Kiên Giang: Tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế

Trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 7,24% trở lên, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.485 USD, thu ngân sách giai đoạn: 2021-2025 đạt 73.645 tỷ đồng; huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn: 2021-2025 khoảng 267.128 tỷ đồng.

Phát triển kinh tế bền vững, có chiều sâu.

Lực lượng quân đội góp phần xây dựng nông thôn mới

Nghị Quyết Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Kiên Giang khóa IX, kỳ họp thứ 26 xác định phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, tái cơ cấu nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi đáp ứng yêu cầu sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh phù hợp với lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường; cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phù hợp giữa khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Phát triển bền vững các vùng sản xuất nông thủy sản tập trung theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn hóa hệ thống nuôi trồng gắn với truy xuất nguồn gốc, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng với đó là phát triển ổn định công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông thủy sản, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí đóng, sửa chữa tàu, chế biến thực phẩm, vật liệu mới, công nghiệp sử dụng nhiều lao động, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường. Hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư các khu, cụm công nghiệp ở Châu Thành, Hà Tiên, An Biên, Gò Quao, Phú Quốc và Rạch Giá.

Chú trọng, nâng cấp, mở rộng, xây mới hệ thống hoạt động thương mại, đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu, hoàn thiện kết cấu hạ tầng của Khu kinh tế cửa khẩu theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới; phát triển toàn diện du lịch về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ đảm bảo tính bền vững với việc tăng cường liên kết du lịch với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, cả nước và quốc tế.

Tự phê bình và phê bình góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Tránh lãng phí tài nguyên

Tỉnh sẽ tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội - phát triển đô thị. Huy động tối đa nguồn vốn ngân sách cho đầu tư phát triển theo Luật Đầu tư công và có cơ chế chính sách hỗ trợ để khuyến khích, thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào các công trình thiết yếu. Quản lý chặt chẽ việc phê duyệt dự án, tránh đầu tư tràn lan, không hiệu quả, tránh hiện tượng “quy hoạch treo”, "dự án treo" gây lãng phí tài nguyên...

Đẩy mạnh thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu. Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, du lịch, cảng biển, khu cụm công nghiệp, điện nước, thủy lợi... tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thành chương trình phát triển đô thị cho từng huyện, thành phố làm cơ sở pháp lý cho các dự án đầu tư khu đô thị mới, đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng và tiến độ. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các cơ chế phối hợp, chính sách phát triển vùng kinh tế trọng điểm với việc phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của từng vùng kinh tế; nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long để cùng phát triển, ưu tiên hợp tác những lĩnh vực có yêu cầu trình độ và công nghệ cao.

Xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch bảo đảm tính đồng bộ; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn nước, ngăn ngừa, hạn chế tối đa rác thải nhựa; kiểm soát ô nhiễm môi trường và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm. Chủ động hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, đảm bảo an ninh sinh thái, môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu,... để giảm thiểu các tác động bất lợi từ quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đối với tài nguyên của tỉnh.

Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn đào tạo, giải quyết việc làm; có chính sách thu hút, sử dụng, bồi dưỡng nhân tài, khuyến khích tài năng. Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nghiên cứu khoa học và công nghệ lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo. Huy động tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư ứng dụng, cải tiến công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi việc tạo lập và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của địa phương là nhiệm vụ quan trọng của ngành khoa học công nghệ của tỉnh.

Có thể nói việc huy động tối đa mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh của tỉnh, nhất là kinh tế biển, du lịch và công nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế để đáp ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trương Anh Sáng