Huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm

Đầu tư xây dựng cầu Phú Thịnh (thành phố Lào Cai).

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI được cụ thể hóa bằng 2 lĩnh vực đột phá, 7 nhiệm vụ trọng tâm, 18 đề án giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, đề án huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025 được xác định mang ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề, góp phần triển khai thực hiện thắng lợi các đề án còn lại.

Với quyết tâm chính trị cao, ngay khi đề án được thông qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã bám sát các mục tiêu nghị quyết đại hội, chủ động, kịp thời đề ra các chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo sát, trúng, đúng, đồng thời xây dựng các giải pháp thực hiện đề án thông qua các kế hoạch tuần, tháng, quý, năm của Thường trực Tỉnh ủy, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Hạ tầng Khu vực Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành mới được đầu tư nâng cấp.

Trên cơ sở mục tiêu hướng đến, tỉnh Lào Cai chủ động xây dựng đề án báo cáo Bộ Chính trị và các nội dung báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo xây dựng quy hoạch tỉnh, điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, xây dựng thành phố Lào Cai đạt tiêu chí loại I, các khu đô thị Bảo Yên, Văn Bàn, Sa Pa, Lào Cai…; các chủ trương phát triển công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút các nguồn lực trong xã hội, hợp tác để phát triển (đặc biệt các chương trình hợp tác với các địa phương trong nước và tỉnh Vân Nam - Trung Quốc…). Đây là các chủ trương mang tính năng động, sáng tạo, khác biệt so với các địa phương trong cả nước.

Bệnh viện đa khoa tuyến các huyện được đầu tư xây mới đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Trong ảnh: Đầu tư xây mới Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát.

Bên cạnh đó, tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, từng bước tháo gỡ chồng lấn trong quy hoạch, gắn kết giữa quy hoạch vùng với quy hoạch ngành, tạo sự phù hợp, tầm nhìn xa và đáp ứng yêu cầu quản lý, thu hút đầu tư, khai thác, phát huy tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp được thường xuyên quan tâm, chính vì vậy, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn duy trì ở top cao so với các tỉnh, thành trong cả nước.

Đầu tư xây dựng Khu trung tâm hành chính mới thị xã Sa Pa.

Hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng, với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn lớn có bề dày kinh nghiệm, tiềm lực tài chính như Sun Group, Alphanam, T&T, Geleximco, Bitexco, TNG, CD, Giáo dục Khôi Nguyên, Central Retail Việt Nam, Công ty TNHH Chính xác và công nghiệp Daeji Hàn Quốc, Công ty Cổ phần Sản xuất xuất - nhập khẩu Phú Hưng, Công ty Cổ phần KOSY... Giá trị các dự án đăng ký đầu tư tại tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2030 đạt 125.000 tỷ đồng. Các dự án đăng ký đầu tư tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như kinh tế cửa khẩu, phát triển đô thị, thương mại, giáo dục, xây dựng kết cấu hạ tầng, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp đặc hữu...

Hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Tỉnh thực hiện các giải pháp tái cơ cấu đầu tư công, ưu tiên vốn đầu tư công vào xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa thuộc các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Qua đó, hiệu quả sử dụng nguồn vốn được nâng lên, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm phát triển hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương trong tỉnh.

Giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, như quy mô giáo dục - đào tạo, mạng lưới trường, lớp tiếp tục được rà soát và quy hoạch, vừa đáp ứng được yêu cầu trước mắt, vừa đáp ứng được chiến lược lâu dài. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tiếp tục được đầu tư…

Giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh đầu tư xây mới 5 bệnh viện tuyến huyện với quy mô khoảng 1.100 giường bệnh, tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng; nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh giai đoạn 2 với kinh phí 350 tỷ đồng và quy mô bệnh viện tăng lên 700 giường bệnh.

Nhà thi đấu đa năng tỉnh được đầu tư đáp ứng tiêu chuẩn tổ chức các giải thể thao lớn trong nước và quốc tế.

Các thiết chế văn hóa, thể thao tiếp tục được tăng cường đầu tư xây dựng. Hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa, nghệ thuật và thể thao được tăng cường. Những di sản văn hóa được quan tâm bảo tồn và phát huy. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng trong cộng đồng dân cư và hoạt động thể dục - thể thao quần chúng phát triển, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân...

Tỉnh đẩy nhanh việc triển khai khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai để thực hiện tốt vai trò “cầu nối” giữa Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường Tây Nam Trung Quốc, đồng thời đẩy nhanh việc triển khai Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc.

Diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại.

Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và tăng cường lồng ghép các nguồn vốn, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả.

Ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để đạt mục tiêu đề án, trung bình mỗi năm (năm 2024, 2025) tỉnh phấn đấu huy động thêm trên 80.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, có như vậy thì cả giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn đầu tư toàn xã hội được huy động đạt trên 260.000 tỷ đồng.