Khởi hành du xuân vào ban đêm, lái xe cần chú ý gì?

Để du xuân, nhiều người lựa chọn di chuyển bằng ô tô vào sáng sớm, tối muộn hoặc ban đêm để tiết kiệm thời gian cũng như tránh đông đúc.

Theo nhiều "tài già" giàu kinh nghiệm, việc lái xe vào ban đêm có nhiều nguy cơ gặp tai nạn nghiêm trọng hơn so với ban ngày do ánh sáng yếu, tầm nhìn hạn chế và trạng thái mệt mỏi, buồn ngủ.

Ngoài việc tập trung vào đường, một số mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn có hành trình ban đêm an toàn hơn, phản xạ nhanh hơn với các tình huống bất ngờ.

1. Đảm bảo đèn pha đủ sáng

Đèn là bộ phận quan trọng nhất khi bạn phải lái xe ban đêm.

Với những chiếc xe cũ, ánh sáng của đèn pha vào ban đêm thực sự là nỗi thất vọng với nhiều tài xế. Ánh sáng yếu khiến tầm nhìn không tốt, ảnh hưởng đến an toàn không chỉ của tài xế.

Nếu thường xuyên phải lái xe vào ban đêm tại các cung đường thiếu ánh sáng và đèo dốc, bạn nên tự nâng cấp hệ thống đèn bằng cách thay loại bóng khác sáng hơn, lắp đèn sương mù (đèn gầm) để tăng độ sáng.

Ngoài ra, cần chú ý kiểm tra các loại đèn phanh, đèn xi-nhan và đảm bảo chúng đang hoạt động tốt.

2. Không dán kính xe quá đen

Dán kính xe quá đen khiến tầm quan sát bị hạn chế đáng kể khi trời tối.

Tại Việt Nam, nhiều lái xe có xu hướng dán phim cách nhiệt tối màu lên các cửa kính để chống nóng và chống chói sáng. Thế nhưng những cánh cửa kính quá đen sẽ khiến tầm quan sát bị hạn chế đáng kể vào ban đêm.

Do vậy, nếu thường xuyên phải di chuyển ban đêm, bạn nên cân nhắc màu phim để vừa tối ưu khả năng chống chói sáng vào ban ngày vừa có tầm nhìn tốt vào ban đêm.

3. Vệ sinh kính, đèn

Khi di chuyển vào ban đêm, các bộ phận như kính trước, kính sau nếu bẩn sẽ gây cản trở tầm nhìn. Đặc biệt, việc có đèn chiếu vào sẽ khiến những vết bẩn lóe lên cùng với ánh sáng, rất khó chịu. Do vậy, trước mỗi chuyến đi đêm, lái xe nên làm sạch kính trước, kính sau, cửa kính và cả đèn pha, đèn hậu, đèn tín hiệu.

Vệ sinh kính và đèn là việc rất quan trọng để lái xe có tầm nhìn tốt khi đi ban đêm

Việc vệ sinh các bộ phận này khá đơn giản, chỉ cần lấy khăn vải sợi nhỏ, sạch để lau kính chắn gió và cửa sổ. Tránh chạm tay trần vào bề mặt bên trong của kính chắn gió bởi dầu từ da tay sẽ dính vào kính, khiến kính bị nhòe, chói khi có ánh sáng chiếu vào.

4. Giảm độ sáng của bảng điều khiển

Nếu xe của bạn có công tắc điều chỉnh độ sáng bảng điều khiển, hãy sử dụng nó. Đèn trên bảng điều khiển có thể tạo ra ánh sáng nhiều quá mức cần thiết, gây mất tập trung, mỏi mắt và làm giảm tầm nhìn của lái xe.

Các đèn chiếu sáng nội thất khác như đèn trần, đèn từ màn hình giải trí… cũng có thể khiến người lái mất tập trung, tốt nhất nên tắt trong khi lái xe vào ban đêm.

Nên bật tắt, điều chỉnh đèn pha và độ sáng bảng điều khiển một cách phù hợp.

5. Sử dụng đèn pha hợp lý

Khi lái xe ở đường ngoài đô thị, đặc biệt là đường đèo dốc, bạn nên bật đèn pha ở chế độ chiếu xa. Điều này không chỉ làm tăng tầm quan sát mà còn giúp báo hiệu cho các phương tiện khác biết có xe đang di chuyển.

Tuy vậy, bạn hãy nhớ chuyển sang chế độ chiếu sáng thấp (cos) khi gặp xe đi ngược chiều hoặc bám đuôi một chiếc xe nào đó để không làm chói mắt các phương tiện khác.

Việc quên bật đèn pha dễ xảy ra, nhất là khi lái xe trong thành phố. Hãy luôn luôn đảm bảo rằng đèn pha của bạn đã bật trước khi tham gia giao thông, ngay cả lúc bình minh hoặc hoàng hôn.

6. Điều chỉnh gương

Khi lái xe ban đêm, bạn rất hay gặp tình huống những chiếc xe phía sau bật đèn pha khá vô ý. Ánh sáng mạnh này phản chiếu qua gương chiếu hậu và hắt thẳng vào mắt khiến bạn bị chói, có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe.

Nhiều gương chiếu hậu trên các xe đời mới có chế độ chống chói.

Với các xe đời mới, gương chiếu hậu bên trong thường có chế độ chống chói hoặc tự động giảm độ sáng. Do vậy, đừng quên bật chức năng này khi lái xe vào ban đêm, tránh để các xe phía sau rọi đèn vào mắt bạn.

Ngoài ra, với gương chiếu hậu hai bên, bạn nên hạ xuống một chút để nhìn thấy các xe đằng sau mà không bị chói thẳng vào mặt.

7. Giảm tốc độ và tăng khoảng cách giữa các xe

Hãy giảm tốc độ xe của bạn và giữ khoảng cách với xe phía trước xa hơn một chút khi trời tối, giúp bạn có đủ thời gian để xử lý các tình huống khẩn cấp như xe trước phanh gấp, gặp chướng ngại vật hay vô tình “đối đầu” với các con vật trên đường.

Mẹo được nhiều lái xe có kinh nghiệm ưa chuộng để giữ khoảng cách an toàn, tránh va chạm là sử dụng quy tắc "3 giây". Theo nhiều chuyên gia, 3 giây chính là khoảng thời gian cần và đủ để người điều khiển phương tiện dừng xe an toàn sau khi đạp phanh, dù là phanh gấp.

Khoảng thời gian này là kết quả của quá trình nghiên cứu dựa trên các tính toán tổng hợp về tốc độ phản xạ của người lái, quán tính của xe sau khi phanh để xe có thể dừng lại hoàn toàn mà không va chạm với xe phía trước hoặc xe xung quanh.

Ví dụ, một phương tiện đang di chuyển với tốc độ 60km/h, tức là mỗi giây đi được 16,67 m. Trong 3 giây, chiếc xe đó di chuyển được 50 m. Đây là khoảng cách đủ an toàn để tài xế kịp xử lý, phanh và tránh va chạm.

8. Đi bám theo vạch sơn đường

Khi di chuyển vào ban đêm, cần đi đúng làn và bám theo vạch kẻ đường để đảm bảo an toàn.

Theo các “tài già”, cách dễ dàng nhất khi lái xe tại các cung đường đèo núi, có sương mù hoặc tầm nhìn hạn chế là đi đúng theo vạch sơn kẻ đường.

Hoặc nếu được, hãy bám theo một xe đi trước, lái xe theo vệt lốp của chiếc xe đó. Tuy vậy, hãy chú ý khoảng cách an toàn giữa các xe và không nên lấn làn, gây nguy hiểm cho mình và các phương tiện khác.

9. Uống rượu bia, không lái xe

Rượu bia và một số loại thuốc có thể làm giảm nghiêm trọng khả năng lái xe, nhất là vào ban đêm. Rượu cũng hoạt động như một chất gây trầm cảm, vì vậy chỉ cần một ly là có thể gây mệt mỏi, buồn ngủ, giảm khả năng lái xe.

Không những vậy, tài xế có thể bị cảnh sát giao thông phạt nặng khi hơi thở có nồng độ cồn. Do vậy, hãy từ chối sử dụng rượu bia trước khi lái xe, dù chỉ là một chút.

Từ chối uống rượu bia trước khi lái xe để đảm bảo an toàn, tránh bị phạt nặng.

10. Không lái khi mệt, buồn ngủ

Các chuyên gia cho biết lái xe khi buồn ngủ là nguyên nhân chính trong hơn 20% trường hợp chết trên đường. Hầu hết các tai nạn liên quan đến mệt mỏi, buồn ngủ xảy ra vào ban đêm.

Mọi người thường cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ khi ngồi sau tay lái nhiều giờ. Do vậy, các chuyên gia khuyên bạn nên ngủ đủ giấc trước khi thực hiện hành trình dài vào ban đêm; nghỉ giải lao thường xuyên và không nên lái xe liên tục quá 4 giờ.

Đồng thời, nên trò chuyện trong quá trình lái xe để quên đi cơn buồn ngủ. Nếu phải lái xe một mình, bạn có thể bật những bản nhạc yêu thích nhưng tránh bật nhạc quá “đều đều”, có thể khiến cơn buồn ngủ đến nhanh hơn.

Nếu quá buồn ngủ, đừng cố cầm lái mà hãy tìm một nơi an toàn để đỗ xe và chợp mắt khoảng 15 phút, sau đó rửa mặt bằng nước lạnh cho tỉnh táo trước khi tiếp tục hành trình.

Một lưu ý quan trọng nữa là khi đỗ xe để nghỉ vào ban đêm, bạn cần chọn một nơi thực sự an toàn, không khuất tầm nhìn hoặc làm ảnh hưởng đến các phương tiện khác. Nếu có thể, hãy bật đèn cảnh báo và thực hiện phanh tay, chèn bánh cẩn thận.

(Nguồn: Vietnamnet)