Gần 300 doanh nghiệp tham gia đào tạo với Trường ĐH Kinh tế quốc dân

GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân trao kỷ niệm chương cho các doanh nghiệp.

Thông tin trên được GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ khi trao đổi tại Hội nghị Công giới năm 2023, chiều 19/12. Trong số đó, phần lớn là doanh nghiệp của các cựu sinh viên, điển hình là các ngân hàng, các tập đoàn bất động sản lớn…

GS.TS Phạm Hồng Chương chia sẻ, trong chiến lược phát triển đến năm 2030, nhà trường khẳng định mục tiêu trở thành đại học tự chủ với mô hình tổ chức 3 cấp: tiên phong trong chuyển đổi số, có hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp đạt chuẩn kiểm định quốc tế.

Với phương châm là trung tâm thu hút đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, là lựa chọn ưu tiên cao nhất của những học sinh xuất sắc có hoài bão và ước mơ, Trường ĐH Kinh tế quốc dân xác định hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội trong và ngoài nước. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển lâu dài, bền vững của Nhà trường.

GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân phát biểu tại hội nghị.

Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, mô hình hợp tác đào tạo gắn kết thực tiễn giữa nhà trường với doanh nghiệp, hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo gắn với các bài toán thực tiễn tại địa phương.... đem lại hiệu quả cao trong giai đoạn vừa qua.

Qua đó, góp phần đào tạo ra những con người đổi mới sáng tạo có năng lực dẫn dắt và lãnh đạo tổ chức. Sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội và nhà trường đã tạo nên bước đột phá trong đổi mới sáng tạo trong giảng dạy.

Từ đó, nâng cao hiệu quả đào tạo gắn kết thực tiễn, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Các tổ chức chính trị, các doanh nghiệp có quyền và trách nhiệm trong đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình bằng cách đặt hàng đào tạo, tham gia sâu vào quá trình tổ chức đào tạo, góp ý điều chỉnh nội dung giảng dạy...

“Chúng ta sẽ xây dựng cơ chế hợp tác phù hợp với sự tham gia của nhiều bên để cùng nhau tạo nên những giá trị mới. Tất cả nhằm mục tiêu tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực thực chiến và giải quyết các bài toán thực tiễn của doanh nghiệp và tổ chức” - GS.TS Phạm Hồng Chương nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội nghị.

Theo bà Lê Thị Mỹ Hạnh - Trưởng Ban đối ngoại, khối đào tạo ACCA Việt Nam, hợp tác trong đào tạo giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo, giúp cho sinh viên tiết kiệm thời gian, công sức; trên hết là có được kiến thức thực tiễn.

“Ngoài các chương trình hỗ trợ người học, giảng viên về học thuật, chúng tôi cùng với khoảng 50 doanh nghiệp đối tác tại Việt Nam triển khai các chương trình tiếp cận thực tế, hỗ trợ, giúp sinh viên toàn diện về kĩ năng mềm, giúp các em tự tin hơn khi bắt đầu đi làm” - bà Lê Thị Mỹ Hạnh trao đổi.

Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, sự tham gia của các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo là yếu tố bắt buộc. Có như vậy, sinh viên mới có thể hiểu rõ những yêu cầu của thị trường lao động, tích lũy kiến thức cần thiết và bước chân vào thế giới việc làm 1 cách chủ động.

Minh Phong