Khi học sinh sưu tầm văn học dân gian

Giáo viên xem các sản phẩm triển lãm.

Chương trình Tổng kết dạy học theo Dự án tích hợp chuyên đề và trải nghiệm sáng tạo do Trường THPT Lê Thánh Tôn, Q.7 (TPHCM) tổ chức mới đây thực sự là cuốn phim quay chậm lại những hoạt động trải nghiệm sáng tạo của thầy và trò trong thời gian điền dã.

Sản phẩm từ bàn tay lao động

Trước khi vào chương trình, “mặt tiền” của buổi báo cáo được nhiều người tập trung chú ý vì có nhiều sản phẩm vật thể được trưng bày khéo léo cạnh những lọ hoa tươi rực rỡ.

Tuy bìa “nhật ký” điền dã “Gìn vàng giữ ngọc” các nhóm “mặc đồng phục” giống nhau nhưng nội dung và cách trình bày “mỗi người một vẻ” để theo đuổi các đề tài truyền thống trong văn học dân gian như: Đạo vợ chồng, tình anh em, nghĩa đồng bào, đạo làm con... Đây chính là những cảm nhận mà học sinh thu hoạch được trong quá trình học tập về chương trình truyện cổ, ca dao tục ngữ, sân khấu dân gian ở khối 10.

Chuyến đi điền dã sưu tầm về huyện Nhà Bè, Cần Giờ đã trở thành lăng kính cảm xúc để mỗi “nghệ nhân dân gian” tuổi học trò có thêm đánh giá thực tiễn hơn đối với việc sưu tầm và giữ gìn vốn văn chương cổ của nước nhà. Dù mỗi góc nhìn khác nhau nhưng “mẫu số chung” của từng bài viết chính là những trăn trở trước các mối quan hệ gia đình và sau đó mở rộng ra trong xã hội, cộng đồng.

Được nuôi dưỡng bằng những tác phẩm văn học từ khi biết chữ, các em đầu cấp THPT đã biết xao động trước tình nghĩa anh em, cha mẹ, đồng bào. Đây chính là sợi chỉ đỏ xuyên dọc mỗi bài thu hoạch để từng lời văn, câu chữ của các em được ngân lên trong sáng. Như hai đợt sóng trào bật lên từ trái tim, lòng yêu thương và sự căm giận trong văn chương và cuộc sống đã cho các em chiếc la bàn tư tưởng đúng hướng khi đánh giá trọn vẹn về từng tác phẩm phôn – clo.

Ngắm nhìn từng bản thu hoạch mới vẻ đẹp ngôn từ càng được tôn thêm khi có những bức hình minh họa và cách trang trí trong mỗi bài thu hoạch. Các em vẽ gì mình thích vào trong cuốn “nhật ký” điền dã nhưng tất cả đều toát lên nét hào sảng hiện đại pha lẫn nét trầm tư. Dù chỉ là một cánh diều hay lũy tre làng, nhưng nét cọ vụng về của các em cũng đã toát lên cả hồn dân tộc trong đó.

Tranh vẽ của các nhóm đợt này chỉ đếm đủ trên đầu ngón tay nhưng đánh giá chung là bức nào cũng có hồn. Đó là nét giản dị của bức “Mẹ tôi”, nét hồn nhiên trong “Cô em gái”, nét điềm đạm của bức họa “Cô giáo em” với các chất liệu màu riêng biệt. Một vài câu ca dao quen thuộc như: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, “Đêm đêm thắp ngọn đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con” cũng được tôn vinh khi được các em viết thành thư pháp trang trí lịch lãm trên vách.

Không khí buổi báo cáo thật sự nóng lên khi MC mở ra trò chơi “Đuổi hình bắt chữ” để người chơi suy luận đáp án từ kiến thức thực tế. Câu ca dao “Cu kêu 3 tiếng cu kêu/ Trông mau đến tết dựng nêu ăn chè” gợi cho các em biết phong tục tập quán xua đuổi tà ma, mong mọi sự thuận hòa, êm ấm của đồng bằng vùng sông Hồng.

“Mùng Một Tết cha/ mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy” là lời nhắc nhở con ngoan, trò giỏi biết đền ơn đáp nghĩa với cha mẹ, thầy cô khi bước sang năm mới. Bức tranh Đám cưới chuột hiện lên màn hình gợi cho các em về nét tươi trong của tranh làng Đông Hồ. Những âm thanh phát ra từ nhạc cụ dân tộc cho các em hiểu hơn văn hóa cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên. Có thể coi đây là một bữa tiệc hoành tráng về các loại hình văn học dân gian và văn hóa dân tộc mà các em trước đó có thể chưa được thưởng thức trọn vẹn.

Đam mê thắp lên từ sáng tạo

Ấn tượng nhất và cũng là điểm nhấn của buổi báo cáo tổng kết chính là các video clip do các em tự quay và dàn dựng để đem ra “thết đãi” toàn khối.

Vào vai nhà sưu tầm văn học dân gian, em Thanh An đã có buổi trò chuyện thú vị với bà Phạm Thị Nhung, 74 tuổi, ngụ Nhà Bè để có được những câu hò, lời ru ghi âm bằng điện thoại. Thông qua lời kể của người dân, các em hiểu được sức sống của ca dao, tục ngữ trong đời sống văn hóa, lao động hàng ngày. Họ chính là những nghệ sĩ đã cất giữ được vốn quý ca dao, tục ngữ dù thời gian có biến cải, cảnh vật có đổi dời.

338 bài ca dao là thành quả mà nhóm Chị ngã em nâng (gồm 16 thành viên lớp 10A2) và nhóm Anh em thuận hòa (gồm 17 thành viên của lớp 10A9) đã thu hoạch được sau quá trình điền dã. Có một vài thành viên khi bắt tay vào việc đã muốn bỏ cuộc vì gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, nhờ làm việc với người dân, tiếp xúc được những mẩu chuyện hay câu ca đẹp mà các em đã bị cuốn hút vào quá trình điền dã.

Em Thanh Hà cho biết, cảm thấy lớn lên và trưởng thành từ những chuyến đi ngắn, càng thêm yêu quý vốn văn chương cổ truyền, biết ơn các đấng sinh thành dưỡng dục. Không khí càng thêm lắng đọng và xúc động khi em Minh Khôi và Xuân Hoài lên tặng bó hoa tươi cho ba và mẹ. Đây cũng là thành công của buổi báo cáo khi có sự kết nối giữa phụ hunh và nhà trường trong việc đổi mới phương pháp dạy học bằng trải nghiệm sáng tạo.

Trước đó mở màn chương trình, nghệ sĩ Minh Đức - ba của Minh Khôi là giảng viên Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TPHCM - đã định hướng, giúp thế hệ trẻ có thêm tình yêu nghệ thuật cải lương và đờn ca tài tử Nam Bộ qua bài tân cổ Mừng tuổi mẹ và những câu chuyện sâu sắc về nghệ thuật truyền thống vùng đất phương Nam.

Vở kịch Mẹ ơi con về khép lại chương trình bằng một câu chuyện xúc động về lời nhắc nhở con cháu phải quan tâm đến ba mẹ, ông bà không chỉ lúc còn sống mà cả khi đã mất đi. Tuy có 7 thành viên nhưng nhóm kịch đã dàn dựng được 4 vở trong đó lớp 12A2 với vở Mẹ ơi con về được nhận giải cao nhất.

Được làm việc theo sở trường, các nhóm đã phát huy tính sáng tạo và lòng đam mê của mỗi thành viên để cho ra những sản phẩm bài học đáng giá. HS chủ động bước vào dự án tuy nhiên vai trò của GV là không thể thiếu. Cô Lê Thị Hoài Thanh đã trở thành một nhạc trưởng nhiệt tâm trong quá trình chỉ đạo HS thực hiện dự án trên tinh thần phát huy vai trò làm chủ của người học. Đây là một thành công lớn được cụm chuyên môn 2 ghi nhận trong buổi báo cáo.

Từ ý tưởng được manh nha trên giấy, dự án đã hiện thực hóa bằng bàn tay lao động và trí óc sáng tạo của người học. Đây chính là cội nguồn để cho mỗi bài học trên lớp thấm sâu vào máu thịt của người tiếp nhận tri thức, tránh xa cách học thuộc lòng tầm chương trích cú lỗi thời, gượng ép không hiệu quả. Hứng thú học tập và yêu thích bộ môn Ngữ văn từ đây được khơi gợi để ngọn lửa văn chương cháy mãi trong tâm hồn các em.