Kêu gọi lập 'NATO thương mại' để đối phó Trung Quốc

Đề xuất này chủ trương thành lập một liên minh thương mại bên cạnh tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo quy định của NATO, các quốc gia thành viên đồng ý bảo vệ nhau khi bất kỳ thành viên nào trong nhóm bị tấn công.

Theo cách tương tự, những người chủ trương thành lập Tổ chức hiệp ước liên minh các nền dân chủ (Dato) ủng hộ hành động đáp trả tập thể nếu Trung Quốc có bất kỳ biện pháp thương mại nào nhằm vào thành viên của khối.

Một báo cáo về đề xuất này được Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc (gồm các thành viên cứng rắn của đảng Bảo thủ trong Quốc hội Anh) và Quỹ Đổi mới và công nghệ thông tin (một cơ quan nghiên cứu và tư vấn chính sách về khoa học công nghệ có liên quan đến chính phủ và các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ) soạn thảo.

Báo cáo nêu ví dụ về cách hoạt động của liên minh thương mại mới như sau: Nếu Trung Quốc dọa rút sinh viên khỏi một nước phụ thuộc nhiều vào thu nhập từ sinh viên Trung Quốc, những nước khác trong khối sẽ cấm cửa các sinh viên Trung Quốc để trả đũa. Hoặc nếu Trung Quốc dọa đưa doanh nghiệp của một quốc gia vào danh sách đen, cả liên minh sẽ cùng hạn chế xuất khẩu từ các doanh nghiệp Trung Quốc.

“Bất kỳ quốc gia dân chủ nào cũng được hoan nghênh tham gia, bao gồm cả Đài Loan (Trung Quốc - PV), nhưng nếu bất kỳ nước nào không có bước đi đáp trả sau khi Dato ra quyết định, họ sẽ mất tư cách thành viên”, tài liệu nói.

Đề xuất này chưa nhận được hậu thuẫn chính thức. Chính phủ Anh từ chối bình luận về báo cáo, nhưng nó cho thấy tư duy của các nghị sĩ diều hâu, những người có vai trò lớn trong việc định hình chính sách của chính phủ với Trung Quốc.

Các tác giả báo cáo nói rằng đây là cách đáp trả sự hung hăng của Trung Quốc, đồng thời khắc phục sự thất bại lâu nay của phương Tây trước những hành động của Bắc Kinh.

Cách Trung Quốc sử dụng công cụ kinh tế trở thành tiêu điểm trong 18 tháng qua, khi đại dịch COVID-19 tàn phá khắp thế giới và tư tưởng tiêu cực về Trung Quốc gia tăng.

Úc hứng nhiều đòn thương mại từ Trung Quốc sau khi cấm hãng viễn thông Huawei tham gia mạng 5G và kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế để làm sáng tỏ nguồn gốc COVID-19, dẫn đến việc Bắc Kinh chặn xuất khẩu nhiều mặt hàng từ Úc, như rượu vang, than, gỗ và lúa mạch.

Gần đây nhất, AP đưa tin rằng Trung Quốc đã dọa sẽ không chuyển vắc-xin COVID-19 cho Ukraine nếu nước này ủng hộ tuyên bố về Tân Cương của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc mà Canada đề xuất.

Nhiều tổ chức đa phương như NATO và G7 đều đã củng cố quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Ngược lại, Trung Quốc cáo buộc những tổ chức này can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

Bình Giang

Theo ST