'Đừng nghĩ LHP phải tìm kiếm phim hay người nổi tiếng!

Hirokazu Kore-eda, 62 tuổi, là một trong những tên tuổi lớn nhất của điện ảnh Nhật Bản và thế giới. Từ năm 1995, ông gây tiếng vang khi tác phẩm 'Maborosi' (1995) tranh giải Sư tử vàng tại LHP Venice. Đạo diễn đã không dưới 10 lần có phim tranh giải tại LHP Cannes và mang về thành tựu cao nhất như: Cành cọ vàng ('Shoplifters', 2018), Jury Prize - giải thưởng của BGK với 'Like Father Like Son' (2013), Nam diễn viên xuất sắc nhất (hai lần, với 'Nobody Knows' – 2004 và 'Broker' - 2022) và mới đây nhất là Kịch bản xuất sắc nhất với 'Monster' (2023).

Đạo diễn Hirokazu Kore-eda vừa đến TP.HCM để tham dự Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF) lần thứ nhất. Ông đồng hành các buổi chiếu phim, tọa đàm, giao lưu trong khuôn khổ sự kiện. Sự góp mặt của đạo diễn Kore-eda Hirokazu tại HIFF 2024 được kỳ vọng mang đến bầu không khí điện ảnh đỉnh cao, truyền cảm hứng và tri thức cho thế hệ đạo diễn tương lai.

Dịp này, Hirokazu có cuộc trao đổi với truyền thông Việt Nam về kinh nghiệm điện ảnh và góc nhìn về nhà làm phim trẻ hiện nay.

Nhà làm phim trẻ cần va chạm, trải nghiệm

Đạo diễn Hirokazu trong buổi giao lưu chiều 10/4.

Ông Hirokazu cho rằng việc tổ chức một liên hoan phim quy mô quốc tế là không dễ dàng. Ông mong HIFF sẽ có thể kéo dài trong nhiều năm để đóng góp cho ngành điện ảnh Việt Nam và thế giới.

Theo ông, phải làm sao để thu hút được phim hay đến với Liên hoan phim HIFF?, trước câu hỏi này, Hirokazu bày tỏ ban tổ chức cần đặt suy nghĩ không nên quan trọng việc tìm kiếm phim hay người nổi tiếng. Đạo diễn ví LHP như một quá trình trồng cây, phải cần kiên trì mới có thể hái được quả ngọt.

"LHP mùa đầu tiên không thể nổi tiếng ngay được. Đây là thời điểm để tương tác, giao lưu của người làm phim trong nước và quốc tế. Chúng ta phải có tâm thế phát hiện, nuôi dưỡng, động viên nhà làm phim trẻ. Bên cạnh đó, BTC cần tìm ra phim hay để công chiếu, quảng bá rộng rãi đến mọi người", ông cho biết.

Hirokazu nhìn nhận đạo diễn trẻ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi theo đuổi dòng phim nghệ thuật. Ngoài yếu tố kịch bản, câu chuyện tài chính là điều đáng lo ngại.

Theo ông, các nhà làm phim nên suy nghĩ cởi mở, lạc quan. Thay vì giữ kịch bản cho riêng mình, mọi người nên tích cực tham gia hiện trường bên ngoài với hoạt động giao lưu, trao đổi, tìm kiếm cơ hội.

Hirokazu cho rằng các đạo diễn trẻ cần va chạm thực tế, trải nghiệm nhiều hơn.

Hirokazu nhấn mạnh vào sự va chạm thực tế, rèn luyện ở nhiều môi trường khác nhau. Qua đó, mỗi cá nhân tìm kiếm được bài học, trải nghiệm thực tế để trưởng thành, phát triển qua từng ngày.

Ngoài ra, việc xây dựng thành phố điện ảnh cần bài bản, lâu dài. Cơ quan quản lý đồng hành, hỗ trợ nhà làm phim từ khâu địa điểm, bối cảnh và hậu cần phát sinh.

“Tài trợ phim tốt nhất là đưa tiền và không can thiệp quá sâu, để cho đạo diễn làm. Tôi nghĩ đó cũng là tinh thần của một thành phố điện ảnh: sẵn sàng về hậu cần và để nhà làm nội dung thoải mái sáng tạo với ý tưởng của họ”, ông bày tỏ.

Hirokazu Kore-eda chia sẻ trong buổi gặp gỡ

Không làm phim theo lời khen của khán giả

Phim của Hirokazu thường xoáy sâu vào hiện thực và các vấn đề nhức nhối tại Nhật Bản như câu chuyện người mẹ bỏ con trong phim Nobody Knows, nạn buôn bán trẻ em trong phim Broker (Người môi giới) hay chuyện về một gia đình chuyên đi ăn trộm đồ siêu thị trong Shoplifters.

Dù trọng tâm câu chuyện là sự tiêu cực không thể bào chữa của con người nhưng đạo diễn đề cao tính nhân văn trong mỗi nhân vật bằng cái nhìn nhân đạo, không phán xét. Ông để người xem tự cảm nhận, có đánh giá riêng sau khi theo dõi tác phẩm.

Hirokazu Kore-eda nhận giải Cành Cọ Vàng Liên hoan phim Cannes 2018.

Có nhiều phim được đánh giá cao, đoạt giải thưởng lớn nhưng Hirokazu luôn giữ tâm thế khiêm tốn, thực tế khi bắt tay tác phẩm mới. Đạo diễn chỉ suy nghĩ đơn giản điện ảnh là phản ánh cuộc sống, con người qua góc nhìn cá nhân.

"Khi làm đạo diễn, tôi không mô tả cụ thể về thiên đường hay địa ngục, không tốt hay xấu hẳn, mọi thứ được giải quyết bằng cách nào đó. Mỗi người luôn sống trong thế giới ấy và phải tự thích nghi, thay đổi", ông nói.

Tương tự, khi nhận một giải thưởng, sự tung hô từ đám đông, Hirokazu đón nhận khách quan. Song ông luôn giữ cho mình tâm thế độc lập.

"Mọi người khen không có nghĩa tôi làm phim theo lời khen của họ. Khi nhận giải thưởng, tôi nghĩ nhiều hơn về phần chưa làm tốt để sửa đổi cho dự án tới", ông nêu quan điểm.

Với Hirokazu, một bộ phim hay là một bộ phim không kết thúc trong rạp phim. Khi ra khỏi phòng chiếu, nó phải đọng lại trong lòng người xem. Người ta có thể suy nghĩ, trăn trở về phim, thay đổi góc nhìn về nó và cả thế giới xung quanh. Đó chính là giá trị, điều đọng lại của một tác phẩm điện ảnh hay.

Nam đạo diễn đồng hành cùng các hoạt động của HIFF.

Lịch trình của đạo diễn Koreeda tại TP.HCM như sau:

- Tối 10/4 đạo diễn sẽ có buổi giao lưu với khán giả sau khi công chiếu bộ phim 'Broker' tại Nhà hát TP.HCM.

- Ngày 12/4, buổi giao lưu đặc biệt giữa đạo diễn với những nhà làm phim trẻ tại La Vela Sài Gòn.

Ngoài Koreeda Hirokazu, khán giả yêu phim, nhà làm phim tại TP.HCM còn có cơ hội xem phim đồng thời gặp gỡ, giao lưu với một số đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh thế giới như: bà Anne Fontaine - đạo diễn phim Bolero, Coco avant Chanel...; ông Kim Jee Woon - đạo diễn A Tales of Two Sisters.

Trailer phim 'Broker' (Người môi giới) do Kore-eda Hirokazu đạo diễn:

Ảnh: Diễm Mi, HIFF

Tuấn Chiêu