Du lịch Đà Nẵng phải làm mới để đủ sức cạnh tranh điểm đến

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trặng Bằng khen của UBND thành phố cho các đơn vị đóng góp nhiều vào sự phát triển của ngành du lịch.

Khách đến Đà Nẵng bằng 92% so với năm 2019

Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, thành phố đang trên đà tăng trưởng, giúp khôi phục mạnh mẽ hoạt động du lịch. Thương hiệu du lịch và sức hấp dẫn của điểm đến Đà Nẵng tiếp tục được minh chứng thông qua nhiều danh hiệu, giải thưởng quốc tế uy tín về du lịch cùng với sự yêu thích lựa chọn của du khách: Top 11 điểm đến tốt nhất châu Á năm 2024 (theo Tạp chí du lịch Mỹ CnTraveller), Điểm đến trong nước được tìm kiếm nhiều nhất bởi du khách Việt trong hè 2023 (trang Booking.com thống kê), Điểm đến lý tưởng để các doanh nghiệp lựa chọn tổ chức du lịch MICE (theo trang MICENET của Úc), Điểm đến hàng đầu dành cho du khách Ấn Độ (theo trang Skyscanner tại Ấn Độ), đứng thứ 2 trong số điểm đến "du mục kỹ thuật số" (digital nomad) phát triển nhanh nhất thế giới (theo Tạp chí du lịch Outlook Traveller).

Theo báo cáo, trong năm 2023, khách do cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng hơn 7,39 triệu lượt, tăng gấp 2 lần so với năm 2022, bằng 92% so với 2019. Trong đó khách quốc tế đạt hơn 1,98 triệu lượt, tăng hơn gấp 4,2 lần so với năm 2022 (bằng 61% so với 2019), khách nội địa dự kiến đạt hơn 5,4 triệu lượt tăng 66% so với năm 2022 (bằng 113% so với 2019). Doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành đạt gần 28 ngàn tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2022, bằng 130% so với 2019. Với các giải pháp phục hồi du lịch mạnh mẽ, trong năm qua có 40 ngàn chuyến bay đến Đà Nẵng, tăng 1,35 lần so với năm 2022 và phục hồi 82,3% so với năm 2019. Lượt khách đến bằng đường hàng không trong năm 2023 ước đạt hơn 6,3 triệu lượt, tăng 1,42 lần so với năm 2022 và phục hồi 81,2% so với năm 2019. Đến nay Đà Nẵng đã xúc tiến khôi phục và mở mới 24 đường bay đến, gồm 8 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế thường kỳ (trong đó 1 đường bay thường kỳ Viêng Chăn, Lào - Đà Nẵng do Laos Airlines khai thác đã dừng bay từ tháng 9-2023), trung bình thành phố có 90-140 chuyến bay đến mỗi ngày. Trong năm qua, công tác xúc tiến thị trường quốc tế được tăng cường mạnh mẽ thông qua các hoạt động xúc tiến, tìm kiếm nguồn khách, kết nối doanh nghiệp tại Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Qatar và UAE, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Trung Quốc... Đà Nẵng cũng đón các đoàn famtrip quốc tế, đoàn presstrip, KOLs của Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Masterchef Australia Tommy Phạm, Ấn Độ, Nam Phi, Nhật Bản... đến khảo sát quảng bá, phát triển du lịch.

Ở thị trường nội địa, trong năm 2023, Đà Nẵng tiếp tục triển khai hợp tác liên kết 5 địa phương Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, Hồ Chí Minh, Sơn La, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh tặng giấy khen cho đại diện các đơn vị đóng góp nhiều cho ngành du lịch.

Áp lực về xu hướng du lịch mới, cạnh tranh điểm đến gay gắt

Năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 8,42 triệu lượt khách lưu trú, tăng hơn 13,8% so với năm 2023, gần bằng 105% so với năm 2019. Đà Nẵng tập trung phát triển các sản phẩm du lịch theo Đề án định hướng phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 9 nhóm sản phẩm du lịch sau đang thực sự thu hút khách đến Đà Nẵng. Trong đó chú trọng khai thác Du lịch MICE, Du lịch Golf, Du lịch cưới. Thành phố sẽ thí điểm một số hoạt động dịch vụ nhằm tạo sản phẩm mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh thu hút khách như thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng, dịch vụ du lịch ban đêm trên cầu và công viên bờ Đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi. Cùng với đó là tập trung hỗ trợ khởi công dự án Tổ hợp Dòng sông ánh sáng và bến thủy nội địa, Khu tổ hợp công trình phục vụ Lễ hội pháo hoa quốc tế, Khu công viên văn hóa và vui chơi giải trí phía Đông Nam Đài tưởng niệm.

Theo nhận định của ngành du lịch, những nhiệm vụ nói trên được đặt ra trong bối cảnh tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến du khách cắt giảm chi tiêu, ngày lưu trú và chọn điểm đến gần, gây khó khăn cho việc khôi phục mở đường bay quốc tế và khai thác các thị trường quốc tế. Thị trường trọng điểm, tiềm năng như Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi, Ấn Độ đang gặp khó khăn trong việc mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, Hàn Quốc, Đài Loan đang có dấu hiệu bão hòa. Bối cảnh mới thay đổi xu hướng của du khách như tìm kiếm những kỳ nghỉ độc đáo, gây ngạc nhiên và thích thú, hướng đến các dịch vụ du lịch, trải nghiệm thân thiện với môi trường, du lịch xanh, du lịch cộng đồng và du lịch chăm sóc sức khỏe, tinh thần. Các doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn nên chậm đầu tư hình thành sản phẩm du lịch mới, chưa đủ sức cạnh tranh và năng lực để có thể bắt kịp xu hướng thị trường và công nghệ số. Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm động lực tạo sản phẩm du lịch tiếp tục gặp vướng mắc, khó khăn nên sẽ khó có sản phẩm mới cho Đà Nẵng trong năm 2024. Cùng với đó, chính sách mở về visa, chính sách giá, chương trình kích cầu, trợ giá sản phẩm mới và liên tục có các chương trình lễ hội sự kiện quy mô lớn thường xuyên hàng năm ở các điểm đến quốc tế như Thái Lan, Bali (Indonesia) và trong nước (Nha Trang, Sa Pa, Phú Quốc) vẫn còn gay gắt… sẽ là một thách thức không nhỏ nếu du lịch Đà Nẵng không có đột phá.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đánh giá, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành du lịch đã đạt được những kết quả khả quan. Đây là điều đáng mừng trong bối cảnh nhiều địa phương khác đang gặp nhiều trở ngại khiến tốc độ phục hồi rất chậm. Với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố, ngành du lịch phải đặt mục tiêu cao để tạo động lực phấn đấu trong năm 2024 đón hơn 8,2 triệu lượt khách. Phó Chủ tịch UBND thành phố nhận định, những thay đổi về nhu cầu, thị hiếu, sự dịch chuyển thị trường và xu hướng du lịch trên toàn cầu trong thời gian tới sẽ là một thách thức không hề nhỏ đối với Đà Nẵng. Điều đó đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay, đồng hành vì mục tiêu phát triển du lịch bền vững. "Để có tên trong danh sách 11 điểm đến tốt nhất châu Á là một hành trình dài và nhiều khó khăn. Giờ phải làm sao để xứng đáng với danh hiệu đó. Chúng ta phải hướng đến có sản phẩm tốt nhất, chất lượng cao nhất, dịch vụ vượt trội nhất và hướng đến thị trường mới, cách làm mới thì mới đủ sức cạnh tranh. Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp, sự chung tay chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch", ông Cường nhấn mạnh.

Đông A