Hai thế hệ trong gia đình hội họa cùng trưng bày tác phẩm trong 'Sắc màu'

Triển lãm Sắc màu của gia đình họa sĩ Nguyễn Thị Quỳnh và Dương Ngọc Thăng sẽ diễn ra từ ngày 3-7/1 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.

Nguyễn Thị Quỳnh và Dương Ngọc Thăng là hai nghệ sĩ gắn bó từ những năm học hội họa lớp K48 (2004-2009) Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Cả hai là mẫu điển hình của “dân nghệ Yết Kiêu”, lúc nào cũng ngây ngất với hình màu, đắm đuối trong những chuyến đi vẽ thực tế và thi thoảng trình làng những tác phẩm khiến bạn học khâm phục sự táo bạo của họ.

"Khói lam chiều" - Nguyễn Thị Quỳnh

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông, triển lãm lấy tên Sắc màu nhưng anh rất muốn gọi là Tình ca Tây Bắc của gia đình hội họa này bởi đây không phải một cuộc trình diễn những tìm tòi sáng tạo mới mẻ, nó giản dị như cuộc sống và sinh hoạt nghệ thuật riêng tư còn kín tiếng của họ.

Họa sĩ Đỗ Dũng nhận xét, tranh của Dương Ngọc Thăng vẽ không nhanh, không xô bồ theo thời cuộc, cứ lững thững như hành giả thõng tay vào chợ, vừa sống vừa vẽ, vừa chơi như vốn dĩ cuộc đời là vậy. Anh gặp gì vẽ đấy không nặng về tư tưởng, từ tĩnh vật, phong cảnh, phụ nữ... tất cả đều như muốn níu giữ lại một cái gì đó hơn cả sự duy mỹ với thời gian.

Trong khi đó, Dương Ngọc Quỳnh ưa sự chỉn chu, trong cuộc sống cũng như nghệ thuật. Là người phụ nữ cá tính và bản lĩnh nhưng có lẽ do thiên chức làm vợ, làm mẹ nên chị phải hy sinh nhiều cho chồng con.

"Mặc dù vậy Quỳnh không từ bỏ đam mê với nghệ thuật, tranh Quỳnh luôn hướng đến sự hoàn thiện cho cảm xúc. Trong mỗi bức tranh dù lớn hay nhỏ đều bộc lộ cái tâm chất, khí chất và tư chất của Quỳnh. Còn Ngọc Tuệ sớm bộc lộ năng khiếu, khi sống trong môi trường thuần túy nghệ thuật, các bức tranh phong cảnh, tĩnh vật cho thấy sự ảnh hưởng rõ nét của mẹ, từ bố cục, tạo hình, màu sắc, chất cảm rất bài bản", họa sĩ Đỗ Dũng nhận xét.

Một vài tác phẩm sẽ trưng bày tại triển lãm:

Tình Lê