Lập Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả để đào tạo gắn với thực tiễn

Ngày 30/9/2023, Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM và Tập đoàn Đèo Cả công bố thành lập Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả (DCI).

Mục tiêu của Viện là thực hiện các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới và bền vững trong lĩnh vực xây dựng công trình, hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam.

Đồng thời, cung cấp nhân sự chất lượng cao về kiến thức và khả năng thực tiễn đã được đào tạo cho các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, hạ tầng và giao thông vận tải; Tham mưu chính sách, chiến lược phát triển công nghệ vật liệu và hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam.

Dự án hầm Núi Vung trên cao tốc Cam Lâm - Nha Trang, một trong những dự án hầm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam do Tập đoàn Đèo Cả thi công.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, khẳng định Tập đoàn sẽ tự tổ chức đánh giá các thành công trong quá trình đầu tư, thi công, quản lý vận hành, mô hình quản trị... đúc kết thành lý thuyết để biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy cho học sinh, sinh viên nâng cao hiệu quả đào tạo.

Dẫn chứng về thực tiễn trong 38 năm hình thành và phát triển của Tập đoàn Đèo Cả, ông Hoàng cho biết đã chứng kiến những giai đoạn khi một doanh nghiệp thiếu nhân sự đã đưa ra những chính sách thu nhập hấp dẫn và đã lôi cuốn nhân sự từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Điều này cho thấy nguồn nhân lực cho ngành giao thông vận tải đang thiếu những nhân sự có chất lượng tốt.

Trong quá trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng hiện nay cũng có nhiều vấn đề bất cập, nặng lý thuyết. Nhiều sinh viên ra trường khi được tuyển dụng vào Tập đoàn Đèo Cả thiếu những kiến thức cơ bản và cả kiến thức thực tiễn. Ngoài ra, còn bổ sung các kiến thức về ứng dụng công nghệ khoa học thế giới vào lĩnh vực xây dựng giao thông.

Viện Nghiên cứu - Đào tạo được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa Trường Đại học GTVT TP.HCM và Tập đoàn Đèo Cả là cơ sở để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng tốt cho ngành Giao thông vận tải.

Ông Hoàng cho biết, hiện Nhà nước đang đầu tư nhiều công trình, hạ tầng giao thông, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, metro… đòi hỏi nguồn nhân lực thi công, quản lý, vận hành trong tương lai rất lớn. Nhưng các cơ quan quản lý, doanh nghiệp gần như chưa có sự chuẩn bị nguồn nhân lực bền vững cho những dự án này.

Để tránh tình trạng phải thuê nhà thầu nước ngoài, nhân sự nước ngoài, vừa tốn kém và lại phụ thuộc…việc thành lập Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả nhằm mục đích đào tạo những thế hệ sinh viên gắn lý thuyết với thực tiễn.

"Đèo Cả sẽ cấp học bổng cho các sinh viên có ý chí cầu tiến, tiếp nhận các sinh viên ngành giao thông để hướng dẫn thực tập nhằm tạo điều kiện cho các em hiểu về doanh nghiệp ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, rút ngắn quy trình đào tạo, thử việc tại doanh nghiệp", ông Hoàng nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Xuân Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT TP.HCM, cho biết sẽ phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng tiêu chí đánh giá, tuyển chọn đội ngũ giảng viên có đủ năng lực và trình độ cả về lý luận lẫn thực tiễn để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nghiên cứu những ứng dụng khoa học trong nước và thế giới, nhập khẩu chương trình đào tạo để biên soạn giáo trình trên cơ sở lý luận và thực tiễn tại các dự án của doanh nghiệp.

Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả sẽ thực hiện 4 nhiệm vụ chính: Đào tạo; Nghiên cứu khoa học ứng dụng và chuyển giao công nghệ; Tư vấn và Thực hiện dự án. Trường sẽ xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm của ngành giao thông, làm chủ các thí nghiệm đặc thù mà Việt Nam chưa làm chủ như: Hầm gió, động đất, kết cấu nhịp lớn, cầu treo dây võng, cầu treo dây văng… để đào tạo sát với thực tiễn.

Tư Doãn