Kinh tế Việt Nam trong khó khăn vẫn có nhiều 'điểm sáng'

PV: Nhìn lại năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức do suy giảm kinh tế thế giới, tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, nền kinh tế nước ta vẫn đạt được nhiều điềm nhấn tích cực, tạo đà cho năm 2024. Ông có bình luận gì về bức tranh kinh tế trong năm qua?

PGS.TS Phạm Thế Anh

PGS.TS Phạm Thế Anh: Tôi đồng thuận với đánh giá nêu trên. Đối với tình hình thế giới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại, xu hướng năm sau thấp hơn năm trước. Năm 2022, tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,5%, thì năm 2023 chỉ ở mức 3%.

Trong khi đó, Quốc hội Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02%.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm.

Tăng trưởng GDP đạt 5,05% là nỗ lực lớn

PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, chính sách tài khóa, miễn giảm thuế, trong đó có việc giảm thuế GTGT đối với hàng thiết yếu trong năm 2023 đã góp phần giúp kinh tế nước ta phục hồi, tăng trưởng cao dần qua các quý. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 đạt 5,05%, thấp hơn mục tiêu 6,5%, nhưng vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới. Với đà này, tăng trưởng của nước ta cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Theo ADB dự báo, năm 2023, Indonesia có mức tăng trưởng GDP là 5,0%, Malaysia: 4,5%, Thái Lan: 3,5%.

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, quy mô GDP của nền kinh tế nước ta tính đến cuối năm 2023 ước đạt khoảng 10,22 triệu tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Riêng trong quý IV/2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý IV các năm giai đoạn 2020 - 2022.

Đạt được kết quả nêu trên, tôi cho rằng có sự tác động từ những nỗ lực mở rộng tài khóa và tiền tệ của Chính phủ gần đây, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chống chọi với những khó khăn, vì vậy nền kinh tế đã có những dầu hiệu phục hồi. Lạm phát cơ bản đã giảm.

PV: Ông có thể phân tích sâu hơn về những thách thức và tín hiệu tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Sự phục hồi của kinh tế trong nước gắn chặt với diễn biến kinh tế thế giới. Hiện nay, nhu cầu tín dụng cho sản xuất thấp cho tới khi xuất khẩu khởi sắc trở lại; kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng, nợ xấu tăng nhanh. Đây là những thách thức đã và sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2024.

Tuy nhiên, theo tôi điểm sáng của nền kinh tế hiện nay là sự tăng trưởng tích cực của lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và sự tăng trưởng trở lại của công nghiệp và xây dựng, sự hồi phục của ngành chế biến chế tạo. Cùng với đó, đầu tư công đang giúp thúc đẩy tăng trưởng của ngành xây dựng. Sản xuất và phân phối điện được cải thiện nhờ thời tiết.

Về xuất nhập khẩu, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 355,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 327,5 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư đạt gần 28 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022; góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. Các thị trường mà Việt Nam có mức xuất siêu cao nhất gồm Hoa Kỳ và EU, trong khi Trung Quốc là nơi nhập siêu cao nhất.

Xuất khẩu gạo là một trong những điểm sáng về xuất khẩu năm 2023. Ảnh: TL

Mặc dù lạm phát cơ bản đã giảm, nhưng tốc độ giảm chậm, cần chú ý lạm phát tổng thể có dấu hiệu tăng trở lại do giá nhiên liệu, giá điện, giá nước, giá lương thực tăng, tỷ giá tăng và do bị ảnh hưởng bởi các xung đột chính trị.

Do đó, xu hướng chính sách sắp tới là tiếp tục nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng, nhưng phải cẩn trọng hơn với lạm phát. Theo đó, ân hàng Nhà nước sẽ duy trì nền lãi suất thấp, điều tiết ổn định tỷ giá khi cần, trong khi chính sách tài khóa có thể được tận dụng để hỗ trợ kinh tế hồi phục.

PV: Dự báo năm 2024 kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng khoảng 2,9%, nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu áp lực này. Ở góc độ chuyên gia kinh tế, ông có đề xuất gì về giải pháp tài khóa, tiền tệ có thể áp dụng trong năm 2024, góp phần duy trì và lấy lại đà tăng trưởng kinh tế?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn trên con đường hồi phục do nhiều yếu tố bất lợi về địa chính trị, lạm phát, lãi suất và rủi ro tài chính cao hơn. Những yếu tố này cũng ảnh hưởng tới sự tăng trưởng kinh tế trong nước, bất chấp những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu đem lại.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới dự báo còn nhiều khó khăn, Chính phủ nên xem xét áp dụng một số biện pháp tài khóa, mà cụ thể là thay đổi chính sách thuế để cải thiện chất lượng tăng trưởng.

Trong đó, đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số sản phẩm như rượu, bia, thuốc lá được kỳ vọng sẽ góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, đồng thời thể hiện cam kết của Chính phủ đối với mục tiêu phát triển bền vững và an sinh xã hội.

Năm 2024, cần chú ý đến các yếu tố gia tăng lạm phát và chính sách tiền tệ

PGS.TS Phạm Thế Anh cho biết, đối với vấn đề lạm phát, mặc dù lạm phát cơ bản trong năm 2023 đã giảm, nhưng tốc độ giảm chậm. Điểm chúng ta cần chú ý là lạm phát tổng thể có dấu hiệu tăng trở lại do giá nhiên liệu, giá điện/nước tăng, giá lương thực tăng, tỷ giá tăng và do bị ảnh hưởng bởi các xung đột chính trị.

Giá cả những nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu tăng chậm, thể hiện nhu cầu tiêu dùng yếu. Dự báo, lạm phát khó có thể tăng mạnh trong điều kiện tổng cầu thấp (thu nhập và tài sản sụt giảm), tín dụng tăng chậm.

Do đó, xu hướng chính sách năm 2024 là tiếp tục nới lỏng, hỗ trợ tăng trưởng, nhưng phải cẩn trọng hơn với lạm phát. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì nền lãi suất thấp, điều tiết ổn định tỷ giá khi cần, trong khi chính sách tài khóa có thể được tận dụng để hỗ trợ kinh tế hồi phục. Trong dài hạn, nền kinh tế tiếp tục phụ thuộc vào kênh tín dụng, do thị trường trái phiếu mất nhiều thời gian để hồi phục. Trong khi đó, lãi suất huy động đang ở vùng đáy, khó giảm thêm.

Song Linh