Kiên Giang: Hòn Đất phát triển kinh tế đi đôi với nâng cao đời sống người dân

Trong năm 2021, phát triển kinh tế - xã hội với tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 74.846 tấn, trong đó sản lượng tôm nuôi 4.990 tấn. Thu ngân sách Nhà nước 91,5 tỷ đồng. Chi ngân sách địa phương 607,01 tỷ đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 1.441 tỷ đồng (tăng 3,37%).

Tái cơ cấu nông nghiệp

Huyện sẽ phát triển từng vùng sản xuất gắn với những cây trồng, vật nuôi là thế mạnh, có giá trị kinh tế cao, đồng thời lựa chọn sản phẩm đặc trưng gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, trong đó cây lúa là thế mạnh phát triển sản xuất với diện tích 155.012 ha. Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng mô hình mới, giống cây mới, nuôi loài mới để tạo khâu đột phá trong phát triển ngành nông nghiệp, mô hình nuôi bò, tôm – lúa, mô hình kinh tế vườn, kinh tế ven biển, dưới tán rừng gắn với du lịch, trồng cây dược liệu, điện năng lượng mặt trời gắn với Nông nghiệp,...

Đồng thời tăng cường kết nối sản xuất công nghiệp chế biến với nông nghiệp đối với các sản phẩm có lợi thế, khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ rộng góp phần thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa mới. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ theo hướng tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm năng lượng và phát triển các lĩnh vực công nghiệp có lợi thế. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 12,32%, đạt 1.154 tỷ đồng, giá trị sản xuất xây dựng đạt 972 tỷ đồng, tăng 7,4%.

Một số chỉ tiêu đáng chú ý trong sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 3,28%. Thu nhập bình quân đầu người 57 triệu đồng/người/năm. Doanh thu trên một đơn vị diện tích 98 triệu đồng/ha/năm. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm xã hội 9,5%, trong đó, bắt buộc 6,5%; tự nguyện 3%. Số người được giải quyết việc làm 3.500 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 55,72% (tăng 2,63%), trong đó lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ 36,5%, …

Áp dụng khoa học kỹ thuật, quản lý dịch hại, nguồn nước, cập nhật thông tin giá cả thị trường để phát triển sản xuất hợp lý, hiệu quả theo nhu cầu của thị trường. Rà soát, củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng hợp tác xã, mở rộng quy mô, diện tích hợp tác đối với các hợp tác xã hoạt động hiệu quả, giải thể những hợp tác xã yếu kém, hoạt động không hiệu quả.

Thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn, xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển và nội đồng, nhất là các hành vi cào bờ, xiệp mé, dùng xung điện... để khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản. Quản lý tốt Nhà nước về đất đai, xây dựng và bảo vệ môi trường gắn với kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi bao chiếm, lấn chiếm đất đai, khai thác khoáng sản, khai thác đất bờ kênh, lòng sông và xây dựng trái phép; các hoạt động chăn nuôi, khai thác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân.

Phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí đối với xã Mỹ Hiệp Sơn và duy trì, nâng cao chất lượng đối với các xã đã đạt chuẩn, tiến tới xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và hoàn thành huyện nông thôn mới vào năm 2025. Đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo điện năng lượng mặt trời áp mái và dự án điện mặt trời có tính chất kết hợp. Đến cuối năm 2021 tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,04%.

Phối hợp đơn vị tư vấn lập phương án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo có tầm nhìn dài hạn để phát huy được hết tiềm năng lợi thế của huyện và đồng bộ, tích hợp với quy hoạch của tỉnh. Tập trung chỉnh trang 02 thị trấn và từng bước xây dựng quy hoạch chi tiết Trung tâm các xã để tạo hành lang pháp lý mời gọi đầu tư các dự án phát triển đô thị, khu nhà ở, khu du lịch, nghỉ dưỡng.

Phát triển ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm giảm bớt chi phí đầu vào góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và ứng phó linh hoạt với tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu; quan tâm kêu gọi đầu tư xã hội hóa xây dựng các chợ nông thôn nhằm khắc phục tình trạng mua bán dọc Quốc lộ 80 gây lấn, chiếm hành lang an toàn giao thông.

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại; nâng cao hoạt động dự báo, phổ biến kịp thời thông tin thị trường; quan tâm mở rộng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Mở rộng giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các huyện, tỉnh, thành phố trên toàn quốc, chống thất thu, gian lận thương mại, trốn thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ, không bỏ sót nguồn thu đảm bảo tăng thu ngân sách Nhà nước đáp ứng các nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Huy động nguồn lực để đầu tư phát triển

Huyện sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Thực hiện các chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo các dự án trọng tâm, trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế phát triển để tích hợp vào quy hoạch của huyện và của tỉnh. Phối hợp các sở ngành cấp tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình năm 2021. Tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa, lễ hội; nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa - trụ sở văn hóa ấp giai đoạn 2021- 2025; tôn tạo, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh; đẩy mạnh các chính sách, đề án giảm nghèo theo hướng bền vững; tăng cường khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng với sự tham gia của người nghèo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, các chính sách đối với đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; quan tâm chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ; làm tốt công tác bình đẳng giới, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo và cơ quan dân cử; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng. Giải quyết có hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai, hạn chế đơn thư, vụ việc tồn đọng kéo dài; sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với trình độ chuyên môn, đúng theo đề án vị trí việc làm và tinh giản biên chế.

Trương Anh Sáng