Dự án trọng điểm nhà nước Khí Nam Côn Sơn

TS. Trần Ngọc Cảnh, Nguyên Tổng Giám đốc Petrovietnam, nguyên Trưởng đoàn Đàm phán Dự án khí Nam Côn Sơn

Cụm các mỏ khí Lan Tây – Lan Đỏ thuộc lô 06 thềm lục địa nước CHXHCN Việt Nam, nằm cách thành phố Vũng Tàu khoảng 360 km về phía Đông Nam, được Tổ hợp Nhà thầu Hợp đồng phân chia Sản phẩm (PSC) gồm Tập đoàn BP (Vương quốc Anh), STATOIL (Vương quốc Na Uy) và ONGC (Cộng hòa Ấn Độ) phát hiện năm 1993. Đến cuối năm 1994 kết thúc Thời kỳ tìm kiếm - thăm dò, Nhà thầu đã tuyên bố phát hiện thương mại Cụm mỏ khí này và được giữ lại phần diện tích phát triển mỏ với tên mới là lô 06-1. Tháng 10/1995 Hội đồng Trữ lượng của Petrovietnam đã phê duyệt trữ lượng khí thiên nhiên và khí ngưng tụ (condensate) của Cụm mỏ Lan Tây - Lan Đỏ và Nhà thầu cũng đã tiến hành khảo sát đáy biển chuẩn bị thiết kế đường ống dẫn khí vào bờ, cũng như tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế phát triển Cụm mỏ này.

Tuy nhiên, trước nhiều vấn đề mới được đặt ra về khai thác và cung cấp khí cho nhu cầu của thị trường Việt Nam (Phía Việt Nam không đồng ý với đề xuất xuất khẩu khí sang các nước khác trong khu vực) chưa được quy định trong Hợp đồng PSC ký ngày 19/5/1988, nên Thủ tướng Chính Phủ Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo Petrovietnam phối hợp với Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình Khí - Điện - Đạm (do Bộ trưởng Trần Xuân Giá làm Trưởng Ban) và các Bộ ngành liên quan khẩn trương đàm phán với các đối tác nước ngoài về Thỏa thuận Bổ sung (SA) của Hợp đồng phân chia sản phẩm khí lô 06-1, Kế hoạch phát triển và khai thác các mỏ khí (FDP) thuộc lô này, Hợp đồng Hợp tác Kinh doanh (BCC) đầu tư xây dựng và vận hành đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn do Petrovietnam nắm giữ 51% và BP/STATOIL 49% cổ phần, Thỏa thuận Vận chuyển khí (TA), Hợp đồng Mua bán khí (GSPA), cũng như Cam kết Bảo lãnh của Chính Phủ Việt Nam đối với Dự án (GGU),...

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và tiếp tục là Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải các cuộc đàm phán đã kết thúc tốt đẹp và tất cả các Hợp đồng/ Thỏa thuận liên quan tới Dự án này đã được ký kết tại Nhà khách Chính phủ, 12 phố Lê Thạch, TP. Hà Nội vào các ngày 15/12/2000, 12/02/2001 và 26/02/2001.

Kết quả là, sau 2 năm cùng lúc triển khai tất cả các hạng mục xây dựng trong Dự án sử dụng nguồn khí thiên nhiên của lô 06-1 thì: Dự án xây dựng đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn đã hoàn thành vào ngày 26/11/2002; đồng thời phía Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) cũng vừa kết thúc xây lắp và đưa vào vận hành các nhà máy Điện chạy khí ở khu công nghiệp Phú Mỹ; còn Nhà thầu PSC lô 06-1 đã hoàn thành xây dựng và vận hành thử các công trình ngoài mỏ như khoan và hoàn thiện 06 giếng khai thác, xây lắp giàn khai thác và lắp đặt các công trình phụ trợ khác... Ngày 21/1/2003 dòng khí đầu tiên khai thác từ mỏ khí Lan Tây lô 06-1 đã được vận chuyển về tới Trạm Phân phối khí Phú Mỹ. Trong Báo cáo của Tổng Giám đốc Petrovietnam gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 01/10/2004 có nhấn mạnh: “Lan Tây - Lan Đỏ là cụm mỏ khai thác khí thiên nhiên lớn nhất Việt Nam với sản lượng khoảng 10 triệu m3 khí/ngày và 200 tấn condensate/ngày. Dự kiến năm 2004 sản lượng khí của mỏ sẽ đạt 2,2 - 2,4 tỷ m3 và Condensate đạt 0,08 triệu tấn”.

Để hoàn thành được Dự án khí Nam Côn Sơn, bao gồm xây lắp các công trình khai thác ngoài mỏ, xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí vào bờ dài 399 km, nhà máy Xử lý khí (NCSPT) tại Dinh Cố, Trạm Phân phối khí (GDC) Phú Mỹ và nhà máy Nhiệt điện khí Phú Mỹ 3, các Bên tham gia trong Hợp đồng PSC lô 06-1, Hợp đồng BCC Đường ống khí NCSP... đã đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD là một trong những Dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Đây cũng là biểu hiện thiện chí hợp tác của các Nhà đầu tư Nước ngoài đối với Việt Nam và Petrovietnam trong bối cảnh khủng khoảng tài chính khu vực Đông Nam Á giai đoạn 1996-1998. Đồng thời, đây là Dự án then chốt của Chương trình trọng điểm Nhà nước về Khí - Điện - Đạm Bà Rịa-Vũng Tàu đã được Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam, khóa X, thông qua vào tháng 10/1997.

Một góc nhà máy Xử lý khí Nam Côn Sơn

Thành công của dự án sau gần 20 năm hoạt động đã khẳng định những đóng góp của nó vào việc phát triển ngành công nghiệp khí non trẻ của Việt Nam, phát huy hiệu quả việc sử dụng nguồn tài nguyên khí thiên nhiên quý giá của đất nước vào phát triển kinh tế, góp phần hình thành đội ngũ lao động chuyên nghiệp có trình độ và tay nghề cao cho Ngành Dầu khí. Các công trình trên biển của Dự án đã góp phần quan trọng trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia ở trên Biển Đông.

Kết quả sau 20 năm thực hiện các Hợp đồng thương mại đã ký kết của Dự án khí NCS đã minh chứng sự thành công không chỉ ở mức giá khí cạnh tranh trên thị trường mà còn ở công suất tối đa so với khối lượng cam kết để đảm bảo cho phía Việt Nam có khả năng thu hồi nhanh lượng khí bao tiêu trả trước. Ngoài ra, phù hợp với thỏa thuận trong Hợp đồng BCC quy định Tập đoàn BP là Nhà điều hành của Hợp doanh trong giai đoạn 2 năm xây dựng và 5 năm đầu vận hành Hệ thống đường ống, sau đó sẽ chuyển giao quyền điều hành cho phía Việt Nam đảm nhận cũng thể hiện sự hợp tác chân thành và tầm nhìn dài hạn của Lãnh đạo Tổng công ty Dầu Khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) trong việc tận dụng tiềm năng công nghệ và kinh nghiệm quản lý của Tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới như BP trong việc thành lập và quản lý Dự án cũng như xây dựng hệ thống quản lý, điều hành, tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên người Việt cho giai đoạn vận hành tiếp theo.

Sau 7 năm thực hiện hết sức chuyên nghiệp và hiệu quả quyền điều hành công tác xây dựng và điều hành Hợp doanh (BCC), Tập đoàn Dầu khí BP của Vương Quốc Anh cùng với Hệ thống công trình Dự án khí Nam Côn Sơn được xây dựng một cách đồng bộ với 4P từ Hạ tầng cơ sở (Plant), đến Con người (People), Quy trình quản lý (Process) và Kết quả vận hành (Performance) đã chuyển giao cho Tập đoàn Dầu khí/Tổng công ty Khí Việt Nam từ ngày 01/01/2008. Để duy trì và phát triển những thành quả chuyển giao công nghệ từ BP, cũng như nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của các Bên tham gia Dự án, Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đồng ý cho NCSP tiếp tục áp dụng các chuẩn mực quản lý, điều hành của BP trong Hệ thống của PV GAS. Những thành quả của NCSP về An toàn, Tin cậy và Hiệu quả trong gần 13 năm qua dưới sự điều hành của Tập đoàn Dầu khí/Tổng công ty Khí Việt Nam do 100% nhân viên người Việt thực hiện luôn luôn cao hơn so với 5 năm đầu vận hành Dự án và đấy cũng là lý do để NCSP là nơi mà nhiều đơn vị trong, ngoài ngành thường xuyên đến tham quan, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm trong suốt thời gian qua.

TS. Trần Ngọc Cảnh, Nguyên Tổng Giám đốc Petrovietnam, nguyên Trưởng đoàn Đàm phán Dự án khí Nam Côn Sơn