hóa lành mạnh rất thuận lợi cho sự phát triển của nhân cách, đạo đức của con người và xã hội. Công việc bồi đắp “nền” văn hóa góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh, ngăn chặn tệ nạn xã hội, xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ và hạnh phúc.

“Như vậy, các công việc xây dựng “đỉnh cao” và bồi “nền” đều có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa. Hai nhiệm vụ này cần được thực hiện đồng bộ, gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo sức mạnh tổng hợp để nâng cao vị thế của văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới” - Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn đánh giá.

Tại Nghị quyết số 109/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ trong năm 2024 trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035. Trao đổi quan điểm xung quanh nội dung này, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) nhấn mạnh: Xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là cần thiết và quan trọng để định hình, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia. Chương trình giúp chúng ta có được một nguồn lực đầy đủ, với những đầu tư mang tính trọng tâm, trọng điểm, mang tính định hướng, khơi nguồn các đầu tư xã hội cho văn hóa.

“Việc Quốc hội yêu cầu Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa là hết sức cần thiết, tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển của văn hóa, góp phần phát triển bền vững đất nước, thực hiện được những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng; đảm bảo đầu tư phát triển toàn diện, hài hòa giữa các lĩnh vực hoạt động văn hóa; đảm bảo mục tiêu văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội theo quan điểm xuyên suốt trong các Nghị quyết của Đảng. Vì vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển văn hóa, góp phần phát triển bền vững của đất nước” - Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng nêu rõ.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng.

Nữ Đại biểu Quốc hội chỉ ra rằng, cần đầu tư hơn nữa cho bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa đáp ứng được yêu cầu của đất nước và hội nhập quốc tế. Đồng thời, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường…

Coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước

Với điều kiện đất nước còn đang hạn chế về nguồn lực như hiện nay, để có thể thúc đẩy công cuộc chấn hưng văn hóa đạt hiệu quả, Đại biểu Quốc hội - PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, chúng ta cần chú trọng đến những vấn đề sau:

Thứ nhất là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công cuộc chấn hưng văn hóa. Trong các văn kiện, Đảng ta luôn nhấn mạnh: Văn hóa là sự nghiệp của toàn dân. Như vậy, để chấn hưng văn hóa, chúng ta cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về vai trò, vị trí, ý nghĩa của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước. Mỗi người dân cần có ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới phù hợp với yêu cầu của thời đại. Văn nghệ sĩ cần cống hiến, tâm huyết nhiều hơn trong việc sáng tác ra các tác phẩm mới, xứng tầm thời đại và sự phát triển của đất nước. Trong khi đó, lãnh đạo, Đảng viên phải luôn là những tấm gương mẫu mực về văn hóa, đạo đức cho xã hội.

Thứ hai là xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển văn hóa. Đây là công việc quan trọng, cần được thực hiện một cách khoa học, bài bản, phù hợp với thực tiễn của đất nước. Mục tiêu, định hướng phát triển văn hóa cần được xác định dựa trên các quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu tổng quát của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Thứ ba là xây dựng cơ chế, chính sách, luật pháp phù hợp. Đây là những nhân tố quan trọng, tạo hành lang pháp lý và những điều kiện thuận lợi để huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển văn hóa. Theo đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động văn hóa, khuyến khích sáng tạo và phát triển các hình thức, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật mới có giá trị; đồng thời, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống để tạo sự tự tin và tự hào cho Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong quá trình hội nhập quốc tế. Quan tâm đầy đủ hơn đến “văn hóa số” đang là xu hướng mới ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa trong thời gian sắp tới.

Thứ tư là tăng cường đầu tư cho văn hóa, coi đây là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, cần chú ý đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các lĩnh vực, địa bàn có tiềm năng và thế mạnh về văn hóa.

Thiên An