Gieo tình yêu đọc bằng văn hóa lì xì sách Tết

Dịp ết Nguyên đán hai năm nay, thay vì những phong bao đỏ chứa tiền mặt truyền thống, Nguyễn Đức Hoàng (sinh năm 1990, Hà Nội) chọn lì xì những người xung quanh mình bằng sách. Đối với anh, đây như một món quà, cũng là lời chúc tốt đẹp đầu năm đến người nhận.

"Thay vì mừng tuổi 50.000-100.000 đồng thì sách dẫu sao cũng mang lại nhiều kiến thức, nhiều giá trị quý báu và những thông điệp đẹp cho năm mới đến với mọi người", Hoàng chia sẻ với Tri thức - Znews.

Lì xì sách dịp năm mới đã và đang trở thành một nét đẹp văn hóa ở Việt Nam thời gian gần đây. Những cuốn sách được tự tay người tặng lựa chọn không chỉ chứa đựng tình cảm, lời chúc may mắn đến người nhận mà còn góp phần khuyến khích, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Món quà ý nghĩa ngày xuân

Với Đức Hoàng, ban đầu ý tưởng lì xì sách đơn giản là bắt nguồn từ sở thích đọc sách của bản thân. Anh muốn tặng cho mọi người những cuốn sách mà mình yêu thích.

"Kế đến khi tặng sách, một phần tôi cũng muốn thúc đẩy những người xung quanh hình thành nên thói quen tốt, đó là đọc sách. Tôi thấy ở Việt Nam, số lượng người có thói quen đọc sách thường xuyên chưa quá nhiều. Mỗi cuốn sách lì xì chính là thêm chút động lực để người được tặng chú ý hơn đến sách", Hoàng chia sẻ.

Đức Hoàng lựa chọn từng cuốn sách phù hợp với người nhận lì xì. Ảnh: NVCC.

Việc lựa chọn sách để lì xì đối với Hoàng là việc "khá đau đầu nhưng cũng vui". Cuối năm, các nhà xuất bản hay tổ chức hội sách dọn kho hoặc đón Tết, anh thường nhân dịp này tới lựa quà tặng mọi người.

Với các cháu nhỏ, Hoàng ưu tiên tặng những cuốn cung cấp kiến thức về khoa học, vũ trụ, thế giới xung quanh được viết hoặc trình bày dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ, có tính trực quan sinh động.

Với bạn bè đồng trang lứa, anh chọn những cuốn bản thân cũng thích như văn học cổ điển, hiện đại, trinh thám hoặc dòng sách non-fiction (phi hư cấu) về khoa học, kinh tế, xã hội... Với những bạn bè đã có con nhỏ, Hoàng sẽ mua những cuốn về chăm sóc con cái, gia đình.

"Để nói sách có thể thay thế lì xì bằng tiền không thì tôi cũng không chắc niềm vui của mỗi người nhận sẽ ra sao, nhưng với bạn bè tôi, họ đều cảm thấy rất thích thú, hào hứng. Tôi nghĩ bản thân sẽ dần thay thế việc lì xì bằng sách trong tương lai nữa", Hoàng bày tỏ.

Hai trong số các cuốn sách Bích Nguyên sẽ dùng để lì xì cho con. Ảnh: NVCC.

Trong khi đó, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay là lần đầu tiên Bích Nguyên (sinh năm 1987, Bắc Giang) lựa chọn lì xì bằng sách cho hai con của mình - bé Lan Chi (9 tuổi) và Phúc Lâm (3 tuổi).

"Tôi thường xuyên theo dõi hoạt động của CLB Đọc sách cùng con tại Hà Nội. Gần đây câu lạc bộ gợi ý hoạt động lì xì sách, tôi thấy khá hay nên quyết định làm theo. Bản thân tôi cũng là người thích đọc sách và muốn khuyến khích, giúp các con hình thành thói quen này", chị cho biết.

Chỉ còn cách Tết Nguyên đán hơn chục ngày, chị Nguyên đã tranh thủ chọn được 3, 4 cuốn sách ưng ý làm lì xì. Vì chưa có kinh nghiệm, năm nay chị sẽ chỉ lì xì hai bé trong nhà trước, đến các năm sau sẽ mở rộng hơn và rủ thêm bạn bè thích đọc tham gia.

Bà mẹ hai con chia sẻ tiêu chí lựa chọn sẽ dựa trên chủ đề sách, tác giả, nhà xuất bản và cả sở thích đọc của các con.

"Năm nay, Lan Chi được lì xì 2 cuốn, Phúc Lâm 1 cuốn. Tôi hy vọng các con sẽ thích thú với những món quà đầu năm này".

Văn hóa cần được phát huy

Bà Trần Hoài Phương - Giám đốc Công ty CP Sách Omega Việt Nam - nhận xét lì xì cho trẻ vốn là một phong tục mang nhiều ý nghĩa biểu tượng đẹp trong truyền thống Việt Nam.

Theo thời gian và những biến thiên của thời đại, có những thời điểm, cách thức lì xì của người lớn đã khiến cho vẻ đẹp của phong tục đó mất đi nhiều ý nghĩa. Việc tiếp tục gìn giữ và bồi đắp các ý nghĩa tốt đẹp cho tục lệ đó là điều nên làm một cách linh hoạt dựa trên thực tế của từng thời kỳ lịch sử.

"Lì xì bằng sách chính là một trong những cách thức đó", bà Phương nhận định. Theo giám đốc Công ty CP Sách Omega Việt Nam, lì xì sách có nhiều ý nghĩa tốt đẹp.

Lì xì sách góp phần thúc đẩy văn hóa đọc. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

"Thứ nhất, việc ta lựa chọn sách để lì xì trẻ trong thời khắc thiêng liêng là ngày đầu tiên của năm mới sẽ giúp trẻ ngầm hiểu rằng sách/tri thức là cái có giá trị, cái cần được gìn giữ, nâng niu và trao tặng nhau; về lâu dài sẽ hình thành ở trẻ một thái độ trân trọng đối với tri thức, sách vở thông qua chính thái độ của người lớn.

Thứ hai, việc lì xì bằng sách dần tạo ra nếp văn hóa trân trọng tri thức hơn là tiền bạc, vật chất. Điều này nếu làm nhiều không chỉ tốt với trẻ mà còn tốt cho bản thân người lớn, góp phần tạo nên hệ giá trị trong các gia đình, dòng họ và trong xã hội.

Thứ ba, đương nhiên việc lì xì bằng sách, ở cấp độ quốc gia, chính là hoạt động thiết thực nhất khích lệ và thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất bản. Những người làm xuất bản chúng tôi sẽ cảm thấy cần phải đưa ra được những cuốn sách giá trị để xứng đáng với sự trân trọng mà xã hội dành cho sách", bà Phương nhận định.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Văn Giá cho rằng sẽ rất tốt nếu phát huy được văn hóa lì xì bằng sách. Theo ông, với những người yêu sách, việc tặng ai đó món quà này giống như trao cả tình yêu sách của mình, người nhận vừa có được sách hay, vừa có cả tình cảm, sự trân quý của người tặng, từ đó có thêm động lực để đọc cuốn sách được nhận.

Bên cạnh đó, sách là một món quà chữ, tặng sách như lan tỏa tình yêu đối với sách, niềm trân trọng sách, nhất là khi gửi nhau dịp đầu năm.

"Bản thân tôi cũng hay tặng người khác sách vào những dịp đầu năm, sinh nhật và khuyến khích các con cũng làm điều đó. Hãy tặng sách như một trao gửi, sự khích lệ, lan tỏa tình yêu dành cho sách", ông chia sẻ.

Ánh Hoàng