Mỹ điều tra TikTok về tuyển dụng giám đốc điều hành từ Trung Quốc

Theo Nikkei, Thượng nghị sĩ Mỹ Richard Blumenthal và Marsha Blackburn cho biết trong một lá thư hôm 3.10 gửi CEO TikTok Shou Zi Chew rằng họ đang “đặt câu hỏi về tính độc lập và tính bảo mật thông tin của người dùng tại Mỹ” trước thông tin mà báo Wall Street Journal đăng tải rằng TikTok có trụ sở ở Mỹ thuê một loạt nhân sự điều hành từ công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc.

TikTok đã phải đối mặt với sự giám sát pháp lý ở Mỹ về mối quan hệ với Trung Quốc - Ảnh: Getty

“Những thay đổi nhân sự tạo ấn tượng rằng TikTok đang cố gắng duy trì ảnh hưởng của công ty mẹ ByteDance tại Mỹ. Chúng tôi lo ngại những thay đổi nhân sự này sẽ làm suy yếu tính bảo mật của dữ liệu của Mỹ cũng như trái với những cam kết mà TikTok đã đưa ra nhằm đảm bảo hoạt động độc lập với ByteDance”, bức thư nêu rõ.

Trong thư, các nhà lập pháp Mỹ cũng yêu cầu TikTok cung cấp thông tin chi tiết về những giao thức bảo mật được áp dụng đối với nhân viên của ByteDance chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ. TikTok có thời hạn đến ngày 13.10 để trả lời thư của các thượng nghị sĩ.

Người phát ngôn của TikTok nói với Nikkei: “Trong một tổ chức lớn, toàn cầu, không có gì lạ khi các nhân viên làm việc tại nhiều khu vực địa lý khác nhau trong suốt sự nghiệp của họ. Đây không phải điều bất thường xảy ra gần đây và cũng không phải là duy nhất đối với TikTok”.

Được biết, Thượng nghị sĩ Maria Cantwell đã làm việc với Nhà Trắng và các nhà lập pháp khác về dự luật sửa đổi nhằm giải quyết những lo ngại về TikTok và các ứng dụng thuộc sở hữu nước ngoài khác. Thượng nghị sĩ Josh Hawley, người đã tìm kiếm sự đồng thuận cho luật cấm TikTok vào tháng 5 vừa qua, dự định sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu về vấn đề này vào cuối năm nay.

Nikkei dẫn nguồn thạo tin cho biết, ByteDance đã điều chuyển nhân viên ở Trung Quốc sang các văn phòng ở nước ngoài trong hai năm qua, bao gồm cả TikTok ở Mỹ và các nền tảng khác, chẳng hạn như Lemon8 ở Đông Nam Á. Theo nguồn tin, một số sự xáo trộn nhân sự là do nhu cầu về kinh doanh, một số là vì lý do cá nhân.

“Các nhà quản lý thường chuyển công tác ra nước ngoài như một động lực cho đội ngũ của họ ở Trung Quốc. Nhiều đồng nghiệp của tôi đang tìm cách chuyển đến văn phòng ở nước ngoài như ở Mỹ và Singapore”, một nhân sự điều hành của Bytedance tại Bắc Kinh tiết lộ.

Một nhân viên TikTok có trụ sở tại Mỹ nói với Nikkei rằng kể từ năm ngoái, cô đã trao đổi thông tin qua lại với hơn chục nhân viên ByteDance tại Trung Quốc, những người quan tâm đến việc gia nhập nhóm TikTok tại Mỹ.

“Các hạn chế của COVID-19 cùng ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến thị trường việc làm trở nên khó khăn hơn ở Trung Quốc, khiến nhiều người nghĩ đến việc rời khỏi Trung Quốc, tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. Và nếu bạn làm việc cho một công ty như ByteDance có hoạt động toàn cầu, thì tất nhiên, việc chuyển đến văn phòng ở nước ngoài là cách dễ dàng nhất để rời đi", nhân viên này nói và cho biết thêm rằng điều kiện cuộc sống cao tại Mỹ đã góp phần thu hút sự quan tâm của các nhân viên ByteDance ở Trung Quốc.

TikTok đã phải đối mặt với sự giám sát pháp lý ở Mỹ do những lo ngại về an ninh quốc gia cũng như các cáo buộc về việc công ty mẹ ByteDance có quan hệ với Trung Quốc. Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew đã phải điều trần trước quốc hội Mỹ vào đầu năm nay. Ông khẳng định dữ liệu của người dùng Mỹ “được lưu trữ trên đất Mỹ bởi một công ty Mỹ do nhân viên Mỹ giám sát”, đồng thời nhấn mạnh rằng cả TikTok và ByteDance đều không bị Bắc Kinh kiểm soát.

Hoàng Vũ (theo Nikkei Asia)