Khách tây họ trông đợi điều gì?

Với kinh nghiệm làm hướng dẫn viên gần 10 năm cho khách Pháp và hơn 10 năm kinh doanh lữ hành thị trường khách Âu Mỹ, tôi có điều kiện tìm hiểu, quan sát và thấu hiểu "cái chất", cách nghĩ cũng như cách tận hưởng du lịch của người châu Âu. Từ những chuyến công tác tại châu Âu để mở rộng khách hàng, có khi đi cùng khách cũ, đôi khi là đi cùng đối tác Pháp ở những góc nhìn rất khác, khi đến một quốc gia nào ở châu Âu để quảng bá du lịch tôi thường sẽ dành ra nhiều ngày để lang thang, khám phá kiểu sinh hoạt ăn uống, sống ở nhà người dân thay vì dành thời gian đến những điểm nổi tiếng để chụp ảnh hay trung tâm thương mại để mua sắm. Ví dụ như đi rừng, leo núi cùng họ, để trải nghiệm sâu hơn về văn hóa nơi đó phải có những chuyến đi kéo dài gần một tháng để có thời gian tìm hiểu lối sống, quan điểm về du lịch của người châu Âu. Từ đó, bản thân dần có sự am hiểu hơn về con người, sản phẩm cũng như nắm được sự vận hành của thị trường du lịch khách châu Âu (hay khách Tây).

TRẢI NGHIỆM VẺ ĐẸP CHÂN PHƯƠNG

Khi đến Việt Nam du lịch, khách Tây rất hài lòng về những chuyến đi khám phá cuộc sống đời thường bình dị của người dân, tận hưởng các giá trị văn hóa - lịch sử truyền thống chân phương. Có những nơi với người Việt rất đỗi bình thường nhưng với họ là đẹp, cảm thấy thích thì có thể lưu trú lại cả tuần để tận hưởng. Họ thích cảm nhận qua đôi mắt rồi rung động và lưu giữ hình ảnh bằng cả trái tim. Họ đi là để tận hưởng cảnh vật nơi đó một cách trọn vẹn, họ không có sở thích đến đó chỉ để check-in những địa điểm mới hay để vui chơi giải trí độc lạ. Và họ thường theo nhóm bạn nhỏ hoặc gia đình từ 2 đến 4 khách.

Trong những chuyến dẫn khách Tây ở Tây Bắc (Việt Nam), họ thích đi bộ men theo những con dốc, đi qua những sườn đồi đến với bản làng nằm khuất trong núi để gặp gỡ người dân và trải nghiệm những món ăn dân dã mang đậm nét riêng của người bản xứ. Có những chuyến đi bộ và ngủ nhà người dân từ 2 đến 4 ngày. Họ đi vào những bản làng giữa thung lũng và hoàn toàn tách biệt với phố thị.

Còn khi đến Đồng bằng sông Cửu Long, khách Tây thích đi thăm những xóm làng - nơi vẫn còn các nghề xưa, hoặc đi xe đạp men theo những con đường quê, đi thuyền khám phá cuộc sống miền sông nước, chợ nổi.

Hay như tại Thành phố Hồ Chí Minh. Điều khiến họ ấn tượng là những công trình cổ có từ thời Pháp vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn, thích thú thưởng thức món ăn đường phố, trong những phố ẩm thực đêm, hoặc quanh chợ Bến Thành. Còn đến Hà Nội, họ sẽ chọn tham quan Văn Miếu- Quốc Tử Giám, đi dạo khu phố cổ, trải nghiệm ngồi xích lô, ăn bún chả…

DẤU ẤN ĐỊA PHƯƠNG TRONG SẢN PHẨM DU LỊCH

Khách Tây cũng ít quan tâm đến cái mới còn thể hiện ở thói quen sinh hoạt tại đất nước họ. Ví dụ nho nhỏ, người Pháp có thể ăn sáng với bánh mì kèm bơ, mứt trong suốt nhiều năm liền. Ở những thành phố của châu Âu, khách du lịch có thể tìm thấy rất nhiều nhà hàng cổ điển đã tồn tại mấy chục năm, không thay đổi gì từ kiến trúc cho đến thực đơn. Chính thói quen và tư duy ở đất nước của họ đã hình thành nên suy nghĩ và nhận thức trân trọng các giá trị truyền thống bản địa.

Do đó, đối với khách Tây để thu hút họ quay trở lại một nơi để du lịch, không nhất thiết cứ phải làm mới sản phẩm du lịch. Điều quan trọng nhất là sản phẩm đó có đủ chất lượng, có dấu ấn địa phương, có tạo được cảm tình để níu chân du khách. Việc làm mới các sản phẩm du lịch là tốt, nhưng cũng cần có sự nghiên cứu và nhìn nhận đúng đắn về tính hiệu quả của nó mang lại.

Đặc biệt, không nên bê tông hóa thiên nhiên hay đập rồi xây mới những công trình cổ rồi gọi đó là sản phẩm mới. Đối với doanh nghiệp, việc làm mới sản phẩm du lịch có thể bắt đầu từ câu chuyện đầu tư những dịch vụ cơ bản ăn ngủ nghỉ có tiện nghi hiện đại nhưng phải luôn gần gũi với thiên nhiên và nhất là mang bản sắc địa phương trong kiến trúc.

Ở những nước chuyên nghiệp trong du lịch, họ luôn có sản phẩm thị trường và sản phẩm phi thị trường. Đối với sản phẩm thị trường là để bán, để mang lại doanh thu và lãi nhưng như vậy không đủ. Còn sản phẩm phi thị trường (khách không phải bỏ chi phí nhưng vẫn có thể tận hưởng) là những điểm tham quan giải trí miễn phí để giữ chân du khách lâu hơn và tăng doanh thu theo một cách thông minh và thân thiện. Việc giữ chân khách du lịch ở lại lâu hơn sẽ phát triển bền vững và tự động thúc đẩy phong phú hóa mọi sản phẩm du lịch khác.

Khách hàng chỉ trở thành thượng đế khi chúng ta hiểu họ để có kế hoạch chăm sóc đúng đắn và tạo ra sản phẩm dành cho khách du lịch kiểu khám phá, còn khách du lịch chỉ mua sắm và giải trí lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Do đó, khi làm bất cứ một sản phẩm du lịch nào đều xoay quanh khách hàng một cách thực tế, chứ không nói dựa trên lý thuyết.

GIÁ TRỊ VĂN HÓA BẢN ĐỊA

Tại Việt Nam, sự ảnh hưởng của du khách/doanh nghiệp đến văn hóa địa phương có thể là hỗ trợ bảo tồn nhưng trong nhiều trường hợp lại làm xói mòn bản sắc văn hóa của điểm đến. Từ đó tạo tâm lý e dè cho du khách/doanh nghiệp khi đi trải nghiệm hay triển khai sản phẩm du lịch.

Tại , sự độc đáo văn hóa đầy bản sắc ngày xưa đang phải lùi bước trước sức ép tài chính từ các nhà đầu tư du lịch thiếu bền vững. Khi Sapa trở thành thành phố khách sạn, những tộc người bản địa trở nên lạc lõng và thất thủ giữa vùng đất của chính họ. Còn du khách phải chịu khó vào những bản làng xa xôi hơn nếu muốn tìm hiểu văn hóa gốc của vùng.

Hay như Đà Lạt một thời yên bình cùng tộc người Lạch đậm sắc văn hóa vùng cao thì nay cũng đã khác.

Những người chủ nhân ấy của xứ cao nguyên từ lâu đã dạt xa thành phố, nay càng nhạt nhòa giữa các giá trị tài chính của các nhà đầu tư đến phương xa. Lẽ ra, chính họ có quyền tham gia vào sự phát triển ở đây, cùng với niềm tự hào lớn lao về văn hóa tộc người và có những lợi ích kinh tế xứng đáng. Nên người về thăm xứ cao nguyên Lang Biang cũng thiếu đi nhiều cảm xúc.

Du khách châu Âu, Bắc Mỹ và nhiều nước phát triển như Úc, Nhật Bản, Singapore… rất quan tâm đến những giá trị môi trường - kinh tế - xã hội - văn hóa trong sản phẩm du lịch mà họ bỏ tiền ra mua. Ngoài việc ngưỡng mộ các thương hiệu tham gia du lịch có trách nhiệm, họ còn càng yêu thích hơn các giá trị mà sản phẩm du lịch có trách nhiệm mang lại. Tâm lý đó hỗ trợ trực tiếp các các doanh nghiệp lữ hành có những sản phẩm du lịch có trách nhiệm với môi trường, thiện nguyện hoặc sản phẩm có giá trị khám phá gặp gỡ người bản địa, tôn vinh đa dạng văn hóa.

Ở nước ta, việc xúc tiến quảng bá du lịch cần có những chiến lược thực sự mang tầm quốc gia, ở quy mô quốc tế. Thái Lan phải mất hơn 50 năm để định vị thương hiệu du lịch thế giới, nên việc xúc tiến quảng bá du lịch ở quy mô quốc tế của Việt Nam không phải một sớm một chiều, cần tiến hành mạnh mẽ, sáng tạo và bền bỉ.

Nguyễn Ngọc Toản