Iron Dome thành chủ đề 'nóng' ở châu Âu sau cuộc tấn công của Iran vào Israel

Cuộc tấn công quy mô lớn của trực tiếp vào Israel cuối tuần qua đã một lần nữa khiến các cuộc thảo luận về khả năng phòng không trở nên sôi nổi. Hệ thống phòng không đa lớp, bao gồm Iron Dome (Vòm sắt), đã giúp Israel đánh chặn hầu như toàn bộ các vật thể bay do Iran phóng tới.

Hệ thống phòng không Iron Drome trứ danh của quốc gia Trung Đông là thứ từ lâu Ukraine đã muốn có nhưng vẫn chưa thể có. Hệ thống này cũng được đề cập đến trong các bình luận của cả giới lãnh đạo và các công ty quốc phòng ở châu Âu.

Cụ thể, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk vừa cho biết đất nước ông có kế hoạch tham gia dự án phát triển hệ thống phòng không trên toàn châu Âu nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công bằng áy bay không người lái (UAV) và tên lửa tiềm tàng.

Phát biểu tại cuộc họp báo với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ở Warsaw hôm 15/4, ông Tusk cho biết cuộc tấn công gần đây của Iran đã xác nhận rằng việc có một hệ thống giống như hệ thống phòng không Iron Dome của là rất quan trọng.

“Không có lý do gì để châu Âu không tự phát triển lá chắn chống lại tên lửa và máy bay không người lái”, ông Tusk nói. “Không cần phải tưởng tượng nhiều cũng có thể hiểu được rằng chúng ta cũng có thể đang ở trong vùng nguy hiểm”.

Thủ tướng Ba Lan cũng cho hay Đan Mạch đã ủng hộ kế hoạch của ông về tham gia Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu (Sky Shield, hay ESSI) do Đức khởi xướng, hiện bao gồm các quốc gia như Vương quốc Anh và Phần Lan.

Hệ thống Iron Dome đang đánh chặn các quả rocket được phóng từ Dải Gaza về phía Israel. Ảnh: Defense News

Ngay cả trước khi cuộc tấn công của Iran vào Israel xảy ra, người đứng đầu hãng sản xuất vũ khí lớn nhất châu Âu Rheinmetall đã khuyến nghị rằng các nhà lãnh đạo nên xem xét lắp đặt các hệ thống phòng không tầm ngắn tương tự như Iron Dome.

Bình luận của CEO Rheinmetall Armin Papperger được đưa ra vào tháng trước, trong bối cảnh các thủ đô EU đang tăng cường chi tiêu quân sự do lo ngại ngày càng tăng về các mối đe dọa trên không và đang tìm cách giải quyết những hạn chế tồn tại lâu dài trong các hệ thống phòng thủ hiện có.

Ông Papperger cho biết hệ thống phòng không tầm ngắn là “thứ họ muốn tạo ra ở châu Âu”, chỉ ra một khía cạnh của sáng kiến Sky Shield do Berlin hậu thuẫn.

“Tôi cũng nghĩ rằng việc có một giải pháp châu Âu tương tự như Iron Dome và hơn thế nữa là một ý tưởng hay”, vị CEO nói với ờ Financial Times hôm 20/3.

Iron Dome có tầm bắn lên tới 70 km và được Israel sử dụng từ năm 2011 để đánh chặn tên lửa tầm ngắn. Việc che chắn những vùng đất rộng lớn ở lục địa châu Âu bằng một hệ thống tương tự đã bị các nhà phân tích cho là xa vời, nhưng các nước EU đã đầu tư vào một loạt công nghệ phòng không.

CEO một công ty quốc phòng khác ở châu Âu nói với tờ báo Anh rằng châu Âu đã có “tất cả các khả năng để tạo ra các lớp phòng không đầy đủ. Vì vậy, vấn đề chỉ là họ có quyết định sử dụng hay không”.

Vào cuối năm 2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công bố sáng kiến Sky Shield nhằm tạo ra một hệ thống phòng không và tên lửa bảo vệ bầu trời châu Âu bằng cách cùng nhau mua sắm thiết bị.

21 quốc gia châu Âu đã đăng ký tham gia sáng kiến này, nhưng không bao gồm Pháp. ESSI khiến Paris tức giận vì nó bao gồm việc mua sắm các hệ thống phòng không từ các công ty của Israel và Mỹ trong khi bỏ qua các hệ thống như SAMP/T do hãng MBDA của Pháp và Italy đồng sản xuất.

Nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall có trụ sở tại Düsseldorf (Đức) cho biết vào tháng 2 rằng họ đã bán hệ thống phòng không tầm ngắn Skyranger 30, hệ thống mà họ cho biết có thể được sử dụng để chống lại máy bay không người lái cùng nhiều vũ khí khác, cho lực lượng vũ trang Đức với giá 600 triệu Euro.

Các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp được coi là một trong 22 ưu tiên về năng lực phòng thủ của EU, trong đó Brussels thúc đẩy các quốc gia thành viên phát triển “khả năng tương tác hoàn toàn thế hệ tiếp theo” trong phòng không hoạt động với các hệ thống hiện có của NATO.

EU cũng đang nghiên cứu một chiến lược quốc phòng mới nhằm thúc đẩy hoạt động mua sắm chung và lần đầu tiên đặt ra mục tiêu mua hàng từ các nhà sản xuất trong khối thay vì Mỹ.

Các CEO ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu cũng kêu gọi hợp tác và hợp tác nhiều hơn giữa các công ty để giảm sự trùng lặp và củng cố cơ sở công nghiệp của “lục địa già” về lâu dài.

Minh Đức (Theo Bloomberg, Financial Times)