Hình ảnh thân thương của Hà Nội lên áo dài Tết

Cảm hứng về mùa hoa Tết ở các làng ven đô tô điểm cho phục sức của nữ sinh Hà Nội từ hoa cài tóc, họa tiết trên áo và họa tiết trên học liệu, sách vở. Ảnh: Hải Ninh

Với 2 mục đích tôn vinh giá trị di sản Văn Miếu – Quốc Tử Giám và tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật của tà áo dài truyền thống Việt Nam, chương trình “Nơi tôi sinh ra” sử dụng hiệu ứng ánh sáng 3D mapping kết hợp trình diễn áo dài nghệ thuật diễn ra vào trung tuần tháng 1/2024 vừa qua.

Chính vì đây là sân chơi dành riêng cho các nhà thiết kế áo dài kể câu chuyện văn hóa về nơi họ sinh ra, các nhà thiết kế có nơi sinh là à Nội đã mang hình ảnh tinh hoa văn hóa Hà Nội lên áo dài một cách tự nhiên, tinh tế và nghệ thuật.

Khán giả bồi hồi xúc động khi bắt gặp một gánh hàng hoa qua phố, chiếc áo chần bông mùa lạnh, con chuồn chuồn bằng tre tự cân bằng được, lọ gốm Bát Tràng mùa ết, sắc hoa đào Nhật Tân, khói lam Tây Hồ với mái chùa cổ kính... được cách điệu một cách mỹ thuật và in dấu trên áo dài.

Chương trình "Nơi tôi sinh ra" có sự tham gia của 18 nhà thiết kế đến từ khắp nơi trong nước, gồm nhà thiết kế Minh Hạnh (kiêm đạo diễn chương trình, nhà thiết kế Ngọc Hân, Cao Minh Tiến, Diệp Anh, Thanh Thúy, Trần Thiện Khánh, Viết Bảo, Trịnh Bích Thủy, Duy Nguyễn, Chế Quyết Tiến, Giang Đoàn, Phương Thảo, Laura, Huệ Thi, Nguyễn Thúy... trong đó có nhiều nhà thiết kế có "quê" ở Hà Nội kể câu chuyện văn hóa về thủ đô ngàn năm văn hiến.

Mời độc giả chiêm ngưỡng hình ảnh văn hóa Hà Nội lên áo dài Tết:

Tục khai bút đầu năm, nghi lễ khai bút đầu năm được minh họa cùng với trang phục áo dài truyền thống - một nét văn hóa lâu đời của người Hà Nội. Ảnh: Hải Ninh

Tục du Xuân đón mừng năm mới, đón Tết Nguyên đán và hái lộc đầu Xuân của người Hà Nội. Đặc biệt là hình ảnh mặc áo dài du Xuân cũng gắn với thói quen đi lễ chùa đầu năm mới của người Tràng An. Ảnh: Hải Ninh

Nghệ thuật chần bông vải, làm áo chần bông tô điểm cho áo dài mùa đông - tinh hoa nghề và người ở phố cổ Hà Nội. Ảnh: Hải Ninh

Nghệ thuật thêu và ghép vải thủ công thành trang phục lâu đời của văn hóa Hà Nội tô điểm cho áo dài truyền thống. Ảnh: Hải Ninh

Màu sứ men lam đặc trưng của làng gốm cổ Bát Tràng - Giang Cao bên bờ sông Hồng, Hà Nội tô điểm cho tà áo dài. Ảnh: Hải Ninh

Mùa gốm Tết Bát Tràng cũng là mùa nhộn nhịp nhất trong năm của làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng này. Ảnh: Hải Ninh

Gánh hàng hoa 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông của phố phường Hà Nội được gắn với tà áo dài. Gần đây, hình ảnh những chiếc xe chở đầy hoa tươi từ làng ven đô vào nội thành để cho du khách cùng người Hà Nội chụp ảnh đã trở thành hình ảnh văn hóa quen thuộc của người Hà Nội. Ảnh: Hải Ninh

Nón làng chuông vang tiếng xa gần - làng nghề thủ công chằm nón nổi tiếng của Thanh Oai, Hà Nội lên sân khấu cùng tà áo dài truyền thống. Ảnh: Hải Ninh

Nghệ nhân chằm nón làng chuông sánh bước cùng tà áo dài. Ảnh: Hải Ninh

Thú chơi chim cảnh, nuôi chim họa mi, vành khuyên của người đô thị Hà Nội duyên dáng cùng tà áo dài. Ảnh: Hải Ninh

Chuồn chuồn tre - món đồ chơi của trẻ thành thị hình thành làng nghề thủ công mĩ nghệ, cùng đời sống sinh động của dân cư phố cổ được tạo tác mĩ thuật trên tà áo dài. Ảnh: Hải Ninh

Hình hoa văn cửa sắt, kiến trúc nhà thờ lớn, cây cầu Long Biên... là những hình ảnh để nhà thiết kế sống lâu năm tại Hà Nội phát triển thương hiệu áo dài Chula. Ảnh: Hải Ninh

Cây cột điện đầu phố tô điểm cho tà áo dài một cách nghệ thuật gây ấn tượng bất ngờ. Ảnh: Hải Ninh

Và hình ảnh yêu kiều của thiếu nữ Hà Nội cùng với hoa cúc mùa đông, sương khói huyền ảo của làng ven đô là hình ảnh gợi về Tết Hà Nội thân thương nhất. Ảnh: Hải Ninh

Trương Thúy Hằng