Lạng Sơn: Hộ sản xuất tiên phong phát triển kinh tế số

Từ hiệu quả thử nghiệm

Ông Nguyễn Khắc Lịch - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Căn cứ Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030..., theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã đề nghị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) và Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (ViettelPost) thử nghiệm phát triển kinh tế số (phát triển cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử) cho các hộ gia đình tại xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng, thuộc huyện Chi Lăng. Đồng thời, đề nghị UBND huyện Chi Lăng chỉ đạo các đơn vị liên quan trực thuộc và UBND xã Chi Lăng, UBND thị trấn Chi Lăng, phối hợp với các doanh nghiệp để triển khai phát triển kinh tế số, phát triển cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử cho các hộ sản xuất.

Trong vòng 2 tuần (từ 18/6/2021 đến 02/7/2021), VNPost và ViettelPost đã huy động nhân lực đến tận các thôn, bản, khối phố của 2 xã nêu trên thuộc huyện Chi Lăng, để lựa chọn những hộ gia đình có sản lượng nông sản lớn, có sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGap, có sử dụng điện thoại thông minh, để hướng dẫn tạo cửa hàng số, mở tài khoản thanh toán điện tử, cập nhật thông tin về sản phẩm, hàng hóa (hình ảnh, giá bán, chất lượng, nguồn gốc nông sản, quy trình đặt hàng, bán hàng, thanh toán…) lên cửa hàng số tại 2 sàn thương mại điện tử voso.vnpostmart.vn, để quảng bá, kết nối với khách hàng và thực hiện qui trình mua, bán sản phẩm.

Triển khai phát triển kinh tế số tại Lạng Sơn. Ảnh NQ

Tính đến ngày 20/7/2021, trên trang điện tử voso.vn, các hộ sản xuất tại xã Chi Lăng đã phát triển được 395 cửa hàng số (đạt 31,6%), 187 tài khoản thanh toán điện tử (đạt 15%). Một số hộ đã nhận được đơn hàng thông qua cửa hàng số và bán được sản phẩm. Trên sàn postmart.vn, các hộ gia đình ở thị trấn Chi Lăng cũng đã phát triển được 667 cửa hàng số (đạt 43%), 114 tài khoản thanh toán điện tử (đạt 7,3%). Một số hộ của thị trấn Chi Lăng cũng đã nhận được đơn hàng và bán được sản phẩm.

Anh Nông Văn Hưng, ở xã Chi Lăng, cho biết, quả Na Chi Lăng đang bắt đầu vào vụ thu hoạch. Mỗi ngày gia đình anh thu hái được khoảng 30-40 kg. Trước đây, gia đình phải mang Na đi chợ từ rất sớm để bán, nếu đi chợ muộn có thể bán ế, thậm chí bị thương lái ép giá... Nhờ được hỗ trợ tham gia vào sàn thương mại điện tử voso.vn, việc bán Na thông qua không gian mạng trên cửa hàng số cũng thấy thuận lợi hơn, đỡ vất vả hơn, đơn hàng cũng khá nhiều. Chỉ tính riêng trong 2 ngày đầu tham gia cửa hàng số trên voso.vn, gia đình anh Hưng đã nhận được 9 đơn hàng, bán được 70 kg Na với đơn giá 70.000 đồng/kg.

Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn:

Người dân, doanh nghiệp là nhân tố tiên phong, là trung tâm trong phát triển kinh tế số. Tỉnh Lạng Sơn sẽ quyết tâm thực hiện thắng lợi Chương trình phát triển kinh tế số năm 2021, từ đó tạo động lực cho quá trình chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên địa bàn.

Đánh giá sau 2 tuần triển khai thử nghiệm kinh tế số cho các hộ gia đình ở Chi Lăng, ông Nguyễn Khắc Lịch, cho rằng: Việc phát triển cửa hàng số trên không gian mạng, định vị địa chỉ số, xác định nguồn gốc sản phẩm, kết nối người bán với người mua, phát triển tài khoản thanh toán điện tử…, các hộ nông dân ở Chi Lăng đã nâng cao được nhận thức, thấy được lợi ích của chuyển đổi số, thay đổi tư duy, đồng thời đi tiên phong ứng dụng công nghệ số để tiêu thụ nông sản. Một số sản phẩm nông sản như Na, Hồng, Thạch Đen, Hoa Hồi, Quýt... đã được đưa lên cửa hàng số trưng bày, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ. Người dân cũng đã nhận thức tốt hơn cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa trong qui trình sản xuất và tiêu thụ.

Hướng tới lan tỏa toàn diện

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đã khẳng định, một trong ba đột phá chiến lược là “xây dựng hạ tầng kết cấu đồng bộ”, trong đó nhấn mạnh một yếu tố rất mới, đó là “chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Na và một số sản phẩm nông sản, đã được nông dân Chi Lăng bán thông quan cửa hàng số

Tại Lễ ra quân Triển khai phát triển kinh tế số trên địa bàn năm 2021, diễn ra ngày 20/7/2021, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Trong xu thế quan hệ đối ngoại kinh tế chịu nhiều tác động về công nghệ, chậm phát triển kinh tế số sẽ là một trở ngại lớn. Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã xác định, kinh tế số là cơ hội để tỉnh phát triển, tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị. Tỉnh Lạng Sơn đã lựa chọn phương án phát triển kinh tế số là đi từ việc nhỏ nhất, nhưng có tính bao trùm, đại diện, phổ quát nhất, để từ đó có những kinh nghiệm quý, bài học hay, để chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên địa bàn.

Ông Hồ Tiến Thiệu, cho biết, trong tháng 8/2021 tới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu kinh tế số sẽ chiếm khoảng 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực kinh tế đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động tăng tối thiểu 7%/năm; tỷ lệ hộ gia đình, người dân có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử đạt 50%.

Lộ trình phát triển kinh tế số của Lạng Sơn trong năm 2021, đặt ra là, từ ngày 20/7/2021 đến ngày 20/9/2021, triển khai thực hiện tại 5 huyện, gồm Chi Lăng, Hữu Lũng, Tràng Định, Bắc Sơn, Văn Quan, sau đó sẽ triển khai trên địa bàn các huyện còn lại, phấn đấu hoàn thành trong năm 2021.

Ông Hồ Tiến Thiệu yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố nâng cao nhận thức, quyết tâm chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của từng ngành, từng lĩnh vực, từng cán bộ, đảng viên. Bố trí các nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả. Trước mắt, tạo mọi điều kiện để người dân và doanh nghiệp trên địa bàn 5 huyện nêu trên phát triển kinh tế số thuận lợi nhất. Khẩn trương nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ công nghệ số để áp dụng vào thực tiễn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phục vụ hiệu quả cho tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn phát triển kinh tế số của người dân, doanh nghiệp. Động viên, khen thưởng kịp thời các nhân tố mới, tích cực, nhất là những người dân, hộ gia đình có thành tích tiêu biểu trong chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn. Các đơn vị liên quan, tiếp tục bố trí tối đa lực lượng có chuyên môn đến các địa bàn để triển khai phát triển kinh tế số, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ gia đình tạo cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử, hướng dẫn mua và bán sản phẩm thông qua cửa hàng số.

Ngoài ra, ông Hồ Tiến Thiệu cũng kiến nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ tỉnh Lạng Sơn trong quá trình triển khai phát triển kinh tế số. Kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế số ở các địa phương miền núi, biên giới, nhất là các tỉnh có cửa khẩu như của Lạng Sơn. Bố trí các đầu mối hỗ trợ kịp thời cho địa phương trong quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc về kinh tế số.

Ngọc Quỳnh