Nỗ lực phòng, chống Covid-19 ở Hải Dương

Chốt kiểm soát phòng, chống Covid-19 tại huyện Cẩm Giàng.

* Ưu tiên lưu thông hàng hóa ra, vào tỉnh

Khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19, cơ quan chức năng phải tranh thủ từng giờ, từng phút, cả ngày lẫn đêm để nhanh chóng xác định nguồn lây, truy vết, mở rộng xét nghiệm, nghiêm túc phê bình cán bộ lơ là… để sớm khoanh vùng, dập dịch hiệu quả.

Ðó là phương châm của tỉnh Hải Dương nhằm nỗ lực phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 xuất hiện bất ngờ tại Công ty điện tử Poyun trong Khu công nghiệp Cộng Hòa, TP Chí Linh (Hải Dương) đúng vào thời điểm gần Tết Nguyên đán. Dịch bùng phát trong một khu công nghiệp gần 4.000 công nhân với vi-rút biến chủng mới, rất dễ lây lan nên việc chống dịch gặp nhiều khó khăn. Ngay sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên Ban Chỉ đạo (BCÐ) phòng chống dịch (PCD) Covid-19 tỉnh Hải Dương họp khẩn, cùng với tổ công tác của Bộ Y tế đánh giá mức độ nghiêm trọng và triển khai nhanh các biện pháp dập dịch. Trong đó, việc quyết định cách ly y tế toàn bộ Công ty Poyun với khoảng 2.400 công nhân và ngày hôm sau ra quyết định cách ly y tế toàn bộ các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Cộng Hòa là việc làm đúng và kịp thời. Hải Dương đã khóa chặt được ổ dịch tại Công ty Poyun ngay từ ngày đầu, không để lan tỏa dịch bệnh sang địa phương khác.

Ðáng chú ý, toàn TP Chí Linh được phong tỏa mà không có trong kịch bản, thời gian lại gấp gáp nhưng đã kịp thời thành lập hàng chục khu cách ly tập trung, xây dựng hai bệnh viện dã chiến, lập hàng chục chốt kiểm soát y tế. Bí thư Thành ủy Chí Linh Hoàng Quốc Thưởng chia sẻ: Hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức của địa phương đã hết mình vì công việc, bất kể ngày đêm; thường trực 24/24 giờ, có lệnh lập tức lên đường với trách nhiệm cao nhất, đúng với tinh thần chống dịch như chống giặc. Là ổ dịch lớn nhất của cả nước từ trước tới nay, nhưng với sự chỉ đạo và hỗ trợ sát sao của các cấp, các ngành, sự đồng tình ủng hộ công tác PCD của nhân dân, đến nay về cơ bản dịch bệnh ở Chí Linh đã được khống chế.

Tuy nhiên, công tác PCD của Hải Dương không phải lúc nào cũng thuận lợi, suôn sẻ. Khi dịch bùng phát ở Chí Linh, Kinh Môn, Cẩm Giàng do quy mô lớn, tốc độ lây lan nhanh dẫn đến việc truy vết các F1, F2 ban đầu còn lúng túng vì thiếu lực lượng và chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhiều F0 khai báo quanh co không trung thực cho nên tốc độ truy vết chậm, còn bỏ sót không ít F1. Mặt khác, việc hàng nghìn F1 phải cách ly tập trung đột suất trong điều kiện không gian chật hẹp, vệ sinh chưa tốt dẫn đến để lây chéo tại một số điểm cách ly. Tỉnh Hải Dương ở trung tâm các đầu mối giao thông tiếp giáp 6 tỉnh, thành phố với 18 lối ra, vào; có 10 khu công nghiệp đang hoạt động với hơn 100 nghìn công nhân cũng là yếu tố khó khăn trong công tác PCD.

Ðáng chú ý, vi-rút SARS-CoV-2 biến thể từ Anh đã lưu trú trong công nhân của Công ty Poyun từ khá lâu, đến khi phát hiện thì đã có 74 người nhiễm bệnh, dẫn đến rất tốn công sức dập dịch. Ngoài ra, từ một ca nhiễm bệnh ở Khu đô thị Việt Mỹ (Cẩm Giàng), dẫn đến một chùm ca bệnh lây lan nhưng huyện đã để mất thời gian vàng khoanh vùng, điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc. Vì vậy, huyện Cẩm Giàng đang là điểm nóng và dịch đã xâm nhập vào công nhân ở các khu công nghiệp.

Ðồng chí Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng tổ công tác của tỉnh Hải Dương hỗ trợ huyện Cẩm Giàng PCD cho biết, những bất cập trong PCD ở huyện Cẩm Giàng thời gian vừa qua là lỗi hệ thống. Trong bối cảnh dịch ở Hải Dương đang diễn ra thì huyện Cẩm Giàng chưa chủ động trong PCD. Hệ thống bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp chưa siết chặt kỷ cương trong quản lý và triển khai nhiệm vụ, chưa thấy sự cấp bách và nguy hiểm của dịch bệnh. Một số người dân còn lơ là chủ quan và xem nhẹ dịch bệnh. Trên địa bàn huyện Cẩm Giàng có năm khu công nghiệp, hai cụm công nghiệp với hơn 60 nghìn lao động đang làm việc, sinh sống đan xen các khu dân cư, tạo cho việc chống dịch vô cùng khó khăn. Về tăng cường cho huyện Cẩm Giàng, tổ công tác của tỉnh đã khẩn trương, quyết liệt gỡ từng nút thắt, rà soát toàn bộ quy trình chống dịch, phát hiện những lỗ hổng có nguy cơ để dịch lây lan, kiểm soát chặt các khu cách ly, vùng phong tỏa, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân thật sự vào cuộc. Quá trình thực hiện nhiệm vụ kiên quyết xử lý thật nặng tập thể, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch. Ðồng chí Lưu Văn Bản cho biết: Nếu không sớm dập được dịch ở Cẩm Giàng, tổ công tác và cán bộ huyện Cẩm Giàng sẽ có lỗi rất lớn với tổ chức và nhân dân, trong đó trách nhiệm chính thuộc về Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng tổ công tác PCD tại Cẩm Giàng.

Thực hiện các biện pháp quyết liệt PCD, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đặc biệt nghiêm túc trong chỉ đạo PCD; nhắc nhở, phê bình đến nơi đến chốn những tập thể, cá nhân còn chủ quan, chểnh mảng trong thực thi nhiệm vụ. Trong các buổi làm việc với cơ sở, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã phê bình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương do hoạt động tồn tại nhiều vấn đề, chậm xử lý thông tin. Nghiêm túc phê bình Ban Thường vụ Huyện ủy Cẩm Giàng; phê bình lãnh đạo thị trấn Lai Cách và xã Tân Trường (Cẩm Giàng) còn thiếu tinh thần trách nhiệm để dịch bệnh diễn biến phức tạp. Phê bình nghiêm khắc Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Kim Thành do chưa nghiêm túc trong thực hiện các giải pháp cấp bách PCD theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, sẽ xử lý kỷ luật lãnh đạo những địa phương để dịch bệnh lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.

Cùng với sự chỉ đạo của tỉnh, tại TP Hải Dương, đồng chí Trần Hồ Ðăng, Chủ tịch UBND, Trưởng BCÐ PCD Covid-19 TP Hải Dương cho biết: Tập thể lãnh đạo thành phố đã tập trung chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, thực hiện đồng bộ các biện pháp PCD với tinh thần cao nhất. Vừa qua, thành phố đã phê bình tám cán bộ chủ chốt là Bí thư, Chủ tịch thuộc các phường Tứ Minh, Lê Thanh Nghị, Thanh Bình, xã Gia Xuyên và xã Liên Hồng do lơ là trong PCD.

* Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến 17 giờ ngày 20-2, qua rà soát, số người từ huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương về Hà Nội từ ngày 15-1 đến nay là 2.372 người, trong đó 2.349 trường hợp đã được lấy mẫu; 1.893 trường hợp có xét nghiệm âm tính, còn lại chưa có kết quả.

Ngoài ra, số người từ tỉnh Hải Dương và các vùng dịch khác (do Bộ Y tế công bố) về Hà Nội từ ngày 2-2 đến nay, theo số liệu thống kê sơ bộ của các trung tâm y tế là 46.313 người. Trong đó, đã lấy mẫu 37.313 người, chuyển đến các phòng xét nghiệm 30.596 mẫu, có 17.500 mẫu âm tính.

Ngày 20-2, đại diện Bộ Công thương cho biết, đã có văn bản gửi Sở Công thương các tỉnh, thành phố về việc đẩy mạnh lưu thông hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ nông sản, đặc biệt cho tỉnh Hải Dương. Theo đó, Bộ chỉ đạo các Sở Công thương tỉnh, thành phố ưu tiên huy động các phương tiện vận chuyển để lưu thông hàng hóa; bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại địa phương để ứng phó với dịch Covid-19 theo nguyên tắc an toàn phòng, chống dịch. Riêng đối với các mặt hàng nông sản, để nông sản không bị dồn ứ, các đơn vị cần phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng nông sản có số lượng lớn đã vào vụ thu hoạch; ưu tiên các hoạt động sơ chế, chế biến bảo quản, dự trữ nông sản; phối hợp các địa phương khác, các doanh nghiệp phân phối lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, đã làm việc với các doanh nghiệp phân phối lớn để cam kết hỗ trợ thu mua nông sản của Hải Dương: Nhiều doanh nghiệp đã cam kết sẵn sàng hỗ trợ thu mua nông sản sạch, an toàn.

Tập đoàn Central Retail Việt Nam (sở hữu thương hiệu Big C) đã lên kế hoạch thu mua 100 tấn nông sản của Hải Dương trong tuần tới; nếu các phương tiện ra, vào ổn định sẽ tăng lên 200 tấn/tuần.

VinCommerce (sở hữu chuỗi siêu thị VinMart và các cửa hàng tiện lợi VinMart+) cũng cam kết sẽ thu mua hàng nông sản an toàn của Hải Dương.

Thương hiệu Mega Market cũng đã có công văn gửi UBND tỉnh Hải Dương về hỗ trợ kết nối với các đơn vị kinh doanh và hộ nông dân trên địa bàn, đồng thời cam kết sẵn sàng cung cấp các mặt hàng nhu yếu phẩm nếu Hải Dương có nhu cầu.

Trước đó, Sở Công thương Hải Dương đã có văn bản kiến nghị Bộ Công thương báo cáo Chính phủ chỉ đạo UBND các địa phương xem xét, thống nhất cách áp dụng các biện pháp an toàn phòng, chống dịch cho người, phương tiện và hàng hóa, xác định rõ điều kiện nhất quán trên 63 tỉnh, thành phố để các phương tiện vận chuyển hàng hóa được lưu thông thuận tiện qua các địa phương, thậm chí cả trong vùng có dịch. Theo đó, cần xem xét đưa ra những giải pháp mang tính tình thế để tạo điều kiện cho các xe lưu thông trong ngắn hạn. Về lâu dài, Nhà nước phải có quy tắc chung để bảo đảm phát triển kinh tế trong điều kiện chống dịch mới. Thực tế nhiều ngày qua, tại các chốt, trạm kiểm soát dịch Covid-19 dẫn vào cửa ngõ địa bàn lân cận đều hạn chế xe ra, vào Hải Dương khiến nhiều xe chở hàng dù phải dừng chờ rất lâu nhưng vẫn buộc phải quay về. Từ sự không nhất quán nói trên, hàng hóa ra, vào địa bàn Hải Dương bị gián đoạn, ách tắc khiến cho nông sản bị hư hỏng; vật nuôi, con giống bị quá hạn xuất chuồng, thiếu thức ăn để duy trì vật nuôi. Ðặc biệt, nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất cho các nhà máy không nằm trong tâm dịch bị thiếu thốn; hàng hóa xuất khẩu không thể tiếp cận cảng khi đến hạn giao hàng đi nước ngoài. Nếu tiếp tục để tình trạng này kéo dài, sẽ gây thiệt hại lớn, tác động lâu dài đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân,…

PV

Quốc Vinh