Kịch bản nào cho tỷ giá những tháng cuối năm và năm 2024

Điểm tựa ổn định tỷ giá

Chia sẻ tại hội thảo về triển vọng kinh doanh với tiêu đề "Con đường phía trước", ngày 10/10, ông Frederic Neumann, giám đốc khối nghiên cứu kinh tế châu Á của ngân hàng HSBC nhận định, không cần phải quá lo lắng về diễn biến tỷ giá trong năm nay và năm sau.

Phân tích về biến động tỷ giá thời gian qua, vị chuyên gia HSBC nhận định, nguyên nhân xuất phát từ sự mạnh lên của đồng USD. Sức mạnh của đồng USD được thúc đẩy bởi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng cao. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao mới trong 16 năm vào thứ hai là 4,682%.

Đồng USD mạnh sẽ là tác động tiêu cực đối với các thị trường mới nổi và cũng sẽ là tác động tiêu cực đối với thương mại toàn cầu. Theo đó, việc đồng tiền hạ giá không phải chỉ của riêng tiền đồng Việt Nam mà đó còn là câu chuyện của đồng Nhân dân tệ Trung Quốc hay đồng Yên Nhật bản hay đồng Peso Philippines.

Dẫu vậy, HSBC không tin tiền đồng chịu nhiều áp lực suy giảm. HSBC dự báo tỷ giá tiền đồng Việt Nam ở thời điểm cuối năm sau ở mức khoảng 24.400 VND/USD và cuối năm nay ở mức 24.200 VND/USD.

Dẫn chứng cho lập luận trên, theo chuyên gia HSBC, nếu nhìn vào cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, cán cân thương mại đã cải thiện tích cực trong khoảng 3, 4 tháng trở lại đây, xuất khẩu tăng trưởng mạnh trở lại còn nhập khẩu giảm.

Chưa kể, lượng khách quốc tế đến Việt Nam du lịch ngày càng đông, mang nguồn ngoại tệ vào Việt Nam. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt 111% kế hoạch đặt ra với gần 8,9 triệu lượt khách.

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn vào mạnh. Tất cả những yếu tố này sẽ giúp ổn định tỷ giá, do đó không cần phải lo lắng về diễn biến tỷ giá.

Ông Frederic Neumann

HSBC cũng dự báo lạm phát năm 2023 sẽ trung bình ở mức 3,4%. Với năm 2024, HSBC dự báo lạm phát ở mức khoảng 3,3%, không quá xa so với ngưỡng 4% theo mục tiêu của NHNN. Theo đó, NHNN có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào kích thích tăng trưởng chứ không quá chú trọng kiềm chế lạm phát.

"Tuy nhiên rủi ro lớn ở đây chính là diễn biến giá dầu. Nếu giá dầu tăng quá cao, đó thực sự sẽ là bài toán khó của cơ quan điều hành", chuyên gia HSBC cảnh báo.

Áp lực có thể xuất hiện

Trong khi đó, nêu quan điểm có phần ngược lại, chia sẻ tại tọa đàm với chủ đề "Tâm điểm vĩ mô & thị trường chứng khoán quý 4/2023" ngày 10/10, ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup cho rằng, trong những diễn biến mới đây, tỷ giá bắt đầu biến động. Áp lực của tỷ giá vào cuối năm nay và năm sau sẽ lớn hơn giai đoạn 2023 bởi gần như bối cảnh đã có sự thay đổi.

Ông Trần Ngọc Báu nhận định, khi xuất khẩu gặp khó, xu hướng sẽ giảm nhập khẩu và sử dụng hàng tồn kho trong nước để sản xuất. Nhưng khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu sản xuất trở lại nhập khẩu cũng sẽ phục hồi, khi đó thặng dư thương mại không còn tốt như bây giờ. Sợi dây lớn nhất để giữ tỷ giá ổn định cũng không còn chắc chắn như trước. Tỷ giá cũng có thể là vấn đề khiến NHNN phải cân nhắc trong quá trình duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Nhìn ra thế giới, lạm phát của Mỹ bắt đầu quay trở lại, tiệm cận 4%, cùng với sức khỏe nền kinh tế Mỹ thì nhiều khả năng Fed tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, giữ nền lãi suất ở mức cao. Đến giữa tháng 6/2024, nhiều khả năng mới đảo chiều. Như vậy chênh lệch lãi suất của Việt Nam và Mỹ vẫn tương đối lớn, tạo áp lực của tỷ giá vào cuối năm nay và năm sau.

Ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup - Ảnh: BTC

Lạm phát sẽ lại là vấn đề cần được quan tâm đầu năm 2024

Theo ông Trần Ngọc Báu, lạm phát sẽ lại là vấn đề cần được quan tâm đầu năm 2024. Với quán tính lạm phát tăng như tốc độ hiện tại, lạm phát cuối năm dự báo ở mức 3,46% đạt mục tiêu của Chính phủ. Nhưng sang năm 2024, vào những tháng đầu năm, với cách tính của Việt Nam lạm phát có thể vọt lên 4,6%, 4,7% vượt xa con số trung bình các năm trước.

Từ những bối cảnh trên, CEO WiGroup cho rằng Chính phủ phải linh hoạt giữa hỗ trợ kinh tế trên thị trường 1 (thị trường giữa ngân hàng và người dân, doanh nghiệp), nhưng đồng thời không thể duy trì thanh khoản lớn như trước trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng).

Chuyên gia kỳ vọng NHNN sẽ lựa chọn cân bằng chính sách, trong đó lãi suất huy động, lãi suất cho vay được duy trì ở mức đủ tốt, tương tự như trước giai đoạn tăng lãi suất.

Kiều Chinh