Lan tỏa thương hiệu 'cam Vinh'

Cam Vinh đang vào chính vụ thu hoạch.

Nâng giá trị thương hiệu

Năm 2020, hơn 5ha cam Xã Đoài lòng vàng, cam Vân Du của gia đình ông Trương Văn Biên, xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành được chuyển đổi sang chăm sóc theo phương pháp hữu cơ. Ông Biên đã mua cá và ngô xay về ủ để làm phân bón cho cây, dùng thuốc sinh học để phòng chống các loại sâu bệnh, cắt cỏ quanh gốc để giảm thực vật giữ ẩm cho đất, những việc làm này giúp cho cây cam tươi tốt, sai quả, nhiều thương lái từ Hà Nội và Sài Gòn đến thu mua.

“Nhờ có cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành hỗ trợ và áp dụng phương pháp thâm canh theo hướng hữu cơ, hướng dẫn kỹ thuật bón phân, chăm sóc cây cam nên vườn cam ngày càng tươi tốt. Có thể thấy rõ sự khác biệt giữa trồng cam truyền thống và trồng cam hữu cơ đó là mẫu mã quả đẹp, vàng bóng, chất lượng ngon, ngọt hơn, năng suất, sản lượng tăng gấp 2 - 3 lần”, ông Trương Văn Biên hồ hởi nói.

Đến nay, 5ha cam của gia đình đang cho thu hoạch, năng suất ước đạt 100 tấn/ha, dự kiến vụ cam năm nay sẽ cho lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng. Ông Biên chia sẻ thêm, ưu điểm của phương pháp hữu cơ là bảo vệ sức khỏe người trồng cam và bảo vệ môi trường, chất lượng cũng như giá trị của sản phẩm được nâng lên. Sản phẩm cam của gia đình đạt chứng nhận VietGAP và sản phẩm OCOP 3 sao, dòng cam Xã Đoài lòng vàng nức tiếng bởi vị ngọt thanh mà không gắt, thơm mà không quá nồng nên tiêu thụ rất tốt.

Theo người trồng cam ở xã Đồng Thành, mặc dù, năm nay các loại sâu, ruồi vàng… xuất hiện nhiều, nhưng với kinh nghiệm trong khâu phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc hợp lý, nên không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm, dự kiến sản lượng cam năm nay cao hơn năm trước.

Phát huy tiềm năng lợi thế của vùng bán sơn địa, cam tập trung nhiều ở xã Đồng Thành, sau đó là các xã Minh Thành, Nam Thành, Tiến Thành… Toàn huyện Yên Thành hiện có hơn 335 ha cam, diện tích cho khai thác gần 290 ha, sản lượng bình quân khoảng 20-25 tấn/ha. Riêng xã Đồng Thành hiện có gần 100 hộ trồng cam với tổng diện tích gần 120 ha, trong đó có 60 ha cam đã cho thu hoạch.

Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thành cho biết, nhiều năm trở lại đây, huyện Yên Thành khuyến khích người dân sản xuất cam theo tiêu chuẩn hữu cơ. Cách làm này giúp nâng cao giá trị sản phẩm lên gấp 3 lần so với sản xuất thông thường, đầu ra cho sản phẩm luôn ổn định. Cùng với đó là bảo vệ môi trường, sức khỏe cho người sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Những mô hình này đang được nhân rộng cho người trồng cam trên địa bàn.

Tại huyện Thanh Chương, nông trại cam hữu cơ Ngọc Hường, xã Thanh Đức có tổng diện tích 5 ha, sản lượng bình quân mỗi năm đạt khoảng 50 tấn, được sản xuất theo phương thức canh tác hữu cơ, hoàn toàn không dùng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm cam hữu cơ của Nông trại cam hữu cơ Ngọc Hường được bán tại vườn với giá 50 – 65.000 đồng/kg.

Ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, huyện đã và đang tập trung đẩy mạnh chỉ đạo sản xuất theo nông nghiệp hữu cơ, an toàn với các sản phẩm được xác định chủ lực: cam, bưởi, chè hữu cơ. Bên cạnh đó, đồng hành với nông dân trong việc kết nối, đưa các sản phẩm ra thị trường, để lan tỏa các sản phẩm hữu cơ Thanh Chương ra các thị trường trong và ngoài nước.

Hướng tới chế biến sâu

Sản phẩm cam Vinh có mặt trên khắp các tỉnh, thành trên cả nước bởi chất lượng thơm ngon đặc trưng.

Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời điểm cao nhất diện tích cam Vinh có gần 5.000 ha, nhưng hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 1.800 ha, tập trung nhiều nơi như: Thanh Chương, Anh Sơn, Yên Thành… Nhiều vườn cam Vinh được chăm sóc tốt, sai quả, có thể cho năng suất đạt trên dưới 25 tấn/ha, chất lượng tốt.

Hiện tại, với vùng nguyên liệu cam đã được xây dựng trên diện rộng, chỉ dẫn địa lý “cam Vinh” cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận từ năm 2007 đến năm 2019 với các giống Xã Đoài, Vân Du, Sông Con, V2, việc xây dựng thương hiệu cũng đã được nhiều nhà vườn, địa phương quan tâm. Các nhà vườn còn tiến hành đăng ký mã số QR cho sản phẩm nhằm thuận tiện cho công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc. Thiết kế Website, Facebook hoạt động hiệu quả để quảng bá thương hiệu cam Vinh một cách rộng rãi.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An cho rằng, để cam Vinh không chỉ dừng lại ở “cây một mùa”, thì các cấp, ngành và các địa phương cũng đã tăng cường các hình thức liên doanh, liên kết, mời gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng các cơ sở chế biến, công nghệ bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức xây dựng, liên kết chặt chẽ các nông hộ, hợp tác xã sản xuất cam với các đơn vị tiêu thụ nhằm ổn định giá cả để người dân yên tâm đầu tư sản xuất; đồng thời, thường xuyên có sản phẩm cung cấp cho thị trường, để thị trường biết và sử dụng được sản phẩm một cách liên tục trong năm mà không bị đứt quãng.

“Thay vì cung cấp cho thị trường quả cam tươi thì có thể chế biến thành nước cam ép, cam sấy, mứt cam, rượu cam… để có thể tiêu thụ cam một cách triệt để khi bước vào chính vụ”, ông Nguyễn Văn Nam cho biết.

Để giữ vững thị trường một cách ổn định, lâu dài thì điều quan trọng là người nông dân trồng cam cần phải chú trọng đến quy trình canh tác, đảm bảo chất lượng quả cam một cách đồng đều.

“Người nông dân cũng phải xây dựng được một chuỗi sản xuất khép kín, phải đổi mới trong việc đóng gói bao bì, giảm thời gian vận chuyển để đến được tay khách hàng nhanh hơn. Cần phải cam kết chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng để khi sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử nhận được sự tin tưởng của khách hàng. Ngoài ra, người dân trồng cam cũng cần phải cam kết lâu dài với các nhà phân phối, các kênh bán hàng, tránh tình trạng phá bỏ hợp đồng, gây ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu chung của quả cam Vinh”, ông Cao Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết.

Mới đây, sản phẩm cam Xã Đoài của Trang trại cam Thiên Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông của ông Trịnh Xuân Giáo đã được vào thực đơn trên các chuyến bay của Vietnam Airlines. Đây là tín hiệu vui khẳng định giá trị thương hiệu “cam Vinh” trong mắt hành khách trong nước cũng như bạn bè quốc tế. Đó còn là “điểm” tạo cầu nối hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương và đồng hành cùng người nông dân đưa đặc sản vùng miền đến với thực khách toàn cầu.

Bài, ảnh: Bích Huệ (TTXVN)