Lời biện minh của kẻ lần thứ 5 'ăn cơm tù, mặc áo số'

Nếu như mỗi lần nhắc đến Nguyễn Ngọc Thạch (SN 1972, trú quận 9, TP. Hồ Chí Minh) người thân cảm thấy xót xa, ngao ngán bao nhiêu thì thái độ ngông nghênh, bất cần được y giữ vững bấy nhiêu. Với Thạch mà nói “tiền án nhiều hơn tiền mặt” và 4 lần “vào tù ra tội” trước đó dường như không có chút sức nặng nào làm Thạch chùn chân, ngược lại khiến y tiếp tục bước đến con đường phạm tội thêm phần… “bài bản”.

Ở tuổi 45 như Nguyễn Ngọc Thạch được gọi là hơn nửa đời người, vậy mà suy cho cùng, đến giờ Thạch không có gì ngoài những thành tích bất hảo. Năm 2000 khi mới 24 tuổi, ở độ tuổi đẹp đẽ là thế nhưng Thạch đã “vướng chàm” khi tham gia vào vụ cướp giật và bị tòa tuyên phạt 18 tháng tù về tội “Cướp giật tài sản của công dân”. 4 năm sau, Nguyễn Ngọc Thạch lại bị xử phạt 4 năm tù cũng về tội “Cướp giật tài sản”. Không lâu sau, Thạch tiếp tục “được gọi tên” với 2 năm 6 tháng tù cũng về tội danh cũ. Hành vi phạm tội của Thạch cứ lặp đi lặp lại khiến người dân nơi gã cư trú dè chừng, né tránh.

Thời gian khá lâu sau đó, thấy Nguyễn Ngọc Thạch “án binh bất động”, người thân, hàng xóm ai cũng mừng với suy nghĩ, ít ra Thạch đã biết dừng lại sau những lần vấp ngã, ít ra Thạch đã hồi hướng chuyển tâm. Vậy nhưng không ngờ sự “im lặng” của Thạch chẳng qua là đang vào thời kỳ “chuyển trạng thái”. Lần này đúng là Thạch không dính vào cướp giật nữa mà chuyển sang tham gia vào vụ mua bán ma túy và nhận mức án 2 năm 3 tháng tù.

Người ta nói “trộm quen tay, ngủ ngày quen mắt” là để nói mọi hành vi được lặp đi lặp lại thì hẳn thành một thói quen. Thạch cũng vậy, một lần cướp sẽ có thêm những lần cướp, một lần dính đến ma túy sẽ lại có những lần sau đó. Có lẽ khái niệm quay đầu hướng thiện sau nhiều lần “ăn cơm tù, mặc áo số” của Thạch định sẵn là con số 0. Đến độ, vợ, người thân càng dành nhiều thời gian để khuyên bảo, động viên bao nhiêu thì Thạch lại cứ tiếp tục phạm tội theo tỉ lệ thuận bấy nhiêu. Lần này cũng vậy, y bất chấp mà một lần nữa tìm đến ma túy.

Khoảng tháng 3/2020, trong một lần đi tìm mua thuốc chữa bệnh gan, Thạch quen người đàn ông quê Nghệ An, hai bên trao đổi số điện thoại của nhau. Sau đó, Thạch hỏi người này mua ma túy thì được giới thiệu cho đối tượng tên A Ni. Ngày 27/7/2020, Thạch mua vé máy bay từ TP.HCM ra Nghệ An để mua 30 triệu đồng tiền ma túy của A Ni.

Tối 29/7, A Ni bán cho Thạch 30 gói ma túy hồng phiến (589,13 gam), 1 gói ma túy Heroin (2,87 gam). Khi về khách sạn, Thạch lấy 2 loại ma túy ra sử dụng thì thấy heroin hút vào giảm đau còn ma túy hồng phiến thì đau hơn nên gọi điện cho A Ni xin trả lại hồng phiến. Trưa hôm sau, Thạch cầm ma túy hồng phiến đi trả lại cho bên bán thì bị Công an Nghệ An bắt giữ. Sau đó, Thạch đã tự giao nộp ma túy heroin cất giấu trong nhà nghỉ cho cơ quan điều tra. Ngoài ma túy, cơ quan điều tra còn thu giữ của Thạch 10 chiếc điện thoại, 1 bộ đàm, 1 ống nhòm.

Nguyễn Ngọc Thạch khai, toàn bộ số ma túy trên mua về để sử dụng. Theo lời Thạch, khoảng năm 2016, phát hiện mình bị bệnh viêm gan siêu vi B, C mãn tính (xơ gan hóa f3) nên đã chạy chữa khắp nơi. Không những điều trị bằng thuốc tây, bị cáo còn tìm đến các loại thuốc nam. “Vào dịp sinh nhật năm 2019, sau khi được bạn cho một ít ma túy sử dụng, bị cáo thấy đỡ đau hơn nên từ đó bắt đầu dùng ma túy cũng là nghiện ma túy từ đó”, Thạch khai. Thạch còn khẳng định, “có bệnh thì vái tứ phương” nên bị cáo mới ra Nghệ An mua ma túy về để sử dụng dần chứ không bán lại”.

Khi nói về bệnh tình của mình, đôi mắt Thạch chớp động, con ngươi khẽ run, nước mắt chảy xuống nhỏ lên mu bàn tay. Cảm giác lạnh lẽo, bi thương, mất mát, không tương lai từ mu bàn tay theo đó lan tràn. Mỗi lời Thạch nói ra đều “đổ lên đầu” thứ bệnh tật kia là ngọn nguồn của tội lỗi. Ai đó từng nói "đừng nghe… kể chuyện, đừng nghe con nghiện trình bày" là có lý do. Ví như Thạch lúc này, mọi giải thích đều trở nên khập khiểng. Đơn cử, 10 chiếc điện thoại mà cơ quan chức năng thu giữ khi bị bắt, Thạch khai được bạn bè, người thân tặng. Vì thiếu tiền nên bị cáo đem đi cầm cố. Trước khi ra Nghệ An, bị cáo đã chuộc số điện thoại trên về nên cầm đi luôn chứ không có mục đích gì khác(?!). Thạch nhiều lần khẳng định, không sử dụng những chiếc điện thoại này để liên lạc việc mua bán ma túy.

Trước lời khai của Thạch, HĐXX chất vấn hỏi “Bị cáo ra Nghệ An chỉ trong thời gian ngắn sao lại mang nhiều thiết bị điện tử chỉ để liên lạc với gia đình, điều đó nghe hợp lý không ?. Bị cáo lý giải như thế nào về chiếc ống nhòm mang theo?”. Thạch im lặng không trả lời về việc mang nhiều điện thoại, riêng về ống nhòm y khai đưa ra Nghệ An để… “ngắm cảnh”.

Suốt quá trình xét hỏi, có có hội nói, Nguyễn Ngọc Thạch lại kể khổ bản thân vì mắc bệnh hiểm nghèo, đau nhức nên cuộc sống khó khăn. Cũng vì không thể chịu đau, mất ăn, mất ngủ nên bị cáo mới tìm đến ma túy. Khi được HĐXX phân tích, Thạch bắt đầu vô cùng hối hận. Thạch hiểu ra được, một khi đã phạm tội ngoài việc chịu sự trừng phạt của pháp luật ra thì mọi lời biện hộ đều trở nên vô nghĩa. Thạch bệnh tật nhưng không hề đơn độc, đáng lí Thạch hiểu sớm hơn “trời kêu ai nấy dạ”, phàm đã là quy luật sinh, lão, bệnh, tử… thì không thể thay đổi. Nếu Thạch bằng lòng chấp nhận dừng lại, quay về nẻo thiện để có được bình yên, thì đã không có cái kết đắng lòng như hôm nay. Là Thạch đang tự tay “kết liễu” cuộc đời mình, tự tay đẩy người thân ra xa, tự tay viết nên cái kết không trọn vẹn.

HĐXX TAND tỉnh Nghệ An nhận định, hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy của bị cáo là vi phạm pháp luật. Dù lý do bị cáo đưa ra là để giảm đau, chữa bệnh thì cũng cần xử lý nghiêm để có tính răn đe, phòng ngừa chung. Sau khi xem xét, cân nhắc HĐXX tuyên phạt Nguyễn Ngọc Thạch 16 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Vậy là lần thứ 5 Nguyễn Ngọc Thạch bước vào cánh cổng trại giam với bản án 16 năm tù. Đây là bán án cao nhất của Thạch nhưng liệu có phải là bản án cuối cùng ?. Câu hỏi này, e rằng ngoài Thạch ra không một ai có thể trả lời…

Trang Trần