Đường quê xanh, đẹp với Đậu đen xanh lòng

Mô hình Đậu đen xanh lòng không chỉ giúp phụ nữ có thêm thu nhập mà còn làm đẹp đường quê

Với đặc trưng là vùng đất nhiễm phèn nặng, sau nhiều năm trồng cây tràm nhưng vẫn cho năng suất thấp, một số hộ dân tại xã Bình Hòa Hưng mạnh dạn chuyển đổi sang trồng chanh, bưởi, dừa,... nhằm nâng cao thu nhập, trong đó có trồng đậu đen xanh lòng.

Chi hội trưởng Chi hội PN ấp 4, xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ - Nguyễn Thị Minh cho biết: “Lúc đầu, chỉ có tôi và 2 hội viên trồng một vài luống nhỏ để phục vụ gia đình và làm quà tặng cho con mỗi lần về thăm nhà. Đến năm 2021, có thêm 3 hội viên cùng trồng. Do ít người biết nên đầu ra của đậu đen xanh lòng không nhiều, các chị cũng nản chí. Để vực dậy tinh thần của các chị, năm 2022, mô hình Đậu đen xanh lòng được triển khai và Hội Liên hiệp (LH) PN xã Bình Hòa Hưng chọn Chi hội PN ấp 4 làm điểm thực hiện; đồng thời, đăng ký với Ban Dân vận Huyện ủy tham gia mô hình Dân vận khéo năm 2023”.

Rút kinh nghiệm sau nhiều năm trồng, Hội LHPN xã nhận thấy cây đậu đen xanh lòng thích nghi và phát triển tốt ở vùng đất nhiễm phèn, bởi sức chống chịu hạn cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây chính là cơ hội mở ra hướng đi mới cho hội viên, PN địa phương trong phát triển kinh tế gia đình. Thế là, thông qua các buổi sinh hoạt tổ PN, các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, Hội LHPN xã cùng Chi hội PN ấp 4 tăng cường tuyên truyền về hiệu quả của việc trồng đậu đen xanh lòng, tác dụng của đậu đen đối với sức khỏe con người, cách thức buôn bán. Nhờ đó, nhiều chị em hội viên ủng hộ nhiệt tình và có 10/10 hộ đồng loạt xuống giống, quyết tâm cùng nhau thực hiện.

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ - Nguyễn Thị Vân Anh, mô hình Đậu đen xanh lòng không chỉ nhằm triển khai, thực hiện mô hình Dân vận khéo mà còn gắn với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”. Bên cạnh đậu đen xanh lòng, Hội còn vận động các chị trồng thêm các loại hoa hai bên lề đường như hoa chiều tím, mười giờ, dừa cạn, bông trang,... để tạo nên tuyến đường hoa của PN.

Bà Nguyễn Thị Minh chia sẻ: “Để tạo đặc trưng riêng cho sản phẩm của mình, chúng tôi chọn hạt giống là loại đậu hạt nhỏ, tròn, đen bóng. Loại đậu này trên thị trường rất ít, việc chăm sóc và bảo quản chủ yếu bằng công lao động. Đậu được thu hoạch chủ yếu vào những ngày nắng vì tiện trong việc phơi khô và đậu sẽ có màu đen sậm. Thu nhập bình quân của mỗi hộ sau 2 tháng trồng đậu đen xanh lòng từ 1,5-2 triệu đồng. Trừ chi phí cây giống, mỗi hộ có thu nhập 5-6 triệu đồng/năm”.

Hiện tại, sản phẩm đậu đen xanh lòng được Hội LHPN xã quảng bá với giá thống nhất của tổ là 60.000 đồng/kg và đăng bán trên trang Zalo, Facebook cá nhân, từ đó, số lượng người mua ngày càng nhiều, góp phần cải thiện thu nhập cho hội viên, PN trong những lúc nhàn rỗi; đồng thời, tạo cảnh quan đường quê xanh, sạch, đẹp.

Có thể nói, mô hình Đậu đen xanh lòng là một trong những cách làm hay, sáng tạo, thiết thực của Hội LHPN xã Bình Hòa Hưng trong việc gắn các phong trào và nhiệm vụ của Hội với phong trào thi đua Dân vận khéo. Từ đó, phát huy hiệu quả hình thức tập hợp, góp phần tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống cho hội viên, PN trên vùng đất bưng biền, nhiễm phèn của xã biên giới Bình Hòa Hưng./.

N.Huỳnh