'Thủ lĩnh' Đoàn trường nhiệt tình, trách nhiệm

Anh Nguyễn Thanh Sơn là một trong những cá nhân được Tỉnh đoàn tuyên dương Bí thư Đoàn trường THPT tiêu biểu năm 2020. Ảnh: Nga Sơn

Trong đó, anh Sơn có 7 năm vừa giảng dạy vừa kiêm Phó bí thư Đoàn trường và 10 năm là Bí thư Đoàn trường. Dù là Phó bí thư hay Bí thư Đoàn trường, anh Sơn cũng đều làm hết trách nhiệm, góp phần đưa công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong trường học đi lên.

* Đến với Đoàn vì “ham vui”

Sau khi tốt nghiệp THPT, vì muốn học đại học gần nhà nên anh Sơn đã nộp hồ sơ xét tuyển và trúng tuyển vào ngành Sư phạm lịch sử Trường đại học Sư phạm Huế (liên kết đào tạo với Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai, nay là Trường đại học Đồng Nai) và học tại Trường đại học Đồng Nai. Năm 2003, anh tốt nghiệp và về Trường THPT Vĩnh Cửu công tác. Anh Sơn cho biết, vừa mới tốt nghiệp ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm đứng lớp nên năm đầu tiên về trường anh tham gia giảng dạy bộ môn Lịch sử nhưng với vai trò tập sự. Thời gian này vừa là cơ hội để anh đứng lớp giảng dạy, cũng vừa là thời gian để anh học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng giảng dạy từ đồng nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm.

Sau gần 1 năm tập sự, năm 2004, anh Sơn được ký hợp đồng và trở thành giáo viên chính thức. Trở thành giáo viên chính thức, anh không chỉ được chi ủy, ban giám hiệu phân công giảng dạy môn Lịch sử mà còn kiêm thêm vai trò Phó bí thư Đoàn trường. Dù nhận thấy được khó khăn của công tác kiêm nhiệm nhưng vì “ham vui” nên anh không cần suy nghĩ mà nhận lời ngay. Đối với đoàn viên thanh niên là học sinh, việc học tập là quan trọng nhất, vì vậy các hoạt động mà Đoàn trường tổ chức thường diễn ra sau giờ học hoặc ngày chủ nhật. Nhờ đó, anh có điều kiện để vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa tham gia hỗ trợ Bí thư Đoàn trường tổ chức các hoạt động phong trào.

Sau 7 năm làm Phó bí thư, năm 2011, anh Sơn được bầu làm Bí thư Đoàn Trường THPT Vĩnh Cửu. Anh Sơn chia sẻ, từng là Phó bí thư Đoàn trường nên về cơ cấu tổ chức Đoàn, các chương trình hành động của Đoàn, các hoạt động chủ yếu của tổ chức Đoàn trong trường học; kỹ năng tổ chức các hoạt động Đoàn; đặc điểm của học sinh trong trường..., anh đều thuộc nằm lòng. Tuy nhiên, ở cương vị Bí thư Đoàn trường, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, anh Sơn luôn nêu cao tinh thần học hỏi với mong muốn có thêm kiến thức, kỹ năng tổ chức cho học sinh nhiều hoạt động bổ ích. Ngoài việc đọc tài liệu, tìm hiểu các mô hình qua các bài viết trên mạng; khi gặp khó khăn, vướng mắc, anh không ngần ngại trao đổi với cán bộ Đoàn cấp trên, với đồng nghiệp trong và ngoài huyện có nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, trước khi có ý định tổ chức một chương trình hay một hoạt động, anh thường thăm dò ý kiến của học sinh để nắm bắt nhu cầu, từ đó điểu chỉnh chương trình, hoạt động sao cho phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất.

* Tổ chức nhiều hoạt động vì học sinh

Với cương vị Bí thư Đoàn trường, anh Sơn đã vận động đoàn viên, thanh niên, học sinh xung kích tham gia xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực thông qua các hoạt động Ngày thứ bảy tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh - tham gia giữ gìn trường xanh, lớp đẹp, ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường quanh khuôn viên trường học; thực hiện mô hình Cổng trường an toàn - không để xảy ra ùn tắc giao thông trước cổng trường trước và sau mỗi buổi học. Bên cạnh đó, anh Sơn còn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm vận động đoàn viên, thanh niên, học sinh thực hiện “3 không” (gồm: không thử, không giữ và không dùng ma túy), tích cực tố giác tội phạm. Đồng thời, vận động đoàn viên, thanh niên, học sinh phát huy tinh thần tương thân tương ái, tham gia đóng góp ủng hộ bạn nghèo...

Một trong những mô hình tiêu biểu phải kể đến là mô hình Tết vì bạn nghèo - Xuân yêu thương. Anh Sơn cho hay, từ năm 2015, anh thấy một số học sinh của trường có hoàn cảnh khó khăn, có nhiều học sinh vừa đi học, vừa đi làm thêm phụ giúp gia đình nên anh đã có ý tưởng thực hiện mô hình Tết vì bạn nghèo - Xuân yêu thương nhằm chia sẻ phần nào gánh nặng mưu sinh với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi được sự chấp thuận của Chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường, hằng năm anh Sơn xây dựng kế hoạch và triển khai đến cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường và mạnh thường quân từ những tháng đầu năm học.

Sau thời gian phát động, Đoàn trường tổng hợp nguồn vận động và triển khai cho các chi đoàn lớp bình xét, lựa chọn 1-2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn để tiến hành trao tặng quà trong chương trình Xuân yêu thương được Đoàn trường tổ chức trước Tết nguyên đán. Qua 5 năm triển khai, mô hình Tết vì bạn nghèo - Xuân yêu thương đã thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh và mạnh thường quân ủng hộ. Bình quân mỗi năm, mô hình đã hỗ trợ trên 70 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài tặng quà, trong năm 2020, bản thân anh Sơn đã vận động, tặng 7 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (trị giá 1,5 triệu đồng/suất), tạo động lực để các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội tiếp tục đến trường. Đặc biệt, mô hình này còn giáo dục học sinh trong trường tinh thần tương thân tương ái, biết quan tâm, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Bên cạnh mô hình Tết vì bạn nghèo - Xuân yêu thương, cách đây 3 năm, anh Sơn đã chủ động tham mưu Ban giám hiệu nhà trường triển khai chương trình trải nghiệm thực tế dành cho học sinh khối 12 tại các trường đại học trong và ngoài tỉnh, tại các doanh nghiệp. Anh Sơn cho biết, để triển khai chương trình này, anh liên hệ với các trường đại học để được hỗ trợ. Đầu năm học, anh đã tổ chức để học sinh khối 12 tham quan, tìm hiểu chương trình đào tạo tại các trường đại học. Từ đó, góp phần giúp học sinh lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân, giúp các em thành công hơn trong tương lai.

Không chỉ để lại dấu ấn trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, anh Nguyễn Thanh Sơn còn có nhiều đóng góp trong công tác chuyên môn. 2 năm học 2018-2019 và 2019-2020 vừa qua, anh được Ban giám hiệu Trường THPT Vĩnh Cửu đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nguyễn Tuyết