Kinh doanh online: Mảnh đất màu mỡ nhưng cũng nhiều khó khăn

Kinh doanh online: Mảnh đất màu mỡ nhưng cũng nhiều khó khăn. Ảnh: NVCC

Nguồn thu nhập hấp dẫn

Tham gia TikTok từ 2022 bằng các video chia sẻ cuộc sống hàng ngày, câu chuyện của chị Nguyễn Thị Kim Thúy (32 tuổi, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) có thêm nguồn thu nhập từ nền tảng này thông qua việc giới thiệu và gắn link sản phẩm từ các nhãn hàng.

Sau 1 năm kinh nghiệm, nhận thấy nhiều tiềm năng trong việc kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến, cùng với mong muốn bước ra khỏi vùng an toàn, chị quyết định "bỏ phố về quê" để thử sức, khởi nghiệp trên nền tảng Tiktok shop với mong muốn mang hương vị quê hương - Long nhãn, vươn xa khỏi "lũy tre làng". "Nhu cầu thị trường bây giờ là mọi người thích mua sắm online hơn vì ai cũng bận rộn công việc. Hơn nữa, để tạo niềm tin cho khách hàng và tìm được nguồn nguyên liệu chất lượng, tôi quyết định tập trung hoàn toàn vào việc kinh doanh trên nền tảng này", chị nói.

Quyết định bỏ công việc với thu nhập tốt tại thành phố để về quê khởi nghiệp, sau 1 năm hoạt động, đến nay kênh TikTok "Chuyện Nhà Hoán Thúy" với 115 nghìn người theo dõi, và 1,7 triệu lượt thích.

Chị Thúy tư vấn sản phẩm Long nhãn trong một buổi livestream tại nền tảng TikTok (Ảnh: NVCC)

Chị cho biết, kinh doanh trên nền tảng trực tuyến, ngoài việc tiết kiệm được chi phí thuê mặt bằng, các sàn thương mại còn thường xuyên có nhiều mã giảm giá, ưu đãi cho khách hàng, giúp sản phẩm có mức giá hợp lý, hấp dẫn; các chương trình theo chiến dịch: Thúc đẩy các sản phẩm nông sản OCOP,… từ đó, công việc kinh doanh trực tuyến cũng thuận lợi hơn; doanh thu bán hàng được cải thiện, tăng trưởng tích cực.

Nhấn mạnh thêm, chị cho biết, quan trọng nhất trong kinh doanh là "làm từ tâm", phải đặt cái tâm vào sản phẩm thì chất lượng sản phẩm mới tốt được, và phải đặt cái tâm vào chính khách hàng thì mới lấy được niềm tin của khách hàng thông qua việc tư vấn, hiểu tâm lý khách hàng để tư vấn chân thực từ hương vị đến giá cả sản phẩm.

Cũng như chị Thúy, chị Ngô Thùy Linh (23 tuổi, Q.Hoàng Mai, Hà Nội), là một nhân viên văn phòng, xuất phát từ niềm yêu thích, chị quyết định khởi nghiệp với "nghề tay trái" kinh doanh thời trang tự thiết kế tại các trang mạng xã hội.

Bắt đầu kinh doanh từ cuối năm 2022, sau một thời gian bán hàng qua Facebook và Instagram, chị quyết định gia nhập các sàn thương mại điện tử: và TikTok shop. Nhờ vào đó, công việc kinh doanh của chị được thuận lợi hơn: "Tham gia các sàn thương mại điện tử, đơn hàng tăng mạnh, chủ yếu là vì khách hàng có thể tự tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm; nhiều mã giảm giá. Nhờ vào đó mà doanh thu tăng từ gấp 2 đến 3 lần so với trước. Ngoài ra, còn giúp tăng tính nhận diện thương hiệu thời trang của tôi".

Do vậy, theo chị Linh, quan trọng nhất trong kinh doanh online là nhận thức rõ thị trường cần gì, vị trí của mình ở đâu, và cần tạo ra khác biệt. Đi kèm với đó là chất lượng sản phẩm, thái độ bán hàng luôn là những tiêu chí hàng đầu.

"Mảnh đất màu mỡ" nhưng cũng đầy khó khăn

"Kinh doanh, livestream bán hàng trực tuyến đang là một trong những ngành nghề "hot", do vậy, tính cạnh tranh và mức độ bão hòa của ngành kinh doanh trực tuyến cũng đang ngày càng tăng", chị Linh chia sẻ.

Kinh doanh online, livestreams bán hàng ngày càng phổ biến, tính cạnh tranh và bão hòa trong thị trường gia tăng (Ảnh: NVCC)

Chị cho rằng, bản thân mặt hàng thời trang cũng đã có sự bão hòa, cùng với trào lưu "livestream bán hàng" ngày càng phổ biến, việc giữ chân khách hàng ở lại gặp nhiều khó khăn hơn.

"Bán hàng trực tuyến trên các nền tảng này mang lại nhiều lợi ích về giá cả, người mua thì mua được giá rẻ hơn, người bán thì bán được nhiều hơn. Nhưng cũng vì vậy mà khi mã giảm giá không đủ "sâu", hết mã thì khách hàng cũng không mua nữa, thậm chí nhiều khách hàng bày tỏ khó chịu khi mua hàng. Điều này đôi lúc cũng là một rào cản trong kinh doanh trực tuyến", chị Linh cho biết.

Đồng quan điểm, chị Thúy cũng chia sẻ, khi kinh doanh tại các nền tảng này bên cạnh các mã giảm giá có sẵn, đôi lúc, bản thân người bán cũng phải tự "trợ giá" sản phẩm, để có mức giá cạnh tranh, hấp dẫn nhất.

"Đây vừa là lợi thế, vừa là một hạn chế trong việc kinh doanh trực tuyến, bởi tâm lý bình thường của các khách hàng khi mua sắm online đó là vì có nhiều mã giảm giá. Nhiều phiên live mà doanh thu không đạt được như mong muốn, đôi lúc phải chấp nhận hòa vốn hoặc thậm chí chịu lỗ để sản phẩm có mức giá hấp dẫn, giữ chân khách hàng", chị Thúy nói.

Bên cạnh đó, chị Thúy cho rằng, một trong những điều khó nhất khi bán hàng online, đó là niềm tin của khách hàng. Bởi vốn dĩ mua qua online, khách hàng sẽ luôn có sự nghi ngờ về chất lượng khi không thể mắt thấy tai nghe, sờ nắm sản phẩm được, nên người bán phải thực sự thấu hiểu và tư vấn chân thực với khách hàng.

Minh Anh