Giải pháp xóa tín dụng đen

Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các công ty tài chính đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của ân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức triển khai cho vay tiêu dùng đối với những đối tượng dưới chuẩn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người lao động có thu nhập thấp, nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi tín dụng đen, song đến nay, hầu hết các công ty tài chính đang đối mặt với nợ xấu ngày càng tăng cao.

Tính đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2.671.000 tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế, nợ xấu chiếm tỷ lệ trên 4%. Trong đó, 16 công ty tài chính có dư nợ cho vay gần 136.000 tỷ đồng, nợ xấu chiếm tới 10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%; nhiều công ty lâm vào tình trạng thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Chuyên gia ngân hàng lý giải về điều này, ngoài những yếu tố khách quan còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý, đó là khách hàng cố tình không trả nợ, thậm chí nhân viên công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ. Trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều các hội nhóm rủ nhau “bùng nợ”, trốn nợ bất hợp pháp, gây ra sự méo mó trong thị trường cho vay tiêu dùng, kéo theo nhiều hệ lụy cho các tổ chức tín dụng nhưng không bị xử lý...

Hệ quả của thực trạng này là nhiều công ty tài chính không cho vay hoặc không dám cho vay, trong khi nhu cầu của người dân, nhất là những người yếu thế vẫn cao. Tình trạng khó tiếp cận vốn vay từ các công ty tài chính đẩy người dân đến với tín dụng đen. Hiện, tội phạm hoạt động tín dụng đen, lừa đảo liên quan đến tín dụng đen đang bùng phát mạnh. Hàng loạt ứng dụng (app) với phương thức cho vay đơn giản hơn nhưng giăng ra nhiều bẫy với người vay, với lãi suất lên đến 1.000%/năm và thu hồi nợ trái pháp luật, gây hệ lụy lớn đến an ninh trật tự và khiến kênh cho vay tiêu dùng chính thống lao đao.

Rõ ràng, hoạt động tín dụng tiêu dùng giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội, đồng thời góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để khơi thông kênh tín dụng tiêu dùng, ngành ngân hàng cần phải đẩy mạnh hoạt động cho vay, giúp người vay tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn nhằm cải thiện cuộc sống, phát triển kinh doanh. Trước mắt, triển khai gói cho vay 20.000 tỷ cho người yếu thế, nhất là công nhân với lãi suất không quá 17%/năm.

Một khi ngành ngân hàng tạo điều kiện cho các công ty tài chính hoạt động minh bạch dưới sự giám sát của NHNN và các cơ quan khác thì đương nhiên người vay sẽ chọn lựa vay ở các tổ chức tín dụng chính thống được cấp phép, qua đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Mặt khác, NHNN cũng cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay, nhằm hạn chế tín dụng đen. Hiện, mức lãi suất vay tiêu dùng phổ biến mà các công ty tài chính ở Việt Nam áp dụng từ 40 - 50%/năm, cá biệt, một số trường hợp có lãi vay lên đến 85%/năm. Đây là mức lãi, phí tương đối cao so với các nước như trần lãi suất vay tiêu dùng như tại Nhật Bản là 20%/năm, Mỹ (8- 36%/năm), Trung Quốc (10- 40%/năm)...

Việc kiểm soát lãi vay với việc áp dụng lãi suất trần các khoản vay tiêu dùng sẽ tạo thuận lợi cho nhu cầu vay của người dân, giúp hạn chế rủi ro tín dụng tiêu dùng.

Thanh Thảo