Doanh nghiệp dệt may mong cơ chế mới cho điện mặt trời mái nhà

Đây là những chia sẻ của ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tại Diễn đàn “Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp - Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp" được tổ chức tổ vào chiều 11/4/2024 vừa qua.

Điện mặt trời mái nhà phù hợp định hướng phát triển của ngành Dệt may

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 44 tỷ USD, là ngành có tỷ trọng xuất khẩu tăng trưởng nhanh. Năm 2023, mặc dù vô cùng khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành đã đạt 39,5 tỷ USD. Năm 2024 dự kiến bằng mức cao của năm 2022 với nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản,…xuất siêu của Ngành luôn rất lớn. Việt Nam cũng đang có lộ trình giảm phát thảo net zero.

Ngành Dệt may đã đưa ra chiến lược, định hướng phát triển bền vững. Theo đó định hướng từ nay đến năm 2030, Ngành sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững dựa trên chuyển đổi số, tăng trưởng xanh. Định hướng từ năm 2030-2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu…Với mục tiêu này, Phó Chủ tịch VITAS cho biết Ngành Dệt may định hướng phát triển theo mô hình:bền vững nguồn nhân lực, cải thiện điều kiện làm việc, tăng thu nhập, quan hệ lao động hài hòa, đào tạo… tăng trưởng kinh doanh và có lãi gồm quản trị rủi ro, chuyển đổi số, chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu…

Điện mặt trời mái nhà được nhận định là phù hợp định hướng phát triển của ngành Dệt may chuyển từ “nhanh” sang “bền vững”.

Thực tế, theo ông Trương Văn Cẩm, đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà là phù hợp chủ trương của Nhà nước: giảm năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết Net-Zero vào năm 2050. Bên cạnh đó nó đồng thời đáp ứng yêu cầu khách hàng tại rất nhiều thị trường xuất khẩu Dệt may: xanh hóa, tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng tái tạo. Cũng phù hợp định hướng phát triển của ngành Dệt may chuyển từ “nhanh” sang “bền vững”.

Cần sớm ban hành chính sách, hướng dẫn cụ thể

Phó Chủ tịch VITAS cho biết thêm ngành Dệt may có rất nhiều doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp (KCN), khoảng trên 1.200 doanh nghiệp với 610.000 lao động nằm trong KCN. Với diện tích mái nhà xưởng lớn, nhất là trong KCN, doanh nghiệp Dệt may có điều kiện thuận lợi cho lắp đặt mục tiêu tiết kiệm chi phí, chủ động nguồn cung năng lượng, tăng khả năng cạnh tranh về giá đồng thời đáp ứng yêu cầu “xanh hóa” sản phẩm.

Điện mặt trời mái nhà trong KCN rất phù hợp với chủ trương của nhà nước, giảm phát thải khí nhà kính, ông Trương Văn Cẩm cũng cho biết thực tế, có khoảng 30 -50% doanh nghiệp trong Ngành tùy theo vùng, miền đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên nhiều dự án đã dừng lại từ khi Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam không còn hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.

Phó Chủ tịch VITAS cũng chỉ rõ nhiều khó khăn đang cản trở doanh nghiệp đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà.

Do đó, ông Cẩm cho rằng, cần sớm ban hành chính sách tổng thể và hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư, lắp đặt, an toàn điện, phòng cháy chữa cháy,... cho doanh nghiệp, khu công nghiệp thống nhất trong cả nước.

Ngoài ra cũng cần sớm ban hành chính sách thay thế cho cơ chế ưu đãi (giá FIT) đã hết hạn. Ví dụ trong KCN có cơ chế cho doanh nghiệp trong cùng KCN mua bán điện…Về cơ chế hỗ trợ vốn, ông Trương Văn Cẩm cho biết, ngành dệt may chủ yếu là DNNVV là đối tượng cần hỗ trợ vốn cho điện mái nhà, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn; Đồng thời, ông Cẩm cũng đề xuất cần hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng nghề cho nhân lực vận hành…

Đồng thời đại diện Hiệp hội Dệt may cho rằng Quyết định 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII mới chỉ tập trung phát triển nguồn điện gió, năng lượng mới. Điện mặt trời mái nhà đến năm 2030 chỉ theo hình thức tự sản tự tiêu. Hiện chưa có khung pháp lý cho phát triển và điều tiết điện mặt trời mái nhà. Vì vậy, ông Cẩm cho rằng cần làm rõ khái niệm “tự sản tự tiêu”, gắn với chính sách tổng thể và hướng dẫn về trình tự, thủ tục đầu tư, an toàn phòng cháy, hoặc cơ chế điều tiết, mua bán, sử dụng điện...

Trao đổi tại Diễn đàn, ông Trần Viết Nguyên - Phó Ban Kinh doanh ập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết nguồn điện mặt trời mái nhà của Việt Nam hiện có công suất đạt 9.500 MW. Trong số này hệ thống điện đã huy động được 4.500 MW tại các khu công nghiệp, đóng góp cho cung ứng điện. Tuy nhiên, theo đại diện EVN nguồn điện này hiện cũng còn nhiều thách thức trong phát triển, đó là nếu nguồn điện này xâm nhập nhiều vào hệ thống, thì sẽ đồng thời cần phải có dự phòng lớn để đảm bảo ổn định hệ thống điện.

Ông Nguyên đồng thời cho biết: “EVN rất cần các nguồn điện này để góp phần đảm bảo cung ứng điện. Vì các nguồn điện truyền thống đầu tư cần thời gian, trong khi điện mặt trời mái nhà phát triển nhanh, huy động được nguồn lực xã hội, lại đáp ứng yêu cầu năng lượng xanh”.

Phan Vy