Mở rộng kênh phân phối cho sản phẩm nông, thủy sản

Tiếp tục nâng cao chất lượng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm nông sản, thủy sản tỉnh nhà đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, thời gian qua, các ngành hữu quan, địa phương chủ động xây dựng, lồng ghép các nội dung, chương trình để thực hiện với nhiều hình thức phong phú...

Sản phẩm OCOP, khởi nghiệp được giới thiệu tại Ngày hội “Hội quán Đất Sen hồng” lần thứ I, năm 2023

Theo đó, thông qua Chương trình khuyến công thúc đẩy các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ máy móc, thiết bị và đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm mới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Giai đoạn 2020 - 2023, chương trình hỗ trợ 87 doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh, hợp tác xã đầu tư máy móc, thiết bị với tổng kinh phí hỗ trợ là 17,442 tỷ đồng. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán, DN và cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển nhãn hiệu, bao bì sản phẩm; triển khai các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng, phát triển thị trường...

Thời gian qua, tỉnh triển khai các hoạt động hỗ trợ DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thực hiện quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và tiêu thụ nông sản chủ lực. Đối với thị trường trong nước, tỉnh tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa góp phần quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản, sản phẩm đặc sản, OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh đến với người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị có liên quan hỗ trợ DN, mở rộng mạng lưới phân phối qua việc hình thành các trung tâm giới thiệu, phân phối đặc sản Đồng Tháp tại các tỉnh, thành phố (như: TP Hà Nội; TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang...) tạo điều kiện thuận lợi cho DN được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng hình ảnh Đồng Tháp với người tiêu dùng. Đến nay, có hơn 150 sản phẩm của Đồng Tháp có mặt tại các hệ thống phân phối lớn trên cả nước. Giai đoạn 2021 - 2023, giá trị tăng thêm ngành thương mại đạt khoảng 5,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10,23%.

Nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, cạnh tranh và phát triển thị trường nước ngoài, UBND tỉnh triển khai nhiều chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới, những quy định liên quan đến việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước. Đồng thời chú trọng việc thông tin tuyên truyền về hội nhập quốc tế, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ hàng hóa của tỉnh với thị trường nước ngoài theo định kỳ hàng năm.

Thông qua đó, người dân và DN cơ bản nhận thức được cơ hội và thách thức từ thị trường nước ngoài, đặc biệt là DN xuất nhập khẩu tận dụng được những lợi thế từ việc ưu đãi về thuế quan trong các cam kết. Đến nay, hàng hóa của Đồng Tháp có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có một số thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU...

Đối với lĩnh vực ương mại điện tử, được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương từ Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia, Đồng Tháp triển khai các đề án hỗ trợ DN phát triển thương mại điện tử gồm: cung cấp gói giải pháp SEO thông minh qua landing pages cho các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ DN tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín; xây dựng phần mềm quản lý mạng lưới bán buôn, bán lẻ tại tỉnh; xây dựng hệ thống kết nối cung cầu điện tử cho DN Đồng Tháp với TP Hồ Chí Minh. Qua triển khai các đề án đã hỗ trợ 36 DN trên địa bàn tỉnh phát triển thương mại điện tử.

Ngoài việc triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh nói chung cũng như các sản phẩm OCOP nói riêng qua kênh thương mại điện tử. Đến nay, có hơn 400 sản phẩm của các DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử lớn như: Tiki, Lazada, Shopee,Voso, Sendo, Postmart... và có 92% sản phẩm OCOP của các chủ thể được kinh doanh trên môi trường trực tuyến.

Theo báo cáo thống kê của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, chỉ số về giao dịch giữa DN với người tiêu dùng (B2C) đứng thứ 7/58 tỉnh, thành phố; chỉ số về giao dịch giữa DN với DN (B2B) đứng thứ 27/58 tỉnh, thành phố. Kết quả đó cho thấy, DN của tỉnh có những nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ số vào kinh doanh, nhiều DN đã tận dụng được các cơ hội từ thương mại điện tử để mở rộng thị trường, tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm...

Y DU