'Bí kíp' lấy điểm cao môn Lịch sử thi tốt nghiệp THPT

Cô giáo Dương Thị Kiều Anh, giáo viên Lịch sử trường THPT Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn học sinh ôn tập.

Những phương pháp ôn luyện mới

Cô giáo Dương Thị Kiều Anh là giáo viên Lịch sử, công tác tại trường THPT Đại Từ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong nghề, cô Kiều Anh đã có những chia sẻ nhằm giúp cho thí sinh có thể học tốt môn Lịch sử và hoàn toàn giành được điểm cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Theo cô Kiều Anh, để có cách học đơn giản, dễ hiểu và không bỏ sót kiến thức các em học sinh nên xây dựng và hệ thống hóa kiến thức với sơ đồ tư duy môn Lịch sử với một số ứng dụng whimsical, genialy… Phần lịch sử thế giới nên xây dựng mind map dạng cây – nhánh kèm theo từ khóa gắn với các quốc gia, khu vực; phần lịch sử Việt Nam nên hệ thống hóa kiến thức theo giai đoạn (time line) và tìm ra những đặc trưng của từng chương, bài. Đây có thể coi là Sổ tay lịch sử dành cho các em ôn luyện.

Xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, biên soạn thành hệ thống đề ôn luyện có cấu trúc phát triển từ đề thi của các năm và đề tham khảo của Bộ GD&ĐT mới công bố, cho các em học sinh tiến hành ôn luyện trực tuyến trên các hệ thống làm bài thi Online như taodethi.com, azota.vn… một cách thường xuyên và đều đặn với tần suất khoảng 2-3 đề / tuần.

Lập các nhóm học tập, luyện đề, giao nhiệm vụ học tập trên nền tảng mạng xã hội: zalo, facebook hoặc ứng dụng phần mềm padlet phục vụ các hoạt động ôn luyện ngoài giờ lên lớp và giải đáp các thắc mắc phát sinh của các em trong quá trình ôn luyện.

Chú trọng rèn luyện kĩ năng làm bài

Đọc, hiểu và phân tích câu hỏi trong đề thi là một khâu rất quan trọng trong quá trình làm bài và ảnh hưởng đến kết quả bài thi của các em học sinh. Theo đó, các em cần đọc đề một cách nghiêm túc và xác định hình thức của câu hỏi thuộc dạng nào trong các dạng thường gặp: dạng câu hỏi yêu cầu lựa chọn phương án trả lời đúng; dạng câu hỏi yêu cầu lựa chọn câu trả lời đúng nhất; dạng câu hỏi yêu cầu lựa chọn ý phủ định; dạng câu hỏi yêu cầu so sánh (tìm điểm chung, điểm khác biệt); dạng câu hỏi yêu cầu phải kết nối đúng hoặc sắp xếp đúng trật tự logic của các sự kiện, hiện tượng lịch sử; dạng câu hỏi yêu cầu đọc hiểu một trích dẫn, dạng câu hỏi rút ra bài học kinh nghiệm… để tránh nhầm lẫn, bỏ qua yêu cầu của đề và chọn sai đáp án.

Đối với một câu hỏi trắc nghiệm môn lịch sử, trước tiên, học sinh cần đọc kĩ đề, đánh dấu các mốc thời gian bằng số và bằng chữ có trong nội dung câu hỏi và ở 4 đáp án. So sánh các mốc thời gian ở câu hỏi và đáp án, các em có thể loại bỏ được phương án sai. Ví dụ, đề bài hỏi “thắng lợi quân sự trong mốc thời gian từ năm 1954 – 1975” thì đáp án đúng phải là sự kiện lịch sử diễn ra trong khoảng thời gian 1954 – 1975, không nằm trong mốc thời gian đó thì loại bỏ.

Với những phương pháp ôn tập khoa học, dễ hiểu sẽ giúp các em học sinh làm bài tốt và đạt kết quả cao.

Kĩ năng đối chiếu từ khóa quan trọng trong câu hỏi với nội dung các đáp án cũng là một kĩ năng cần thiết đối với các em học sinh khi làm bài. Ví dụ, đề bài hỏi “thành tựu trên lĩnh vực khoa học kĩ thuật” thì đáp án cũng phải là nội dung thuộc lĩnh vực “khoa học kĩ thuật”, các thành tựu về “kinh tế”, “đối ngoại”, “văn hóa – giáo dục” ta loại bỏ.

Khi làm luyện đề hoặc làm bài thi môn Lịch sử, các em học sinh cần phân tích được định dạng nội dung của câu hỏi để có thể đưa ra phán đoán và hướng làm bài. Có một số dạng nội dung câu hỏi thường gặp như: Lịch sử thế giới có dạng hỏi về các quốc gia/khu vực trên thế giới (với dấu hiệu cho đặc điểm - hỏi quốc gia/khu vực nào, cho quốc gia/khu vực - hỏi đặc điểm), dạng câu hỏi hỏi về các tổ chức quốc tế/tổ chức liên kết khu vực (UN, EU, ASEAN…)

Lịch sử Việt Nam có dạng hỏi về các kỳ Đại hội và Hội nghị quan trọng của Đảng từ 1930-2000; dạng hỏi về các chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) và thắng lợi đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mĩ (1954-1975); dạng hỏi về các văn kiện của Đảng được học trong chương trình (Cương lĩnh, Luận cương, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, các Hiệp định, Hiệp ước…); dạng hỏi về nhân vật lịch sử; dạng hỏi về mặt trận dân tộc qua các thời kì; dạng hỏi về ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm… tất cả các dạng trên đều có dấu hiệu nhận biết và cách làm bài đặc thù cần hướng dẫn các em phân tích để đưa ra lựa chọn đúng đắn từ quá trình ôn luyện.

Trong khi làm bài thi các em học sinh nên chuẩn bị sức khỏe tốt, tinh thần bình tĩnh, tránh ôn tập khuya và căng thẳng trong quá trình thi. Trước khi vào phòng, các em cần kiểm tra đầy đủ những đồ dùng vật dụng được mang vào phòng thi theo đúng quy định, chọn những vật dụng có chất lượng tốt như bút chì, tẩy tránh làm rách, bẩn bài thi. Khi nhận đề nên dành thời gian để kiểm tra kỹ tình trạng của đề thi, tô đầy đủ mã đề rồi mới làm bài.

Ngoài ra, các em nên tránh những việc sau: Tô ngay lập tức các đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm khi chưa chắc chắn, việc làm này sẽ dẫn đến tẩy xóa nhiều và làm bẩn bài thi. Dành quá nhiều thời gian cho các câu hỏi khó, không còn thời gian để hoàn thành tổng thể bài thi. Tránh nhầm lẫn các đáp án và thứ tự các câu hỏi khi tô đáp án từ giấy nháp hoặc đề vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Chủ quan với các câu hỏi ở mức độ nhận biết, các câu hỏi có thể nhìn ngay ra đáp án đúng mà không kiểm tra lại…

Phương Thảo